Ghi chép: Lạc vào ma trận resort “giá sốc” ở Phú Quốc

Là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo của vịnh Thái Lan, mỗi ngày Phú Quốc đón hàng ngàn lượt du khách đến đây nghỉ dưỡng. Ở đảo Ngọc, bên cạnh nhiều resort sang trọng, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp đang hình thành, hứa hẹn thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, viễn khách phải giật mình vì giá phòng nhảy múa trên hòn đảo lớn nhất Việt Nam này.

Sau chuyến bay lúc 6h sáng từ TP.HCM, một tiếng sau, chúng tôi đã tới sân bay Phú Quốc. Từ đây, mọi người sẽ được thưởng thức món đặc sản điểm tâm là bánh canh chả cá. Sau đó là đi tìm nơi nghỉ qua đêm. Từ huyện lỵ là thị trấn Dương Đông, tọa lạc tại phía Tây Bắc của đảo, đi ngược về hướng sân bay là xã Dương Tơ với san sát các resort vào loại lớn nhất ở đây. Các khu nghỉ dưỡng này đều mang tiếng Tây cho oai nhưng kỳ thực khách Tây thì ít mà khách Việt... thì nhiều. Tại resort Salinda, thôn Cửa Lấp, xã Dương Tơ, chúng tôi được biết nơi đây thường xuyên tổ chức hội nghị lớn từ các công ty trong đất liền.

Resort bên đồi ở xã Dương Tơ.

Khu vực sảnh ở đây rất rộng, nhân viên tay cầm bộ đàm rất chuyên nghiệp khi chốc chốc, xe hơi rồi xe taxi trườn lên sảnh để khách bước xuống. Giá phòng ở đây chia làm nhiều loại. Phòng hướng đồi 43 m2, giá 11,4 triệu đồng; phòng hướng vườn là 11,8 triệu đồng; biệt thự hướng biển 58 m2 trên 19 triệu đồng; biệt thự thượng hạng trên 24 triệu đồng... Giá phòng trên chưa bao gồm 5% phí dịch vụ và 10% thuế giá trị gia tăng. Chúng tôi nhẩm tính, nếu cộng thêm 15% phí và thuế thì phòng rẻ nhất ở đây khoảng 15 triệu đồng và phòng cao nhất đạt 30 triệu đồng mỗi đêm chỉ dành riêng cho hai người. Giá này không áp dụng cho Tết Dương lịch và Âm lịch sắp tới. Trong tháng 11 vì là mùa thấp điểm nên giá phòng giảm một nửa. Khách được ăn sáng tự chọn, có hồ bơi và phòng thể dục, phía sau là bãi tắm riêng.

Cạnh bên Salinda là resort 4 sao có tên Famiana. Trong vai cần đặt phòng cho gia đình đưa con nhỏ đi chơi dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi được tiếp tân liến thoắng giới thiệu về giá phòng. Khu nghỉ dưỡng này chia làm 2 dạng phòng, hướng về phía đồi và ngược lại là hướng về phía biển, giá phòng dao động từ 4-15 triệu đồng với phía biển, từ 3-8 triệu đồng với phía đồi. “Trong tuần này, anh phải đặt phòng trước cho Tết Nguyên đán chứ không còn phòng đâu anh. Dịp đó còn phụ thu thêm giá phòng vì cung không đủ cầu. Nếu có em bé đi theo dưới 6 tuổi thì miễn phí nhưng trên 6 tuổi thì giá phóng sẽ tính thêm chừng 1 triệu đồng một ngày” - lễ tân nói. Để di chuyển giữa các phòng, resort này còn có xe lôi để chạy xung quanh trong khi một số khu nghỉ dưỡng khác thì khách chỉ có cách là đi bộ.

Biết không thể thuê được phòng vì giá quá cao, chúng tôi thất thểu đi về resort Eden vì phía sau cũng có bãi biển, hồ bơi. Đây là khu 4 sao nhưng khi hỏi tối có xe taxi đưa ra sân bay không thì lễ tân chào thua vì chỉ phục vụ... buổi sáng. Giá ở đây có phần rẻ hơn các resort khác. Lựa được căn phòng giá rẻ, chúng tôi vào thang máy để lên tầng 2 nhưng anh lễ tân theo sau chỉ biết lấy tay chỉ vị trí căn phòng ở cuối hành lang mà lẽ ra phải mở cửa phòng, mời khách vào bên trong, kiểm tra nguồn điện... vì đó mới là tiêu chuẩn của 4 sao. Dọc hành lang, lá cây rơi vãi lung tung, buồng trực cũng không có người. Phía bên dưới sảnh tòa nhà, khi dùng internet thì chúng tôi ngán ngại vì dòng chữ: “Trong mùa mưa bão, đường truyền bị chậm nên quý khách thông cảm”. Và thực tế, để sử dụng laptop rất vất vả.

Một góc resort Eden.

Resort cũ và mới đang hình thành.

Biết câu chuyện này, anh Phi Hùng, 50 tuổi, du khách tại TP.HCM kể: “Tôi hay dẫn gia đình đi chơi vào các dịp lễ, Tết, khi thì các resort ở Nha Trang, Phan Thiết, Sa Pa, khi thì Phú Quốc, Hà Tiên... So với nhiều nơi thì tại đảo Ngọc rất đắt đỏ. Tuy nhiên, khi khách vắng thì khách mới vào các resort liên hệ chỗ nghỉ ngơi phải trả giá xuống. Nhiều nơi, tôi đã từng thỏa thuận thành công giá phòng từ 5 triệu đồng xuống... 1 triệu đồng. Giá in trên giấy thường cao nhưng phải phụ thuộc vào thực tế khách có đông hay không”.

Trên chuyến taxi quay ra thị trấn An Thới, ông Sáu Triệu, 55 tuổi, tài xế taxi, giới thiệu cho chúng tôi, ngày 17/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại 2 Phú Quốc được chia thành 10 đơn vị hành chính bao gồm: 2 thị trấn (Dương Đông và An Thới), 8 xã (Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Hòn Thơm, Thổ Châu). Nên từ đó, phòng ốc cao giá hơn. Hiện có nhiều phòng nghỉ dạng vừa và nhỏ, chừng 500-700 ngàn đồng một ngày. Nếu muốn tắm biển thì khách phải ra bãi công cộng, thường là ở bãi sau vì giá phòng trong resort cao ngất ngưỡng. Theo lời ông Triệu thì khách đến đây hiện nay là khách Tây, Trung Quốc và một số gia đình giàu có ngoài Bắc vào Phú Quốc để “trốn lạnh”.

Khách nhận phòng.

Hiện tại, một số nơi đã nhận đặt phòng cho Tết Dương lịch và Âm lịch với hứa hẹn giảm giá. Theo khuyến cáo của người dân trên đảo Ngọc, du khách nên đi máy bay ra sẽ tốt hơn vì khỏi phải lái ô tô do không quen đường sá. Nếu muốn đi từ TP.HCM - Hà Tiên, nghỉ một đêm tại đây rồi đi thuyền ra Phú Quốc thì có dịch vụ tàu sẽ chở theo ô tô của du khách. Nhưng trên đảo nhỏ mà nhiều ô tô quá thì không tốt.

Một số du khách khi biết giá phòng nghỉ dưỡng tại Phú Quốc luôn cao thì bồi thêm rằng: “Giá vé máy bay từ Hà Nội hay TP.HCM đến Phú Quốc luôn cao hơn các tuyến khác vì đây là một trong những sân bay quốc tế của cả nước. Trước đây, trên đảo Ngọc có sân bay cũ nhưng đã bỏ hoang để xây dựng và khai thác sân bay mới hiện nay!”. Đây là điểm du lịch hứa hẹn ở mảnh đất cuối cùng của tổ quốc khi ngoài nghỉ dưỡng còn có lặn biển, ngắm san hô, đi thuyền trên vịnh Thái Lan.

Tin & ảnh: Từ Tấn Phát

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ghi-chep-lac-vao-ma-tran-resort-gia-soc-o-phu-quoc-d50005.html