Geotec Hanoi 216: Rút ngắn khoảng cách công nghệ công trình ngầm giữa Việt Nam và thế giới

Theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Công ty CP Fecon, cách thức nhanh nhất để rút ngắn trình độ giữa các nhà thầu thi công nền móng công trình ngầm trong nước so với nhà thầu quốc tế là tiếp cận chọn lọc một số công nghệ tiêu biểu nhất rồi cử cán bộ đi học, sau đó đầu tư cho giai đoạn chuyển giao và đào tạo. Có như vậy, các nhà thầu nội mới nâng dần tỷ trọng khối lượng, hướng đến mục tiêu cân bằng và lấn át nhà thầu ngoại trong công tác đấu thầu và thi công hạng mục công trình ngầm tại Việt Nam.

Đó chính là lý do mà Công ty Cổ phần Fecon đứng ra tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ ba về lĩnh vực Địa Kỹ thuật & Hạ tầng – Geotec Hanoi 2016. Hội nghị do ông Phạm Việt Khoa với vai trò Trưởng ban tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 25/11/2016 tại khách sạn Marriott JW với sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học và chuyên gia đến từ 31 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Hội nghị Geotec 2016 sẽ được tổ chức trong 2 ngày 24-25/11/2016.

Ông Phạm Việt Khoa cho biết: “Hiện nay, nhu cầu xây dựng hầm và không gian ngầm tại Việt Nam đang tăng lên, các dự án Metro đang bắt đầu được triển khai, bên cạnh hàng nghìn km đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao chuẩn bị đầu tư. Hệ thống cảng liên biển, sân bay cũng đang thu hút đầu tư quy mô lớn, các công trình nhà siêu cao tầng đang mọc lên đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị…Tất cả đều rất cần đến kỹ thuật tiên tiến trong thiết kế, thi công và quan trắc Địa kỹ thuật”.

“Mặc dù phát triển nhưng Việt Nam vẫn đi sau thế giới khoảng 30 năm, Geotec Hanoi 2016 chính là cơ hội tốt cho các nhà khoa học, nhà công nghệ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, học hỏi và giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về khảo sát, thiết kế, sản xuất, thi công để ứng dụng vào xây dựng các dự án tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ngành xây dựng kết cấu hạ tầng của Việt Nam đang trong giai đoạn bứt phá về chất, vươn lên tầm cao mới – chú trọng hơn về khoa học công nghệ và phát triển bền vững” – ông Khoa chia sẻ thêm.

Tại buổi họp báo vừa được tổ chức ngày 21/11, đại diện Ban tổ chức công bố thông tin Hội nghị Gectec Hanoi 2016 có quy mô và chất lượng được nâng tầm hơn so với 2 kỳ hội nghị trước. Ban tổ chức đã lựa chọn được 145 bài viết tham gia của các tác giả đến từ 31 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hong Kong, Hungary, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore…

80 bài viết sẽ được lựa chọn trình bày trong hai ngày diễn ra hội nghị. Ngoài 2 vị trí dẫn đầu là Việt Nam và Nhật Bản với số lượng bài viết hoàn chỉnh được lựa chọn lần lượt là 36 và 33 thì năm nay số lượng bài viết đến từ các tác giả Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đạt con số ấn tượng, lần lượt chiếm vị trí số 3 và 4. Đặc biệt, 5 bài keynote đại diện cho 5 chủ đề của Hội nghị năm nay sẽ được trình bày bởi 5 giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Địa Kỹ thuật là GS. Bengt H. Fellenius (Canada), GS. Chang-Yu Ou (Đài Loan), GS. Buddhima Indraratna (Úc), GS. Kazuya Yasuhara (Nhật Bản) và TS. Jamie Standing (Vương Quốc Anh).

Năm chủ đề chính của hội nghị năm nay bao gồm: Móng sâu; Hầm và công trình ngầm; Cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng; Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông và giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu; Quan trắc, kiểm định và bảo trì.

Trong đó, vấn đề “Địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông và giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu” là một phần của giải pháp xây dựng, được nhấn mạnh và nâng thành một chủ đề chính tại hội nghị năm nay. 13 bài viết khoa học về chủ đề này đã được lựa chọn. Đáng chú ý là sự tham gia đóng góp từ các tác giả Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang phải ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu như ngày nay.

Bên cạnh các bài viết tham gia, công tác tài trợ - triển lãm của hội nghị năm nay cũng đạt được những con số ấn tượng. Đến thời điểm hiện tại, 45 gian hàng triển lãm, 4 nhà tài trợ vàng, 1 nhà tài trợ bạc, 3 nhà tài trợ đồng và 2 nhà tài trợ hỗ trợ đã được đăng ký. Các doanh nghiệp tham gia tài trợ - triển lãm năm nay cũng là những gương mặt mới với các ngành nghề sản xuất kinh doanh là thiết kế, sản xuất, thi công các dự án nền móng, công trình ngầm, hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng công nghiệp.

Những con số thống kê này phần nào cho thấy sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước về các vấn đề xây dựng hạ tầng nói chung và địa kỹ thuật nền móng, công trình ngầm nói riêng. Điều này cũng một lần nữa khẳng định uy tín của GEOTEC HANOI - Hội nghị Quốc tế hàng đầu về địa kỹ thuật và hạ tầng được tổ chức tại Việt Nam.

GEOTEC HANOI là Hội nghị quốc tế Địa kỹ thuật được tổ chức tại Hà Nôi vào năm 2011 và 2013. Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2011 đã thành công vang dội, thu hút được 110 bài viết, với 450 đại biểu tham dự đến từ 24 quốc gia trên thế giới. Hội nghị đã vinh dự đón nhận các bài giảng chuyên sâu trong lĩnh vực Địa kỹ thuật của sáu giáo sư/chuyên gia hàng đầu thế giới: GS. Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Kenji Ishihara và TS. Hiroshi Yoshida (Nhật Bản), GS. Harry G. Poulos (Úc), GS. Pieter A. Vermeer (Hà Lan) và GS. Alain Guilloux (Pháp). Tiếp đó, vào tháng 11/2013, Hội nghị GEOTEC HANOI 2013 lần thứ 2 được tổ chức với sự tham gia của các giáo sư: GS. Rolf Katzenbach (Đức), GS. Alain Guilloux (Pháp), GS. Fumio Tatsuoka (Nhật), GS. Kenichi Soga (Anh) và GS. Helmut Schweiger (Úc) và bài giảng danh dự của GS. Sven Hansbo (Thụy Điển). GEOTEC HANOI 2013 đã thu hút 112 bài viết, 500 đại biểu tham dự đến từ 27 quốc gia trên thế giới.

Ninh Toàn

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/geotec-hanoi-216-rut-ngan-khoang-cach-cong-nghe-cong-trinh-ngam-giua-viet-nam-va-the-gioi.html