Geleximco dấn sâu vào ngân hàng

(DĐDN) - Chuyện TCty Xuất nhập khẩu Hà Nội tiếp tục mua lại cổ phần ABBank của Tập đoàn điện lực VN EVN có thể ví như bước dấn sâu vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng của đại gia Vũ Văn Tiền và Tập đoàn...

EVN chính thức đầu tư vào Ngân hàng An Bình (ABBank) năm 2005. Tại thời điểm đó, ABBank đã có các cổ đông chiến lược là Geleximco (TCty Xuất nhập khẩu Hà Nội), TCty Tài chính Dầu khí (PVFC, nay đã sáp nhập làm một với Western Bank thành ngân hàng PVCombank) và kể từ lúc đó cho đến hiện nay, EVN luôn đóng vai trò là cổ đông lớn nhất của ABBank.

Hoán đổi tất yếu

Tính đến 30/6/2013, nhóm cổ đông EVN có EVN nắm 21,27%, các Cty con của EVN là Cty Điện lực Hà Nội, Cty Tài chính Cổ phần Điện lực, Cty CP Cơ điện Thủ Đức và cá nhân ông Võ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện Thủ Đức nắm cổ phiếu ABBank với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 0,99%; 0,3%; 023%, 0,01%. Tổng cộng số cổ phần ABBank mà nhóm EVN nắm giữ trước thoái vốn là 22,52%. Ngày 11/12/2013, EVN đã chuyển nhượng 25,2 triệu CP, tương đương 5,2% ABBank cho Geleximco, đưa số cổ phần ABBank mà EVN đang nắm hiện tại về tỷ lệ sở hữu 16,02%. Tính theo nhóm, số cổ phần nhóm EVN sở hữu còn 17,75%.

Về phía Geleximco, được thành lập bởi đại gia quê lúa Thái Bình Vũ Văn Tiền vào năm 1993, bắt đầu dưới hình thức Cty TNHH, nâng lên thành CTCP năm 2007, tầm nhìn mà Geleximco hướng tới là “phấn đấu để trở thành tập đoàn hàng đầu về đầu tư trong các lĩnh vực: tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghệ thông tin/đào tạo và dịch vụ thương mại mang tính chuyên nghiệp cao và liên tục hoàn thiện, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển…”.

Sự cách xa về địa bàn hoạt động của một ngân hàng nông thôn được cấp phép bởi UBND TP HCM (cũng vào năm 1993) không ngăn trở Geleximco đặt tầm nhìn đầu tư của mình vào ngân hàng này. Giai đoạn 2002-2004, khi ABBank nâng cấp lên ngân hàng đô thị, với bước chuyển mình từ ngân hàng có vốn điều lệ ban đầu 1 tỉ đồng đã tăng lên 70,4 tỉ đồng, Geleximco đã có mặt.

Bản thân đại gia Vũ Văn Tiền tuy không sở hữu trực tiếp nhiều cổ phần tại ABBank (ông chỉ nắm 0,37%), nhưng nhóm cổ đông liên quan đến ông thì tính đến 30/6/2013, nắm tới 17,75% tỷ lệ sở hữu ABBank, trong đó, ngoài Geleximco nắm 7,74%, còn có sự tham gia của vợ, em trai, em dâu, em rể, 2 em gái của ông và Cty con, Cty liên kết của Geleximco.

Ngoài EVN và Geleximco, ABBank còn 2 cổ đông lớn nước ngoài là Maybank và IFC, đã nắm hết room sở hữu tối đa 30% theo phê duyệt của Chính phủ với tỷ lệ sở hữu lần lượt 20% và 10%.

Vì vậy, khi Chính phủ yêu cầu EVN phải thoái vốn toàn phần tại các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, bao gồm ABBank từ nay đến 2015, “đích nhắm” chuyển nhượng cổ phần để thực thi thoái vốn của ABBank dường như đã lộ diện rõ: ABBank khó có thể tìm thêm nhà đầu tư ngoại khác hay bán tiếp cho nhà đầu tư ngoại hiện hữu, bởi room đã hết (trừ trường hợp được Chính phủ thông qua đề án nâng tỷ lệ sở hữu ngân hàng của khối ngoại lên 49%). Do đó, nhà đầu tư mà EVN muốn bắt tay bán vốn, chỉ có thể xuất hiện ở trong nước. Và cũng trong tình cảnh đó, nếu không muốn bị cạnh tranh, lựa chọn mua vốn của EVN sẽ là một lựa chọn khôn ngoại của cổ đông lớn thứ ba trong ABBank. Các vị trí trong cấu trúc chủ sở hữu của ABBank theo đó đã hoán đổi.

Vì sao Geleximco mua thêm vốn ABBank?

Thứ nhất, như đã nêu ở trên, tầm nhìn mà Geleximco hoạch định là tập đoàn đầu tư tài chính – ngân hàng… Nên nhớ, lĩnh vực tài chính – ngân hàng được Cty này xếp lên hàng đầu trong số các lĩnh vực được “liệt kê”; sau đó mới là bất động sản và các lĩnh vực khác. Trên thực tế, Geleximco cũng đã dấn thân vào lĩnh vực tài chính ngân hàng khá rộng: Geleximco có các Cty con kinh doanh tài chính là CTCP Đầu tư Tài chính An Bình, CTCP Quản lí Quỹ đầu tư Chứng khoán An Bình. Ngoài ABBank, Geleximco cũng là đối tác chiến lược của CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Bảo hiểm Hàng không… Cùng với đó, là Cty kinh doanh BĐS, công nghệ, Giấy, Xi măng, Nhiệt điện và Dịch vụ... Muốn trở thành một Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng, rõ ràng Geleximco cần có một ngân hàng có thể không phải của riêng mình nhưng tỷ lệ sở hữu phải đảm bảo chi phối. Trở thành cổ đông lớn nhất của ABBank chính là lựa chọn số 1 của tình thế này.

Thứ hai, nếu không trở thành cổ đông số 1, và trong trường hợp EVN vẫn phải buộc thoái vốn sớm khỏi ABBank, khả năng chi phối của Geleximco tới các Cty liên doanh liên kết như Chứng khoán, Bảo hiểm, nơi mà ABBank cũng đang có tỷ lệ sở hữu lớn, sẽ bị hạn chế. Chưa kể Geleximco sẽ phải chia sẻ “quyền lực” đối với nhóm cổ đông mới toanh khác ở trong nước – một điều mà hẳn đại gia này không mong muốn khi cấu trúc chủ sở hữu ở ABBank hiện tại đã tạm thời yên ổn.

Nhà đầu tư mà EVN muốn bắt tay bán vốn, chỉ có thể xuất hiện ở trong nước.

Thứ ba, về dài hạn, trong trường hợp đề án nới room sở hữu ngân hàng cho khối ngoại được Chính phủ thông qua, và giả định Maybank – vốn đã bị nằm yên trong “thế kẹt”, nói theo ngôn ngữ của nhiều chuyên gia ngân hàng khi nhận định trường hợp đầu tư của Maybank vào ABBank – có cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu thêm 19% (tối đa room 49%), hoặc chỉ một phần của số đó, thì Geleximco cũng sẽ chỉ còn xếp ở vị trí thứ hai. Trong khi khoảng cách nắm tỷ lệ sở hữu trước thời điểm mua vốn của Geleximco từ EVN, so với Maybank, vẫn còn. Ngay cả với IFC, một tổ chức tài chính thuộc Ngân hàng Thế giới World Bank, theo nhận định của giới quan sát, cũng có thể có nhu cầu mua lại vốn của EVN. Một chuyên gia cho rằng một trong những động lực để IFC đầu tư vào ABBank chính là “nối dài cánh tay” tiếp cận tới các dịch vụ dành cho ngành điện bởi ngành điện – lĩnh vực vốn đang được Nhà nước kiểm soát chặt và vì lẽ đó, họ sẽ không bỏ lỡ nếu có cơ hội.

Thứ tư, ngành ngân hàng tuy đang trong lộ trình tái cấu trúc và còn nhiều khó khăn, nhưng bản thân ABBank, với một thị trường cung ứng dịch vụ tài chính khá mạnh mẽ và vững vàng đối với riêng ngành điện (bao gồm DN và dịch vụ), cơ bản vẫn là một miếng mồi thơm đối với những “cá mập” muốn tham gia thị trường tài chính – ngân hàng. Giá mua vốn cổ phần mà EVN chuyển nhượng cho Geleximco bằng mệnh giá, tuy nhỉnh hơn so với thị giá nhiều ngân hàng có quy mô và giá trị tổng tài sản tương đương ABBank trên sàn giao dịch cổ phiếu tự do một chút, song thực tế cũng không bị cho là đắt, đặc biệt nếu xét đến những lí do đã được nêu ở trên.

Câu hỏi cuối cùng mà các cổ đông nhỏ và giới đầu tư đang đặt ra là: Vậy, với 16,02% còn lại, nếu EVN tiếp tục thoái vốn, Geleximco có mua không?

Có thể! Geleximco hẳn sẽ tiếp tục muốn xoay xở để củng cố vị thế chi phối dựa trên tỷ lệ sở hữu cách biệt đối với các cổ đông còn lại, đặc biệt để “phòng xa” nếu room ngoại được nới rộng hơn. Một khi đã dấn sâu vào một miếng mồi ngon như vậy, Geleximco chắc chắn không dễ gì thoái lui hay nhượng bộ. Có phải cũng vì vậy mà đại gia này chấp nhận bước chậm ở một số dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng và địa ốc thời gian qua, như một bước lùi để tiến nhằm tích lũy nguồn lực cho lúc này?

6 tháng đầu năm 2013, ABBank có tổng tài sản đạt đạt trên 50.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch 2013; lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đạt 214,4 tỉ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 32.000 tỉ đồng, đạt 133% kế hoạch quý 2/2013; huy động đạt trên 38.000 tỉ đồng, đạt 110% kế hoạch quý 2/2013; nguồn thu từ dịch vụ đạt 47,4 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch quý 2/2013; số lượng khách hàng DN và khách hàng cá nhân của của ABBank đạt gần 17.000 khách hàng DN và trên 410.600 khách hàng cá nhân, tương 97% kế hoạch quý 2/2013 và tăng 33.774 khách hàng so với tháng 12/2012 (nguồn ABBank). Với những số liệu và các chỉ tiêu đều gần đạt hoặc vượt kế hoạch được giao năm 2013, việc dấn sâu hơn của Geleximco vào ABBank như vậy hoàn toàn là dễ hiểu.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/tai-chinh/geleximco-dan-sau-vao-ngan-hang-20131227090729401.htm