GĐ Sở Nội vụ Hà Nội: Hiện nay cần nhất 5000 bác sĩ

“Có người nói Hà Nội không trải thảm đỏ người ta vẫn đến nhưng Hà Nội không đóng cửa đối với những người có tài năng”.

Đó là điều Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài của Thành phố.

Dự thảo Nghị quyết về trọng dụng nhân tài của Thủ đô quy định mức hỗ trợ tài năng bằng 20 lần mức lương tối thiểu nhưng con số này thấp hơn so với các tỉnh thành khác, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hà Nội là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước. Chính sách của Hà Nội đưa ra không chỉ về vật chất mà còn có ý nghĩa về tâm lý, khuyến khích trọng dụng nhân tài. Vì thế có người nói Hà Nội không trải thảm đỏ người ta vẫn đến nên Hà Nội tập trung nguồn lực về rất lớn.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng (Ảnh: LD)

Ngoài chính sách về vật chất, Nghị quyết lần này còn nói đến chính sách trọng dụng tài năng để thu hút về với Hà Nội để được cống hiến, được xã hội nhìn nhận.

Tại sao chính sách đưa ra chỉ có 20 lần? Người lao động đến với Hà Nội không phải vì kinh tế mà còn vì tấm lòng và mong muốn cống hiến cho Thủ đô.

Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua việc thu hút nhân tài về Hà Nội chưa hiệu quả. Sau khi Nghị quyết này ra đời, theo ông có thay đổi được chủ trương thu hút nhân tài của Hà Nội không?

Mỗi chính sách ra đời tất nhiên sẽ có những tác dụng mới, góp phần giải quyết những hạn chế trước đây. Tuy nhiên đây là một vấn đề rất khó nên chủ trương này phải vừa thực hiện vừa bổ sung để làm sao đáp ứng được mục tiêu lớn nhất là thu hút trọng dụng được nhân tài, người có đóng góp cho sự phát triển kinh tế Thủ đô.

Hà Nội có tổ chức thi tuyển để tạo cơ hội cho người trẻ? Đặc biệt, Hà Nội có tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp Sở như ở Quảng Ninh đã thực hiện không, thưa ông?

Việc này chúng tôi đã báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội. Việc này Hà Nội đã làm năm 2010 đối với Sở QH&KT. Nhưng đây là nội dung khó cần phải nghiên cứu. Còn Hà Nội có tổ chức thi lãnh đạo Sở không thì trong Nghị quyết đã có quy định rồi.

Trong chương trình đổi mới công tác quản lý, quy hoạch, bổ nhiêm cán bộ, Thành ủy, UBNDTP đã giao cho các cơ quan có liên quan như Ban tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ nghiên cứu, tiếp tục thực hiện nội dung này.

Vậy về lộ trình thi tuyển, Hà Nội có thể tổ chức thi trong 1 – 2 năm tới không?

Chúng tôi sẽ nghiên cứu thực hiện theo hướng như vậy.

Trên thực tế có những trường hợp đỗ thủ khoa nhưng khi về Hà Nội làm lại không đáp ứng được yêu cầu, ông nghĩ sao về tình trạng này?

Cuộc sống vốn dĩ rất phong phú. Có người trong trường học thì học rất tốt, thông minh, tài giỏi… cơ bản ra thực tiễn họ làm được việc. Nhưng cá biệt có những trường hợp học giỏi nhưng lại không phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Cái này có hai mặt: phía cơ quan quản lý phải tạo điều kiện để người lao động cống hiến. Mặt khác, mỗi cá nhân người lao động phải tự hoàn thiện mình để phù hợp với thực tế mà trong trường học có thể không đào tạo.

Năm nay Sở Nội vụ có đặt chỉ tiêu thu hút được bao nhiêu thủ khoa, nhân tài mà Nghị quyết đã nêu?

Trong năm nay thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương đó. Tới đây sẽ giao cho thành đoàn tiếp tục làm như mọi năm.

Lĩnh vực ngành nghề nào mà thành phố đang cần nhất hiện nay, thưa ông?

Lĩnh vực cần nhất hiện nay là y tế. Với những dự án xây dựng bệnh viện, Hà Nội đang thiếu khoảng 5.000 bác sĩ. Nghị quyết lần này rất tập trung và dành nhiều ưu ái cho lĩnh vực y tế.

Ông đánh giá thế nào về đội ngũ thủ khoa mà Hà Nội đã tuyển dụng trong thời gian qua?

Trong 10 năm qua, thành phố tuyển được 103 thủ khoa. Cơ bản đội ngũ thủ khoa về làm việc rất tốt. Bên cạnh đó cá biệt cũng có trường hợp như chúng ta vừa đề cập.

Hà Nội có nói “không” với bằng tại chức, ngoài công lập không, thưa ông?

Hà Nội không đóng cửa đối với những người có tài năng. Trong Nghị quyết nói rõ không phân biệt tại chức hay chính quy.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dũng (ghi)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Thoi-su/GD-So-Noi-vu-Ha-Noi-Hien-nay-can-nhat-5000-bac-si/92905.info