'Gạt tay trúng má' chảy máu mồm?

Chiều tối 29.9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết Văn phòng Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã có kết luận ban đầu về vụ việc “xô xát” giữa chiến sĩ Công an thuộc đội hình sự Công an huyện Đông Anh với nhà báo Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) trên cầu Nhật Tân. Theo kết luận, hành động của công an với nhà báo là cái “gạt trúng vào má”, "đá nhưng không trúng"... Dân Việt nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề này.

Cái gạt tay uy lực

"Về việc công an xô xát với phóng viên trên cầu Nhật Tân có luôn cả clip để chứng minh chứ không phải theo lời kể của một phía nào. Xem clip đó, tôi không hiểu sao những người làm công tác điều tra lại cho rằng đó là "cái gạt tay trúng má". Nếu quả thực như kết luận của công an thì tôi thấy cái gạt tay tay này uy lực quá, gạt tay đến nỗi phóng viên chảy máu mồm. Sợ thật!"

(Bạn đọc Nguyễn Quang Trung, Cầu Giấy, Hà Nội)

Công an Hà Nội cho rằng cảnh sát hình sự Đông Anh đã "gạt tay". Ảnh: Vnexpress

Giơ chân thì không bao giờ mở vòng cú đá rộng đến như thế!

“Theo clip thì rõ ràng người mặc áo đen đang tung 1 cước đá và một bạt tai. Tôi khẳng định đó không phải là giơ chân. Nếu như người ta giơ chân thì không bao giờ mở vòng cú đá rộng đến như thế, giơ chân lên là người ta phải rút gối bình thường như mình bước đi nhưng đó là giơ chân dọa đá. Hình ảnh giơ chấn đá và phóng viên phải bước chạy. Theo tôi nhận thấy đó là một cú ra đòn với tư thế của một người ra chiêu đánh đối thủ. Với người học võ ngày nào người ta cũng luyện tập, đấm đá hàng trăm cái thôi thì cú ra đòn của họ đương nhiên sẽ mạnh hơn người mình thường ít nhất cũng phải 50 lần".

(Bạn đọc Nguyễn Hữu Tuấn - Huấn luyện viên một môn phái võ cổ truyền Việt Nam)

Theo kết luận của Công an Hà Nội, cảnh sát Hưng có đá nhưng không trúng. Ảnh: Vnexpress

Thiếu thuyết phục

"Tôi thấy vụ việc này có cả hình ảnh, video, ghi lại hết cả vậy mà cơ quan chức năng vẫn còn bảo chỉ là cái gạt tay, đá nhưng không trúng là thiếu thuyết phục. Cả hai bên công an và nhà báo đều đang làm nhiệm vụ. Cả hai đều đại diện cho hai cơ quan một bên là luật pháp, một bên là thông tin truyền thông, đại diện cho người dân phản ánh và nêu tiếng nói. Tôi nghĩ chưa xét đến hình ảnh mà chỉ là ở cái khía cạnh ngôn ngư xưng hô thôi thì công an đã sai rồi. Còn ở đây, công an lại gạt tay phá hỏng đồ tác nghiệp, gạt tay trúng má và đá nhưng không trúng nữa. Tôi nhớ trong 10 điều kỷ luật của ngành công an răn dạy rằng: Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân..." cơ mà!".

(Bạn đọc Lê Đại Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội.)

Chưa đúng bản chất vấn đề

"Công an Hà Nội đã thừa nhận giữa phóng viên mà công an huyện Đông Anh có xảy ra xô xát, tuy nhiên lại kết luận hành vi xô xát đó là “gạt tay trúng má” thì thật hài hước và khó thuyết phục dư luận. Nhất là cái gạt tay đó khiến phóng viên chảy máu mồm, choáng váng đầu óc. Giải thích kiểu này khiến dư luận cho rằng đây là hành vi bao che, không công chính của cơ quan công an.

Ai đúng, sai thế nào cần được nói cho rõ vào nói đúng bản chất vấn đề, dùng câu chữ để lấp liếm hành vi là điều không chấp nhận được. Nếu hành vi lạm dụng nắm đấm, lạm dụng quyền lực không bị xử lý nghiêm thì sẽ còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra, uy tín ngành công an sẽ bị tổn thất nặng nề."

(Bạn đọc Bùi Trí Lâm, Thanh Hóa)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/gat-tay-trung-ma-chay-mau-mom-712013.html