Gật đầu làm vợ người vì tiếng gọi "mẹ"

(Kienthuc.net.vn) - "Lần đầu tới nhà anh chơi, tôi lặng đi khi bất ngờ 3 con anh đồng loạt gọi tôi là mẹ. Điều đó khiến tôi quyết định mặc kệ hết khó khăn, về làm mẹ của các con".

Khi tôi nghe tôi bày tỏ mong muốn được nghe câu chuyện về cuộc hôn nhân ở "chuyến tàu thứ hai" của chú với cô, chú Lưu mỉm cười, quay ánh nhìn trìu mến sang cô Hải đang pha trà khẽ bảo: "Tất cả là nhờ có cô. Nếu không, chú đã chẳng thể có được niềm hạnh phúc thế này".

Em khôn lớn, chị thành "quá lứa"

Rót chén trà thơm, cô Lê Thị Hải (Đoan Hùng, Phú Thọ) chầm chậm bắt đầu câu chuyện đời mình: "Mẹ tôi mất sớm, khi bốn em tôi còn nhỏ dại. Tôi bước vào tuổi thanh niên, cũng được nhiều chàng trai để ý, nhưng nhìn cảnh bố gà trống nuôi con và các em líu ríu, tôi không đành lòng tìm lấy hạnh phúc cho riêng mình. Tôi vừa là chị, lại vừa là mẹ cùng bố nuôi các em ăn học".

Lúc đó cô dạy học cách nhà 30km. "Cuối tuần nào cũng mong ngóng tới giờ nghỉ để về thăm bố, thăm em, chẳng tơ tưởng chuyện gì khác", cô kể. Cuộc sống cứ thế trôi đi các em cô dần khôn lớn, trưởng thành. Đến khi lo được cho đứa em cuối cùng ấm êm mọi thứ thì mái tóc chị cả đã bắt đầu điểm bạc. "Giật mình nhìn lại bạn bè đã chồng con đề huề cả. Chỉ còn mỗi mình chơ vơ ở cái tuổi coi như ế ẩm rồi", cô Hải bùi ngùi.

Cô Hải bảo, lúc đó cô mới bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn của một người lẻ bóng. Cô kể: "Những hôm mưa to gió lớn, nhà tốc mái, nước dột tứ tung, tôi lọ mọ trèo lên sửa. Vừa lo bị ngã lại vừa sợ người khác nhìn thấy sẽ ái ngại cho mình, tủi thân nước mắt chảy hòa lẫn nước mưa. Lại có đêm điện hỏng, chẳng biết sửa thế nào tôi thắp nến ngồi soạn bài, trời nóng như rang, muỗi đốt tứ tung. Nhưng sợ nhất là lúc ốm đau, thèm được bàn tay ai đó an ủi, vỗ về...".

Để xua đuổi nỗi buồn, cô lao vào công việc, gặt hái được nhiều thành công, giữ cương vị phó hiệu trưởng nhà trường suốt bao nhiêu năm. Cô nghĩ, cô chỉ còn niềm vui với nghề, chẳng bao giờ còn cơ hội cho hạnh phúc riêng tư nữa.

Cùng nhau chăm sóc khoảnh vườn nhỏ mướt xanh cây trái là niềm vui của
vợ chồng chú Lưu.

Nghe tiếng mẹ, lặng người xúc động

Vậy mà không ngờ, khi chạm đến cái dốc bên kia của đời người, cô lại thổn thức được yêu, được thương, được chia sẻ... điều mà cô chỉ dám mong ước trong những giấc mơ.

"Khi anh Lưu tới ngỏ lời muốn cùng tôi xây dựng hạnh phúc, lòng tôi âu lo lắm. Anh ấy gần như khánh kiệt về kinh tế, bao tiền của đã chạy chữa hết cho người vợ đã mất, nợ nần chồng chất. Mình không còn trẻ, anh ấy cũng thế. Ba đứa con anh thì bé dại mà tôi lại chưa qua sinh nở bao giờ, không biết liệu có đảm đương được vai trò làm mẹ hay không.

Nhưng lần đầu tiên đến nhà anh chơi, vừa gặp, các cháu đồng loạt cất tiếng gọi tôi là mẹ. Tôi lặng đi vì xúc động. Bao băn khoăn trong tôi bỗng nhiên tiêu tan hết. Ngay lúc đó, tôi tự hứa với lòng mình, tôi sẽ cùng anh đi hết quãng đời còn lại, nuôi dạy các con nên người", cô Hải nghèn nghẹn.

Và cô Hải đã làm được điều đó. "Các con tôi thương Hải chẳng khác gì mẹ ruột. Cũng bởi vì cô ấy đã đối xử với chúng chẳng khác gì con đẻ của mình. Đó là điều khiến tôi cảm thấy biết ơn vợ thật nhiều", chú Lưu bỗng chen vào góp chuyện. Cô Hải mỉm cười: "Ngày lễ tết nào các con cũng có quà cho mẹ, có khi chỉ là một đôi dép nhưng tôi cảm động lắm".

Còn tôi thì thấy thật cảm động trước sự đền đáp của cuộc đời. Với những người biết "cho đi" thật nhiều thì cũng xứng đáng nhận lại từ cuộc sống những trái ngọt hạnh phúc. Hãy cứ tin là như vậy.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
:

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/mo-cua/201304/Gat-dau-lam-vo-nguoi-vi-tieng-goi-me-903502/