Gắp xương cá lóc hình chiếc dù trong phế quản bệnh nhân

PNVN Các bác sĩ BV Tai Mũi Họng TPHCM vừa nội soi gắp chiếc xương cá lóc có kích thước 0,2 X 0,5 cm, bít hết lòng phế quản của một bệnh nhân 52 tuổi.

Trước đó, BV Tai Mũi Họng TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân 52 tuổi, quê Bình Dương, có triệu chứng ho, đau ngực. Trước đó khoảng 10 ngày, người này có ăn canh cá lọc và bị sặc, khó thở. Bệnh nhân có đi khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không khỏi.

Tại BV Tai Mũi Họng TPHCM, các bác sĩ STscan phát hiện dị vật trong phế quản thùy dưới phổi phải. Sau đó, sau khi xét nghiệm các chỉ số an toàn cho bệnh nhân, các bác sĩ đã nội soi lấy dị vật là một chiếc xương cá lóc có kích thước 0,2 X 0,5 cm. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và sẽ xuất viện trong ngày hôm nay (22/6).

TS.BS Lê Trần Quang Minh, Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, đây là một trường hợp hơi đặc biệt vì chiếc xương cá có hình dạng như chiếc dù cắm ngược vào phế quản, không khí không lưu thông được càng làm cho xương cá bị hút chặt vào. Ngoài ra, phản ứng viêm phù nề viêm mạc xung quanh xương cũng khiến cho việc lấy dị vật gặp khó khăn.

BS CKII Dương Thanh Hồng , Trưởng khoa Tai đầu mặt cổ - BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, đây là một trường hợp điển hình của dị vật bỏ quên. Trước đây, bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ỏ quên dị vật trong thời gian 3-5 tháng, thậm chí 5 năm.

Xương cá lấy ra khỏi phế quản bệnh nhân

Theo BS Hồng, nếu dị vật bỏ quên là kim loại, thiết bị điện tử ăn mòn thì bệnh nhân sẽ bị ho, tức ngực, khó thở, khi điều trị bằng khánh sinh thì các triệu chứng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, trong thời gian dài thì người bệnh sẽ bị viêm phổi tái diễn nhiều lần, gây biến chứng đến những vùng lân cận.

TS.BS Lê Trần Quang Minh cho hay, thông thường khi bị hóc xương cá thì người bệnh thường cố gắng khạc, dùng tay móc hoặc ăn cục cơm, chuối để để lấy xương ra. Nhưng thực tế, những việc làm này sẽ làm cho viêm mạc họng bị trầy xước, nhiễm trùng, viêm nhiễm đường họng. Khi nuốt cơm, chuối còn làm cho xương xuống sâu hơn khiến cho việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo bác sĩ Lê Trần Quang Minh, việc dị vật đường thở bỏ quên thường không rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, người bệnh được chỉ định điều trị lao, phổi. Mãi một thời gian lâu sau đó thì mới phát hiện dị vật bỏ quên mới chính là “thủ phạm”.

BS Dương Thanh Hồng cho hay, có nhiều người bệnh khi bị mắc dị vật không đến bệnh viện để chữa trị mà lại nhờ vào các phương pháp dân gian. Trong số này, có nhiều trường hợp không “may mắn” khỏi bệnh. Khi tìm đến bệnh viện thì xương đã đâm sâu vào thực quản (xương vịt, gà), gây áp xe, làm vỡ mạch máu với tỉ lệ tử vong đến 90%.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên vừa ăn vừa đùa giỡn để tránh bị dị vật đường ăn, đường thở. Đặc biệt, đối với trẻ em, khi trẻ bị viêm phổi tái phát nhiều lần, ho nhiều… thì nên thăm khám ở các bệnh viện chuyên khoa vì có thể là có dị vật đường thở bỏ quên.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/nhat-ky-benh-vien/gap-xuong-ca-loc-hinh-chiec-du-trong-phe-quan-benh-nhan-post29068.html