Gặp ‘vua tàu thủy’ đất Hà thành

TPO - "Vua tàu thủy" là tên gọi vui mà mọi người đặt cho ông Nguyễn Văn Mạnh Hùng ở Khương Hạ, phường Khương Đình (Thanh Xuân-Hà Nội) - người duy nhất còn lưu giữ được nghề làm tàu thủy đồ chơi cho trẻ em vui trung thu.

Một sản phẩm Tàu thủy sắt của ông Mạnh Hùng. Ảnh: Duy Ngợi Bán "tàu thủy" mỗi mùa thu trăm triệu Sinh ra trong một gia đình có tám anh em, ông Hùng là con út nên còn được gọi là ông Tám. Từ khi lên 7, lên 8 tuổi, ông Hùng đã bắt đầu học làm những chiếc đồ chơi tàu thủy trẻ em. Theo ông Hùng, đồ chơi tàu thủy có từ những năm đầu thế kỷ XX, các cụ ngày trước đã tự mày mò để làm ra nó và rất được nhiều quan chức Pháp ở Việt Nam ưa chuộng. Hiện nay, một số bảo tàng bên Pháp vẫn còn lưu giữ sản phẩm độc đáo này. Nguyên vật liệu chính để làm ra sản phẩm này là ống bơ sữa phế loại, sắt lá và đồng lá. Ông Hùng cho biết: “Để hoàn thành một chiếc tàu thủy chạy được bằng hơi nước đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, nhẫn nại cùng với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ. Công việc này rất công phu, bắt đầu từ khâu đo khung, thiết kế mẫu, cắt và tỉa từng chi tiết như thân thuyền, ống khói, nồi hơi rồi nối các chi tiết lại với nhau, cuối cùng là sơn trang trí. Trong quá trình làm, điều cần nhất là phải chú ý đến yếu tố thăng bằng, tàu có chạy được hay không phụ thuộc và hai ống phao ở hai bên thành tàu. Đặc biệt, nồi hơi bên trong lòng thuyền phải được làm chính xác từng chi tiết nhỏ thì tàu mới có thể chạy được dưới nước và phát ra tiếng kêu y như tàu thật”. Mỗi năm, cứ đến ngày 20-08 (Âm lịch), gia đình ông Hùng lại rục rịch chuẩn bị vật liệu về đề làm sản phẩm cho mùa trung thu năm sau. Thường thường, cả hai vợ chồng ông nỗ lực lắm cũng chỉ được 1000 chiếc, nếu tính cả năm thì được từ 1800-1900 chiếc. Năm nay, khi Trung thu vẫn còn cách ba ngày thì ông không còn sản phẩm nào để bán. Ông nói: “Hai năm trở lại đây do khách du lịch nhiều nên hàng của chúng tôi bán rất chạy và từ đó thu nhập của gia đình cũng có khá lên. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng dư được trên trăm triệu”. Thời gian gần đây, chợ Hàng Mã không họp mà chỉ bán hàng bình thường nên những mặt hàng đồ chơi truyền thống không có chỗ bán, nhiều người vì thế mà dần rút khỏi nghề mình đã gắn bó bao năm. Đồ chơi tàu thủy truyền thống được trẻ em rất thích thú, và có chỗ đứng riêng trong thị trường đồ chơi hàng của Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi nên mới bám trụ đến bây giờ. Nỗi lo không có người kế nghiệp Những ngày này, cả vợ chồng ông được mời đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và số 87 phố Mã Mây để giới thiệu sản phẩm của mình cho du khách. Không những vậy, tàu thủy đồ chơi của gia đình ông đã có mặt tại một số nước như Pháp, Cu ba… Từ thập kỷ 80 trở về trước, ở Khương Hạ hầu như nhà nào cũng có người biết làm đồ chơi tàu thủy, nhưng bị mai một dần và hiện chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Hùng tiếp tục theo nghiệp cha ông. “Đồ chơi tàu thủy được khách nước ngoài ca ngợi đây là nghề độc đáo nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, cách đây hai năm, gần như những người cuối cùng đã không bám trụ được nên đã bỏ nghề. Nếu nhà nước không quan tâm để có hướng bảo tồn và phát triển nghề này thì chắc rằng sau đời tôi sẽ chẳng còn ai biết đến nó nữa. Trong những thứ đồ chơi bằng sắt của làng Khương Hạ xưa trụ lại được đến giờ cũng chỉ có đồ chơi tàu thủy này thôi”-Ông Hùng trăn trở. Bằng bàn tay và khối óc của mình, ông Hùng đã mang đến cho các em nhỏ món quà ý nghĩa mỗi đợt thu về và hơn cả là được bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của gia đình. Ông Hùng tâm sự: “Tôi có hai đứa con gái, chúng nó bây giờ cũng có thể làm nhưng chắc là không theo nghiệp của mình. Nếu có ai đó muốn học nghề này tôi sẵn sàng truyền lại!”. Một ngày kia, không biết món đồ chơi tàu thủy độc đáo của gia đình ông Hùng có còn xuất hiện trên thị trường, ao ước về thứ đồ chơi này mỗi Trung thu về của các cháu nhỏ có được đáp ứng hay chỉ còn trong hoài niệm xa xôi?

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-hoa/513018/gap-%e2%80%98vua--tau-thuy-dat-ha-thanh.html