Gặp Thượng tá công an cứu hàng chục người tự tử

(PL&XH) - Khi đến Đội CSGT số 1, chiến sỹ trực ban nói ông vẫn đang làm nhiệm vụ trên cầu Chương Dương. Rồi đón được ý tôi, chiến sỹ trực ban bốc máy gọi: “Bố trực xong về ngay đội nhé, có nhà báo đang chờ”.

Một sự ấm cúng bất ngờ lan tỏa, sự ấm cúng của không khí gia đình qua câu gọi “bố” từ người chiến sỹ. Chừng 30 phút sau ông về, nhìn thoáng qua ông già hơn nhiều so với tuổi 53 của mình, nước da đen sạm (không biết do bố mẹ sinh ra đã vậy hay vì đứng đường hứng mưa nắng nhiều). Ông chìa tay ra, bàn tay vẫn mang hơi lạnh của mùa đông nhưng giọng nói thật ấm áp.

PV: Nghe nói anh là thương binh. Anh là bộ đội chuyển ngành hay bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Tôi bắt cướp.

PV: CSGT mà bắt cướp là hơi hiếm đấy anh nhỉ? Chuyện diễn ra lâu chưa ạ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Năm 2005, ngày ấy tôi được tăng cường cho CA huyện Sóc Sơn, 0g45 ngày 19-5, khi đang đi tuần tra trên quốc lộ 3, thì nghe thấy tiếng một người phụ nữ kêu “cướp”. Tôi vội mở cửa xe ô tô lao xuống chạy ngược lại phía có tiếng kêu thì thấy hơn chục đối tượng đang cướp xe máy của một phụ nữ.

PV: Và anh rút súng ra bắn chỉ thiên “đòm đòm”, bọn cướp chạy thục mạng?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Làm gì có súng. Tay không lao vào “chiến” với chúng nó.

PV: Về “nguyên tắc” cướp sẽ sợ công an (CA), nhưng khi đó chỉ có mình anh mà tụi cướp có hơn chục tên, liệu việc anh lao vào bắt chúng có phải là sự lựa chọn đúng?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Thấy cướp thì lao vào thôi, với tôi không có sự lựa chọn nào khác khi đó.

PV: Anh thật dũng cảm.

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Đấy là bà con đánh giá, còn tôi thì chỉ nhận là mình… liều. Kết cục của sự liều đó là có 2 tên cướp bị bắt ngay, còn tôi vào viện trong tình trạng hôn mê vì “ăn” gạch và gậy của tụi cướp. Nằm viện đến 3 tháng trời và trở thành thương binh hạng ¾.

PV: Sau này gặp cướp anh vẫn ... “liều”?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Đương nhiên. Chả nói đâu xa, khoảng 15g40 ngày 30-4-2011, tôi đang đứng trực tại cầu Chương Dương thì nghe có tiếng hô cướp. Nhìn trên đường thấy một nam thanh niên đi xe máy SCR màu bạc đang lạng lách qua dòng người đông đúc để tẩu thoát. Tôi chặn dòng xe, “đánh” tắc cầu, thế là tên này không chạy được và bị tóm sống.

PV: Nghe anh kể chuyện bắt cướp dễ như lấy đồ trong túi, nhưng việc anh “đánh” tắc cầu khi đó có… vi phạm gì không nhỉ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Không ngon ăn đâu. Tên này dùng bình xịt hơi cay để chống lại đấy, còn việc “đánh” tắc cầu, người thì bảo đó là sự xử lý thông minh hay dù là gì, tôi cũng đã làm rồi. Và bà con chắc cũng ủng hộ việc tôi làm, có bị tắc đường khi đó vẫn vui vẻ thôi.

PV: Thành tích của anh được nhiều người biết đến lại là những lần cứu người tự tử?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Chuyện bình thường thôi. Báo chí viết nhiều quá rồi, tôi không muốn nhắc lại.

PV: Chắc chắn là có những vụ mà báo chí chưa viết, giả sử lần đầu anh cứu người tự tử chẳng hạn?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: À, đúng. Chưa ai hỏi tôi việc này. Xảy ra lâu rồi nhưng tôi còn nhớ lắm. Đó là vào khoảng tháng 6-1994, một đêm mưa gió tôi đang trực ở cầu thì có lái xe ô tô cho biết một người phụ nữ đang khóc lóc chạy lên cầu. Tôi đoán cô ta định tự tử nên vội phóng xe máy chạy đến, khi còn cách mấy mét tôi hô to “dừng lại”. Cô gái thấy vậy vội chạy nhanh ra lan can cầu. Tôi bỏ xe lao đến đúng lúc cô gái chúc đầu định nhào xuống sông. Tôi túm được tóc hất ngược lại rồi giữ chặt tay cô gái.

PV: Sau đó anh đưa cô gái về đồn và cô ta khóc lóc kể lể bị thất tình nên muốn chết?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Khóc lóc và thất tình thì đúng. Tôi không đưa về đồn mà đưa ra bến xe Gia Lâm, trong túi có mấy chục nghìn đồng cho cô ta mua vé về quê. Nói vậy thôi chứ cũng mất cả đêm nhỏ to khuyên nhủ cô ấy mới nghe cho. Cô ấy tên Huệ, quê Hưng Yên, sau này có mấy lần đi qua thấy tôi đứng trực cũng ghé thăm. Nhưng nói thật, tôi ngại gặp lại họ. Chuyện qua rồi là qua, họ sống và hạnh phúc là mừng rồi.

PV: Ơn cứu mạng những người đó họ “trả” anh bằng gì?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Gần 35 năm “đứng đường” tôi cũng cứu được khoảng 30 người định tự tử, còn những người bị tai nạn mà được tôi đưa đi cấp cứu kịp thời không thì khó qua khỏi cũng nhiều lắm. Mình cứu người đâu nghĩ đến chuyện họ trả ơn. Tôi coi đó là phúc phận của mình.

PV: Thế những lần anh cứu được người như vậy, chị và các cháu có “ý kiến” gì không?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Thường thì chị làm một bữa cơm tươm tất, tạm gọi là liên hoan. Con trai tôi học xong đại học giờ làm cùng ngành với bố, cô con gái học năm thứ 2 Học viện Ngoại giao. Tôi được sướng “đường” vợ con, nhưng nói gì thì nói, vợ và các con cũng lo cho tôi những vụ việc như vậy lắm.

Nói đến đây, ông cười sảng khoái và có ý định dừng cuộc nói chuyện. Tôi nói với ông rằng, những gì ông vừa nói cho tôi mới chỉ là “khai vị”, tôi cần ở ông “món chính” trong cuộc trò chuyện này. Gương mặt ông thoáng sững lại nhưng 2 bàn tay ngay lập tức lại xòe ra.

PV: Anh đã khi nào nhận tiền “lậu” mà người vi phạm giao thông đưa cho chưa?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Hỏi gì mà “xóc” thế? Nói thì có thể nhiều người không tin nhưng tôi chưa hề nhận tiền như vậy bao giờ. Quê tôi ở Ý Yên, Nam Định, tôi xuất thân từ nông dân nên có sự đồng cảm và thương bà con lắm.

PV: Mức vi phạm đáng ra phải nộp 200 nghìn đồng, anh cầm 100 nghìn đồng tiền tươi rồi tha thì cũng là “thương” người vi phạm đấy chứ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Với tôi thì không. Lương Thượng tá một tháng tôi được gần 12 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền thương binh và khoảng 2 triệu đồng tiền trên “bồi dưỡng” nữa. Như vậy so với mặt bằng chung là ấm quá rồi còn gì.

PV: Nói anh thông cảm, nhiều người khi nhắc đến CSGT, thường có ấn tượng không vui.

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Bởi vậy mà CSGT phải ngày một “cải thiện” hình ảnh của mình trong mắt bà con.

PV: Cải thiện thế nào, ví dụ như không được “núp” gốc cây khi làm nhiệm vụ?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Trong chuyên môn gọi đó là đứng sai vị trí. CSGT làm việc công khai, người vi phạm cũng công khai, mỗi hành động của mình có hàng trăm con mắt nhìn vào. “Núp” như vậy đúng là phản cảm trong mắt mọi người. Nhưng Giám đốc CA TP vừa có qui chế rõ ràng rồi, sẽ không có chuyện CSGT “núp” gốc cây nữa đâu.

PV: Nhưng tiền thì chẳng ai chê, nhất là đối với những chiến sỹ trẻ.

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Bởi thế tôi thường tâm sự với họ, hãy cứ cống hiến đi đã rồi sẽ được nhận về công sức bỏ ra.

PV: Vậy anh đã nhận được những gì sau hơn 30 năm làm trong ngành?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Lương thưởng của tôi như vậy là ấm rồi nhé. Những lái xe khách khi thấy tôi đứng trực đều giơ tay chào, hôm nào không thấy tôi đi làm là lại có người nhắn tin hỏi vì họ sợ tôi ốm phải nghỉ việc. Đặc biệt có xe chở cán bộ đi làm của Cty văn phòng phẩm Hồng Hà, biết tôi là thương binh, năm nào đến ngày 27-7 họ cũng tặng hoa. Tiền có mua được những điều anh vừa nói không?

PV: Vâng, xin hỏi anh câu cuối, điều gì khiến anh không được vui sau khi cứu những người gặp nạn hoặc có ý định tự tử?

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Đó là sự vô cảm của mọi người. Thấy người bị tai nạn hầu như họ dừng xe đứng nhìn chứ ít người lao vào cấp cứu hoặc đưa người bị nạn vào viện. Với những người xem tự tử, họ đứng đông lắm, chỉ đến khi mình cứu được họ mới vỗ tay rào rào như vừa xem xong vở kịch hay.
Tôi định hỏi thêm vì sao ông được đào tạo cơ bản ở Nga, lại lập nhiều thành tích mà bây giờ vẫn chỉ là lính “quèn”, nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thấy không tiện. Có lẽ CSGT Thủ đô cũng cần một người lính “quèn” như ông để được vinh danh? Bởi thế, thay lời cảm ơn, tôi chép tặng mấy câu thơ của Tố Hữu mà tôi tin ông sẽ thích:

Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.

Hùng Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013020410437920p1001c1049/gap-thuong-ta-cong-an-cuu-hang-chuc-nguoi-tu-tu.htm