Gặp thầy giáo 8x luyện Toán hai đội tuyển quốc gia

Huấn luyện viên của cả hai đội tuyển Toán quốc gia đều là các thầy giáo Việt Nam, trong đó có giáo viên trẻ Võ Quốc Bá Cẩn.

Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2015 (IMO) vừa qua, đội tuyển Việt Nam giành 6 huy chương (2 vàng, 3 bạc, 1 đồng), trong khi đội tuyển Arab Saudi giành 4 huy chương (1 bạc, 3 đồng).

Điều đặc biệt, huấn luyện viên của cả hai đội tuyển Toán quốc gia đều là các thầy giáo Việt Nam, trong đó có giáo viên trẻ Võ Quốc Bá Cẩn.

Là một trong những người trẻ nhất của nhóm giáo viên chuyên toán nổi tiếng như: Lê Anh Vinh, Đỗ Đức Thái, Lê Bá Khánh Trình, Nguyễn Duy Thái Sơn, Trần Nam Dũng, Vũ Thế Khôi, Phạm Kim Hùng, Trần Quang Hùng, Lê Phúc Lữ…., thầy giáo trẻ Võ Quốc Bá Cẩn (SN 1988) đã có nhiều chia sẻ thú vị sau chuyến đào tạo học sinh tại Arab Saudi.

Võ Quốc Bá Cẩn (giữa) chụp ảnh cùng đội học sinh Arab Saudi tại đợt tập huấn đội tuyển IMO cuối tháng 6 vừa qua

Võ Quốc Bá Cẩn (giữa) chụp ảnh cùng đội học sinh Arab Saudi tại đợt tập huấn đội tuyển IMO cuối tháng 6 vừa qua

Đam mê vì “yêu” Toán

Lý giải về cơ duyên đưa mình đến với công việc huấn luyện đội tuyển thi Olympic Toán, thầy giáo trẻ Võ Quốc Bá Cẩn cho hay, ngày trước theo học Toán nhưng anh không nghĩ sẽ có những cơ hội lớn như vậy.

“Tôi học Toán đơn giản chỉ vì thích nó, say đắm 'vẻ đẹp' của nó mà thôi. Có lẽ chính vì vậy mà tôi hoạt động rất năng nổ trên các diễn đàn Toán; và rồi các thầy biết đến tôi, tạo cho tôi cơ hội tham gia huấn luyện đội tuyển”, Võ Quốc Bá Cẩn chia sẻ và bày tỏ sự cảm ơn tới những người thầy, người anh đã giúp mình có cơ hội trau dồi kiến thức và học hỏi nâng cao năng lực bản thân, để rồi từ một thanh niên trẻ, anh đã từng bước trưởng thành.

Không chỉ tham gia huấn luyện đội tuyển nước nhà, giáo viên trẻ này còn tham gia huấn luyện cả đội học sinh của Arab Saudi đạt kết quả cao. Arab Saudi là quốc gia tham gia khá muộn cuộc thi Toán quốc tế, nhưng thầy giáo trẻ Võ Quốc Bá Cẩn cho biết, không gặp mấy khó khăn trong việc đào tạo, huấn luyện hay hướng dẫn các học sinh.

Khi tập huấn, thầy giáo và học sinh giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Khả năng giao tiếp tiếng Anh của học sinh đoàn Arab Saudi hầu như rất tốt, các em lại rất cởi mở và nhiệt tình trao đổi, làm quen, khiến giáo viên cũng tự tin hơn trong các bài giảng.

Chia sẻ thêm về những học sinh đoàn Arab Saudi để lại trong anh ấn tượng sâu đậm nhất, anh Cẩn cho biết, mỗi em có những điểm hay riêng, nhưng anh ấn tượng nhất với Alzubair Habibullah, học sinh vừa đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi IMO vừa rồi.

“Đây là học sinh rất thông minh và có tính tự lực cao. Cậu bé luôn muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề thầy ra chứ không muốn phụ thuộc vào thầy. Mỗi khi tôi ra một bài toán khó và bảo sẽ cho gợi ý thì cậu ấy đều nói: Thầy chờ một chút, em muốn thử sức với nó.

Cả khi cậu ấy cố gắng làm một lúc vẫn không ra, tôi hỏi có cần gợi ý, cậu ấy vẫn bảo 'chưa'. Cách học chăm chú và tập trung như vậy làm tôi rất thích.

Cậu ấy luôn làm tôi bất ngờ với những lời giải. Rất nhiều lời giải của cậu bé còn hay hơn cách của mình nữa. Thế nên khi đội Arab Saudi đi thi, mình gần như chắc chắn cậu này sẽ cao điểm nhất”, thầy giáo trẻ nhớ lại.

“Đúng là Arab Saudi tham gia khá muộn các cuộc thi quốc tế, ở bên đó họ không có mô hình trường chuyên như Việt Nam nên học sinh không được học nhiều kiến thức như bên mình. Kiến thức các em có được hầu như là học từ các Trại Toán (Maths Camp) với các huấn luyện viên.

Còn khi ở trường, các em chỉ học chương trình Toán phổ thông bình thường mà thôi. Có lẽ chính từ việc không thường xuyên được trau dồi kiến thức Toán chuyên nên kiến thức các em có được không sâu sắc như học sinh Việt Nam.

Nhưng có một điều mà học sinh Việt Nam nên học hỏi từ họ là: Do được học ít nên học sinh Arab Saudi rất biết tận dụng cơ hội khi có các thầy ngoại. Các em chủ động hỏi và trao đổi vấn đề với các thầy cho đến khi sáng tỏ mới thôi.

Mỗi khi các em làm xong bài giáo viên ra là lập tức xin thêm đề bài mới để được suy nghĩ và làm thêm. Dường như các em muốn tận dụng tối đa thời gian. Điều này rất ít thấy ở học sinh Việt Nam”, thầy giáo Cẩn chia sẻ.

Ngoài ra, thầy Cẩn cũng cho biết, thực sự rất thích cậu bé Omar và cô bạn Shaden. Cả hai bạn này đều có những nét tính cách như Alzubair, đều rất chăm chú và muốn tự lực trong mọi vấn đề.

Omar thậm chí còn tập trung hơn cả Alzubair, cậu luôn muốn tận dụng thời gian để trao đổi với thầy. Ở một quốc gia Hồi giáo như Arab Saudi, mỗi ngày mỗi người đều phải cầu nguyện năm lần, do đó giữa các giờ học, giáo viên phải cho các em tạm nghỉ để đi cầu nguyện. Omar thường trao đổi với giáo viên và quên cả giờ cầu nguyện. Đó là cậu bé ham học thực sự.

Còn Shaden thường thức rất khuya để trao đổi bài với giáo viên qua facebook. Thái độ học tập của các em khiến giáo viên cũng phải nể phục.

Thầy giáo 8x trong một buổi đứng lớp

Không tạo áp lực thành tích

Ròng rã suốt quá trình huấn luyện cho hai đội thi, các giáo viên chuyên Toán của Việt Nam gặp không ít khó khăn, áp lực. Nhưng dù thế nào, các thầy cũng luôn tìm cách động viên, khuyến khích, tạo động lực cho các học sinh tham gia đội tuyển.

“Thực sự công việc huấn luyện đội tuyển rất khó, đòi hỏi sự tập trung rất cao về chuyên môn. Tuy nhiên, nếu vì thế mà cứ luôn tạo áp lực cho bản thân thì sẽ ảnh hưởng không tốt cho tâm lý các em, cho nên các giáo viên tỏ ra rất thoải mái khi dạy hai đội dù vẫn tập trung cao về chuyên môn”, thầy giáo Võ Quốc Bá Cẩn chia sẻ.

Anh cho biết thêm, bản thân không muốn các em học sinh bị áp lực về kết quả cuộc thi, vì đây chỉ là một chặng đường nhỏ trong cuộc đời của các em mà thôi.

Anh vẫn thường khuyên các em hãy thả lỏng mình, dù vẫn cố gắng học và thi hết sức, nhưng tất cả chỉ nên thế. Nếu đạt được kết quả cao thì càng tốt, còn không thì không quá buồn vì mình đã làm hết sức và không có gì hối tiếc về bài thi.

Trải qua quá trình đầy vất vả, khi nhìn thấy những thành tích, những huy chương mà học sinh của mình giành được trên đấu trường Olympic quốc tế, người thầy giáo trẻ cho biết, anh cùng các giáo viên khác như vỡ òa trong hạnh phúc, dù cho khi đi thi, họ không hề đặt ra những mục tiêu về thành tích.

Có được những thành công ấy, đứng phía sau, họ lặng lẽ nhưng vô cùng tự hào khi góp một phần sức dù rất nhỏ trong việc huấn luyện, giúp các em đạt được kết quả như thế.

“Kết quả năm nay thực sự rất tuyệt. Tôi rất vui vì đội tuyển nước nhà đã lọt vào top 5, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tôi cũng mừng cho đội Arab Saudi vì năm nay họ đã có huy chương bạc thứ ba trong lịch sử tham gia IMO của họ, đây sẽ là tiền đề cho họ để có những bước tiến xa hơn trong tương lai. Tôi mong sẽ tiếp tục được tín nhiệm và tạo điều kiện để tham gia giảng dạy đội tuyển trong các năm tới”, thầy giáo trẻ kỳ vọng.

Chia sẻ thêm về những dự định tương lai nhằm tiếp tục phát triển con đường học Toán cũng như tiếp tục huấn luyện các đội thi Toán Olympic của mình, thầy Cẩn cho biết, đang làm việc ở Hà Nội, tham gia cộng tác, bồi dưỡng học sinh giỏi với những đội tuyển của các trường, các địa phương. Bản thân anh luôn thích thú và say mê công việc này.

“Với tôi, học Toán là một điều hạnh phúc, chia sẻ những gì mình học được cho học sinh cũng là một niềm vui lớn”, anh chia sẻ và cho biết, sắp tới, sẽ cùng những người bạn chung chí hướng dự định vận động xây dựng một câu lạc bộ Toán ở Hà Nội để sinh hoạt chuyên đề và chia sẻ kiến thức. Mọi người sẽ cùng có cơ hội được học tập và nâng cao kiến thức của bản thân.

“Bên cạnh đó, nếu vẫn tiếp tục được tín nhiệm làm giáo viên huấn luyện các đội tuyển thi Olympic Toán, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hỗ trợ các em, vì với tôi, được giảng dạy đội tuyển Quốc gia là một vinh dự lớn, cũng chính là cơ hội để tôi rèn luyện thêm kiến thức cho bản thân”, anh chia sẻ.

Theo Hồng Thúy/Báo Giao Thông

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gap-thay-giao-8x-luyen-toan-hai-doi-tuyen-quoc-gia-post567040.html