Gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia

Theo lịch thi chính thức của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi THPT Quốc gia năm nay được đẩy sớm từ 22 - 24/6 thay vì tháng 7 như mọi năm. Như vậy, chỉ còn 4 tháng nữa, hàng triệu học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi quan trọng này. Đến thời điểm này, công tác ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đang được các trường... tăng tốc.

Học sinh lớp 12 đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: HH

Tổ chức... thi thử

Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn (trừ Ngữ văn), đặc biệt thí sinh sẽ phải làm 3 môn khác nhau trong một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Quy định mới này khiến các trường đang phải gấp rút ôn tập để học sinh được làm quen với phương pháp thi mới.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường dạy học nghiêm túc bám sát chương trình. Ngay trong kiểm tra học kỳ 1, chúng tôi đã kết hợp thi hình thức tự luận và trắc nghiệm. Sang học kỳ 2, Sở sẽ tổ chức kiểm tra học kỳ và khảo sát (thi thử) thi THPT Quốc gia với các bài thi, thời gian thi, cách thức thi, kiểu dạng đề thi tương tự như quy định của Bộ để học sinh có dịp tiếp cận, rà soát, đúc rút kinh nghiệm.

"Dự kiến cuối tháng 5, Sở sẽ có 1 cuộc diễn tập trong toàn ngành cho học sinh lớp 12. Chúng tôi cũng sẽ sớm đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) để phân định rõ trách nhiệm của các thành viên, tổng rà soát các vấn đề, các phương án liên quan đến kỳ thi. Việc chuẩn bị kỹ sẽ hạn chế tối đa những thiếu sót, tạo tính chủ động trong toàn hệ thống" - ông Vĩnh cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho hay: Nhà trường căn cứ vào lựa chọn của học sinh để tổ chức dạy và hướng dẫn cho học sinh ngay từ đầu năm học. Trong quá trình giảng dạy, lãnh đạo nhà trường luôn đôn đốc giáo viên tập trung giảng dạy học sinh một cách tốt nhất, coi tất cả các môn đều là môn học chính. Giáo viên phải giảng cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản ở các môn và rèn luyện cho các em việc tự lập trong học tập.

"Nhà trường đang gấp rút hoàn thiện chương trình học cơ bản và sau khi kết thúc chương trình sẽ tổ chức thi thử để học sinh làm quen hơn với kỳ thi sắp tới" - bà Thu Anh cho biết.

Bà Thu Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm về công tác ra đề thi thử với những môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm: "Trường THPT Nguyễn Tất Thành luôn làm theo nguyên tắc có giáo viên ra đề thi và giáo viên thẩm định đề độc lập sao cho đề thi được phù hợp, sát với chương trình và kết quả thi đạt cao nhất”.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: Ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, trường đã bố trí tăng 2 - 3 tiết/tuần đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 12 vào các ca học thứ 2 trong ngày. Tuy nhiên, thầy Lâm cũng cho biết, trường phải cố gắng dạy đủ nội dung chương trình theo quy định, dự kiến tới cuối tháng 3. Sau đó mới tổ chức cho học sinh ôn tập theo nguyện vọng.

Chỉ nên chọn 1 trong 2 bài thi

Điểm khác biệt của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay so với năm 2016 là, để xét công nhận tốt nghiệp thí sinh là học sinh THPT thi 4 bài (Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp tự chọn). Để tăng cơ hội xét tuyển đại học, thí sinh có thể thi cả 2 bài tổ hợp, khi đó điểm bài thi nào cao hơn được tính điểm xét tốt nghiệp. Chỉ những thí sinh tự do mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp. Còn thí sinh chưa tốt nghiệp, ngoài bài thi tổ hợp xét tốt nghiệp, bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp thứ hai...

Chia sẻ lo lắng trong mùa thi sắp tới, em Trần Lan Anh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội cho biết: Với quy định học sinh phổ thông có quyền thi cả 2 bài thi tổ hợp, em và rất nhiều bạn muốn lựa chọn thi cả 2 để cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng sẽ lấy đủ kết quả của tất cả các môn thi để xét tuyển mà có khi chỉ cần điểm của 1 hoặc 2 môn. Quy định của Bộ có vẻ "mở", nhưng vô hình chung lại khiến chúng em cảm thấy rất áp lực vì phải học quá nhiều môn.

Để giảm bớt áp lực cho học sinh, một giáo viên trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, với quy định như trên của Bộ, đôi khi chỉ cần điểm 1 môn các em vẫn bắt buộc phải tham gia thi cả 3 môn trong tổ hợp đăng ký. Điều này sẽ khiến các em mệt mỏi và áp lực. Thay vì bắt học sinh thi đủ cả tổ hợp gồm 3 môn, Bộ nên linh động cho học sinh được phép lựa chọn và thi môn mà mình có nhu cầu lấy điểm, giúp các em giảm mệt mỏi trong mùa thi.

Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyên: Theo quy chế, thí sinh có thể được lựa chọn thi cả 2 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, học sinh chỉ nên chọn 1 trong 2 bài để thi. Học sinh chuyên về khối nào thì chọn bài thi của khối đó và tập trung dành nhiều thời gian ôn luyện kỹ để đạt được kết quả cao nhất. Việc chọn nhiều bài thi có thể dẫn đến học sinh phải dành nhiều thời gian để ôn tập dàn trải nhiều môn học mà chưa chắc đã đạt hiệu quả như mình mong muốn. Do vậy, thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước các quyết định của mình.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/gap-rut-on-tap-chuan-bi-cho-ky-thi-thpt-quoc-gia_t114c8n115203