Gặp nữ thủ khoa Đại học từng từ chối suất du học toàn phần

Khi được suất học bổng toàn phần tại Nga, Ngọc Linh đã từ chối để ở lại Việt Nam học tập. Và kết thúc thời sinh viên, cô gái này gây dấu ấn bằng việc trở thành thủ khoa của trường ĐH Hà Nội.

Nguyễn Thị Ngọc Linh trong thời gian học 1 năm tại Nga

Từ chối học bổng toàn phần tại Nga

Có sẵn kiến thức và tình yêu với tiếng Nga từ cấp 3 (trường THPT chuyên Nguyễn Huệ), Linh tiếp tục chọn ngành ngôn ngữ Nga trong 4 năm đại học. Với Linh, sự đồng hành cùng tiếng Nga trong nhiều năm đã khiến ngôn ngữ này trở thành một người bạn thân thiết.

“Từng câu, từng chữ của tiếng Nga đều có nguyên tắc sử dụng nên càng học, mình càng nhìn ra nhiều điều. Nhờ sự gắn bó với tiếng Nga, mình học tiếng Anh cũng trở nên dễ dàng hơn. Đã 7 năm không học tiếng Anh, mình phải tìm những quy tắc chung giữa hai ngôn ngữ để vận dụng vào cái còn lại.

Hơn nữa, tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới nên mình tin sẽ học tốt tiếng Anh nhờ vốn kiến thức về tiếng Nga của bản thân”, Linh cho biết.

Sau năm học đầu tiên tại trường ĐH Hà Nội, Linh nhận suất học bổng toàn phần tại Nga trong 5 năm. Song Linh đã từ chối, ở lại Việt Nam học tập. Cô lí giải: “5 năm là khoảng thời gian quá dài để mình xa gia đình.

Mình không sợ bố mẹ lo lắng, chỉ sợ có những thời điểm người thân ốm đau, hoặc gia đình có sự kiện, công việc gì, sẽ không ở bên, tham dự được. Tuy vậy, mình có chút tự hào vì bản thân đã được chọn (cười)”.

Trước đó cô đành "buông" suất học bổng toàn phần 5 năm tại xứ sở Bạch Dương.

Vì thành tích đứng đầu khoa nên đến năm thứ 3 đại học, Linh lại tiếp tục nhận học bổng chuyển tiếp sinh viên trong một năm tại Nga. Với cơ hội này, Linh không từ chối nữa, mà lên đường đi học.

Một năm ở Nga là khoảng thời gian để lại nhiều trải nghiệm đáng quý cho Linh.Cô bạn không chỉ cải thiện, nâng cao vốn ngoại ngữ, còn hiểu thêm về con người, văn hóa đất nước Nga.

“Ngoài cảnh sắc, mình ấn tượng về sự coi trọng của người Nga đối với nghệ thuật. Điều này được thể hiện rất rõ trong cách trò chuyện và chia sẻ của giáo viên Nga, chương trình giảng dạy của Nga, và các bảo tàng nghệ thuật lớn mình có cơ hội được tham quan nữa”, cựu nữ sinh trường Nguyễn Huệ nhớ lại.

Học ít nhưng hiệu quả

Theo Linh, học ngoại ngữ quan trọng nhất là thời gian ôn tập ở nhà. Do đó, với nội dung chữa bài tập trên lớp, Linh thường xung phong đảm nhiệm. Cô bạn không ngại làm sai, luôn chăm chú lắng nghe góp ý từ thầy cô giáo, vì học từ những gì bản thân sai rất quan trọng trong quá trình học tập của Linh.

Ngọc Linh (phải) và bạn trong ngày tốt nghiệp Đại học.

Không nhận mình là người chăm chỉ, vì mỗi buổi tối, cô bạn chỉ dành ra hai tiếng để ôn bài. Tuy nhiên, Linh luôn tập trung vào những nội dung trọng tâm của bài học nên tiếp thu nhanh, ghi nhớ thông tin, kiến thức tốt.

“Không chỉ tiếng Nga, đối với những môn học khác, mình cũng áp dụng cách học như thế. Mình thấy việc học mọi kiến thức không có sự sàng lọc sẽ mất thời gian và không đạt hiệu quả cao”, cô chia sẻ.

Trong quá trình học tập, cũng có những nội dung khó ghi nhớ thì Linh học đi, học lại. Và trước mỗi kỳ thi, Linh còn lập kế hoạch ôn luyện để đi đúng lộ trình và không bỏ sót kiến thức.

Linh cho biết: “Vì đây là thời điểm phải ôn luyện và dung nạp nhiều kiến thức, do vậy cần chia thời gian hợp lí cho từng môn. Mình thường học hết những kiến thức quan trọng chứ không học tủ, nên cần nhiều thời gian”.

Mỗi lần đặt ra kế hoạch, Linh đều thực hiện với thái độ nghiêm túc và kiên trì. Với Linh, chương trình học ở trường không quá nặng nề, gần gũi và sát thực với nội dung thi, nên cô bạn cho rằng chỉ cần chăm chỉ là có thể đạt kết quả tốt.

Theo Dân trí

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/gap-nu-thu-khoa-dai-hoc-tung-tu-choi-suat-du-hoc-toan-phan-2923014-l.html