Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện trung tâm Sài Gòn

Ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn. Ông còn được nhắc đến với tên gọi "người viết thư tình xuyên thế kỷ".

Ông Dương Văn Ngộ sinh ngày 3/3/1930, là người gốc Triều Châu, Trung Quốc. Ông học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), đó là nơi ông đã từng là cậu bé con nhà nghèo hiếm hoi được chọn vào học chương trình tiếng Pháp bài bản.

Ông có thể giao dịch với khách nước ngoài cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp vì đã được Bưu điện cho đi học thêm ở Hội Việt - Mỹ.

Đặc biệt, ông có cách phát âm chuẩn như người bản xứ nhờ một viên phi công người Mỹ rèn luyện.

Sau giải phóng, Bưu điện thành lập tổ viết thư thuê. Một số nhân viên đủ tuổi về hưu với 35 đồng/tháng, còn lại 7 người viết thư thuê, chia làm 3 cặp, mỗi cặp trực 2 ngày. Khi ấy ông Ngộ là người trẻ nhất.

Nhưng rồi, mọi người nghỉ hưu dần và chỉ còn một mình ông ở lại. Đến tuổi hưu của mình, ông Ngộ xin ở lại làm tư vấn viết thư thuê. Ông được bưu điện bố trí cho một bàn làm công việc này. Bàn làm việc của ông treo toòng teng biển "Nơi chỉ dẫn và viết giúp", trên chất đầy giấy, bút mực, từ điển Anh - Pháp - Việt cùng nhiều sách địa lý về các vùng miền Việt Nam và các nước trên thế giới.

Năm 2010, ông được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam công nhận là “người viết thư thuê chuyên nghiệp nhất trong lịch sử ngành bưu điện Việt Nam".

Mỗi ngày, ông Dương Văn Ngộ viết ít nhất từ 3 - 5 lá thư, có những lá thư ngắn một trang giấy, cũng có những lá thư dài đến mấy trang giấy, ông viết trên giấy palure, giấy học trò và cả trên carte postal bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp theo nội dung của người gửi.

Số tiền mà ông nhận từ những người đến nhờ viết giúp là “tùy lòng hảo tâm”, nhưng tối đa chỉ khoảng 30.000 đồng - một số tiền ít ỏi so với mức giá ở nhiều trung tâm dịch thuật ngày nay.

Những người phụ nữ từng nhờ ông Ngộ viết thư giúp còn gọi ông là "người viết thư tình xuyên biên giới". Trong 25 năm qua, hàng nghìn bức thư tình của những người yêu gửi cho nhau đã từ Bưu điện Trung tâm Sài Gòn chuyển đến tận tay người nhận ở Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Úc, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ…

Những lá thư ông viết hộ đã đi khắp năm châu, kết nối bao nhiêu mối tình cho những người yêu xa. Ông kể rằng, có nhiều cặp yêu nhau sau một thời gian thư từ qua lại đã đi đến hôn nhân, trong nước cũng như ngoài nước, họ dẫn nhau đến Bưu điện TP để thăm hỏi và cám ơn ông.

Tâm Phúc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/gap-nguoi-viet-thu-tinh-xuyen-the-ky-o-buu-dien-trung-tam-sai-gon-d27934.html