Gặp người tình nguyện làm barie sống 10 năm

Nhờ có ông Lợi làm “barie sống” từ ngày đó mà vô số người thoát được “lưỡi hái của tử thần”, số vụ tai nản giảm hẳn đi hơn 10 năm qua.

5h0’ sáng, khi âm thanh từ chiếc loa công cộng vang lên, một ngày của ông Đặng Văn Lợi (57 tuổi, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng bắt đầu.

Hôm nay trời không mưa, sức khỏe cho phép nên người đàn ông với dáng vẻ bề ngoài nhỏ thó, đầu đội chiếc mũ trai màu xám, mặc áo sơ mi bạc màu vì gió sương lúc nào cũng xăn ống tay, quần ống rộng thùng thình, trên tay cầm chiếc bì, chân bước vội vã qua khắp các con phố, ngõ ngách trong quận để lượm ve chai về bán.

Ông Đặng Văn Lợi (57 tuổi, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) với cái tai rất thính, vẫn ngày ngày ngồi gác cổng ở đây

Khoảng 7h30, ông Lợi về lại con hẻm nhỏ bên cạnh nhà mình để bắt đầu công việc chính của ông trong hơn 10 năm qua đó là gác đường tàu.

Tại “trạm gác” ông Lợi làm việc, không có một chiếc ô dù che mưa nắng, chỉ có một chiếc ghế salon đã cũ kỹ. Ông cho biết chiếc ghế này người ta dùng hỏng rồi vứt đi nên mang về đặt nơi cuối hẻm để ngồi đọc sách, tranh thủ quan sát, nhắc nhở mọi người đi đứng cẩn thận mỗi khi tàu chạy qua.

“Trạm gác” của ông Lợi nằm tại con hẻm nhỏ giáp ranh giữa tổ 18 và 19 Chơn Tâm, P.Hòa Khánh Nam, nơi dẫn sâu vào khu vực có đông dân cư và sinh viên ở trọ. Người dân khu phố gọi nơi này là con hẻm “tử thần”. Bởi nó là nỗi ám ảnh với người dân và sinh viên vì ở đây đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm thảm khốc.

Nguyên nhân là nhiều người dân muốn đi tắt ra đường quốc lộ cho nhanh. Phần nữa vì đường sắt giao với con hẻm này lại hình vòng cung nên người qua đường bị khuất tầm nhìn.

Theo thông tin từ cô Ngô Thị Xuân Mai (52 tuổi), nhà sát con hẻm này, cung đường này từ trước tới nay đã có ít nhất 15 vụ tai nạn. Trước tình hình đáng báo động trên, năm 2012, cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đã cho xây dựng một barie kiên cố chắn qua đường nhằm ngăn cho người dân qua lại, nhưng với thói quen cũ, họ vẫn “vượt rào” băng qua đường ray để ra đường QL1A. Và ông Lợi vẫn phải tiếp tục công việc thầm lặng của mình.

“Nhìn thấy những vụ tai nạn trước đây tôi sợ lắm, tôi sợ mà nhiều người họ không sợ. Năm nào cũng có nhiều cháu sinh viên mới nhập học, đi là cứ đi chứ không để ý gì hết. Thấy vậy nên tôi ra đây ngồi nhắc mọi người đi đứng ngó nghiêng cho cẩn thận chứ không có chuyện chi to tát cả mô” - Ông Lợi nói.

Ngõ nhỏ nơi ông Lợi vẫn ngày ngày canh gác không cho mọi người, đặc biệt là sinh viên, rất hay chủ quan khi qua đường ray.

Cô Ngô Thị Xuân Mai cho chúng tôi biết thêm: “Tôi không biết dùng lời chi để nói về lòng tốt của ông Lợi. Không có ông gác ở đây thì đã xảy ra nhiều vụ tai nạn rồi. Tình nguyện đứng gác vậy chứ ông không đòi hỏi chi hết.

Ông thính tai hơn người đó, tàu đi từ đằng xa là ông đã biết rồi dù đang làm bất cứ việc gì. Bữa trước, có cháu sinh viên nữ đi học về qua đường tàu, đã không chịu quan sát, lại còn bịt tai nghe nhạc, may nhờ có ông Lợi chạy tới nắm giật ngược lại không là bị tàu cán rồi.”

Ông Lợi sinh ra trong một gia đình nghèo tại Quảng Nam, người thân của ông lần lượt ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Năm 1978, ông nhập ngũ, ông làm bác sĩ quân y tại sư đoàn 342 (quân khu 5), chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia. Khoảng một năm sau đó, ông bị thương nặng và xuất ngũ, giấy tờ tùy thân bị cháy hết trong một vụ hỏa hoạn nên ông không đủ điều kiện để được hưởng chế độ.

Một thời gian sau đó, ông cùng chị gái lặn lội ra Đà Nẵng tìm việc mưu sinh. Chị gái ông nay đã qua đời, thế là chỉ còn một mình ông sống giữa phố thị không một người thân thích. Hằng ngày,ông lượm ve chai để bán kiếm tiền mua cơm sống qua ngày.

Ở khu phố này, ai cũng cảm phục và quý mến tấm lòng hi sinh cao cả của ông Lợi. Hàng xóm hay thương nên thường xuyên đưa nước ra cho ông uống, những cô cậu sinh viên biết ông ham đọc sách nên thường mua sách tặng ông.

Trao đổi với chúng tôi về công việc thầm lặng của ông Lợi, bà Hồ Thị Tuyết Hạnh (48 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố 19, P.Hòa Khánh Nam cho biết: “Chúng tôi rất quý mến và cảm kích trước sự hi sinh lớn lao của ông Lợi hơn 10 năm qua. Nhờ có ông mà số vụ tai nạn đường tàu giảm hẳn đi. Hằng năm, cứ có quà tết là chúng tôi nghĩ tới ông đầu tiên. Gương người tốt, việc tốt thì không ai bằng ông Lợi, chính quyền quận, thành phố đều biết, và có quan tâm, hỏi thăm. Chúng tôi cũng muốn làm giấy công nhận cho ông được hưởng chế độ, nhưng vì giấy tờ tùy thân ông đã bị thất lạc nên đành chịu.

Qua đây, tôi cũng rất mong bài báo này tới được những người quen, bạn chiến đấu cũ của ông Lợi ngày trước để họ làm chứng thực cho ông, để ông được hưởng chế độ nhà nước và được làm thẻ y tế để giúp ông mỗi lần đau ốm.”

Quỳnh Lưu

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Van-hoa/Gap-nguoi-tinh-nguyen-lam-barie-song-10-nam/119690.info