Gặp nam sinh mang cầu truyền hình đầu tiên về Sóc Sơn

GD&TĐ - Về đích ở cuộc thi quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 với 290 điểm, Hà Việt Hoàng – Học sinh lớp 11 A1 Trường THPT Sóc Sơn đã trở thành thí sinh đầu tiên của Hà Nội góp mặt trong buổi chung kết được tổ chức vào sáng 27/8/2017.

Nam sinh “trường làng” này cũng là người đầu tiên mang cầu truyền hình của đấu trường trí tuệ trên về với vùng đất ngoại thành Sóc Sơn.

“Nghiền” Olympia từ năm lớp 1

Thường thì mỗi ngày em sẽ dành từ 1 đến 2 tiếng để học và làm bài tập trên lớp, sau đó sẽ dành khoảng 1 tiếng để làm thêm một số bài nâng cao. Ngoài ra, trước khi học, em dành ra 30 phút đến 1 tiếng để lướt web, đọc báo và tìm hiểu, bổ sung thêm kiến thức mới từ các nguồn này

Hà Việt Hoàng

Hơn một tháng nay, cả vùng quê ngoại thành Sóc Sơn đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và lấy làm tự hào về Hà Việt Hoàng - Người đã mang vinh quang về cho quê hương.

Gặp Hoàng trong giờ ra chơi, chúng tôi khá bất ngờ vì em hiền khô nhưng cách nói chuyện thì “đâu ra đấy”. Em còn được mệnh danh là “chàng trai có nụ cười híp mắt”.

Chúng tôi khá ấn tượng với câu nói của Hoàng: “Sóc Sơn không chỉ có truyền thuyết Thánh Gióng, sân bay Nội Bài, mà hoàn toàn đủ khả năng có một cầu truyền hình”. Và điều đó đã trở thành hiện thực trong niềm vui khôn xiết của bố, mẹ, thầy cô và bè bạn.

Hoàng chia sẻ: Sau khi phần thi Tăng tốc kết thúc, em đã nắm chắc phần thắng trong tay với 250 điểm, vượt xa các bạn còn lại. Vì vậy Hoàng chọn phương án an toàn khi tham gia phần thi về đích với gói câu hỏi 40 điểm.

Kết quả cuối cùng em cán đích 290 điểm. “Giây phút được đội chiếc vòng nguyệt quế khiến em vỡ òa trong hạnh phúc – điều mà em chưa từng nghĩ tới khi tham gia cuộc thi này” – Hoàng bộc bạch.

Hoàng chia sẻ thêm: Ngay từ đầu em không đặt mục tiêu phải giành chiến thắng mà tham gia chương trình với tâm thế hết sức thoải mái - học hỏi và thử sức mình là chính.

Đặc biệt là để thỏa mãn niềm đam mê, yếu mến của mình với chương trình Đường lên đỉnh Olympia và sự ngưỡng mộ đối với các anh/chị đã từng tham gia trước đó.

Nam sinh tâm sự: “Không hiểu sao ngay từ hồi lớp 1 em đã “ngấu nghiến” xem chương trình này và cũng bắt đầu tập tọe trả lời các câu hỏi. Càng về sau, em càng bị cuốn hút và gần như không bỏ qua bất kỳ chương trình nào.

Những chương trình chưa kịp xem trong buổi phát sóng, em sẽ lên mạng để tìm xem lại bằng được. Cùng với đó em thử sức mình qua việc tự trả lời các câu hỏi sau khi MC đưa ra và tự tính điểm xem mình có xứng tầm với các anh/chị hay không”.

Không giống như nhiều bạn thường học bằng cách ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ, Hoàng chọn cho mình cách học đó là: Ghi nhớ. Những gì quan trọng em ghi vào vở rồi nghiên cứu kỹ, sâu và có phát triển vận dụng vào thực tế.

Hoàng “bật mí”: "Em học được rất nhiều từ Internet và mạng xã hội. Về việc học trên mạng, em nghĩ cần có sự kết hợp giữa Internet và sách vở để hiểu sâu và hiểu kĩ hơn những kiến thức mà thầy, cô đã giảng trên lớp.

Ngoài kiến thức mình đã tiếp thu, em cũng thường xem thêm những khái niệm liên quan đến nó để giúp mình có thể hệ thống hóa kiến thức nhanh và khoa học nhất".

Ngoài ra, Hoàng có tham gia một số câu lạc bộ hay nhóm học tập ôn luyện Olympia để củng cố kỹ năng và kiến thức của mình.

Trong khi rất nhiều gia đình hạn chế, thậm chí là cấm con cái truy cập Internet và mạng xã hội thì Hoàng cho rằng, điều đó là không nên bởi Internet và mạng xã hội là một kho tàng tri thức vô tận.

Vì vậy nếu không biết tận dụng, khai thác kiến thức từ kênh này thì thật lãng phí. Tất nhiên là phải biết chọn lọc theo đúng nghĩa là: học hỏi và tìm kiếm tri thức. Không nên “lang thang” một cách vô bổ ở trên mạng, vì vừa mất thời gian mà còn mất niềm tin ở bố mẹ.

Niềm tự hào của vùng quê ngoại thành

Hoàng cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn đang thảo luận bài trong giờ ra chơi

Nói về việc Hoàng đăng ký tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17, cô Nguyễn Thị Lương – Giáo viên chủ nhiệm của nam sinh này - cho biết: “Hoàng là một học sinh ngoan, học giỏi, luôn thích khám phá và rất cầu tiến.

Đến với Đường lên đỉnh Olympia, em hoàn toàn chủ động đăng ký tham gia. Bản thân tôi cũng khá bất ngờ khi biết được thông tin này. Lúc đầu, tôi khá phân vân vì sợ rằng nếu như em thua cuộc sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm sinh lý, nhất là em lại đang ở lứa tuổi “mới lớn”.

Nhưng sau khi biết được em rất yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia và muốn được thử sức mình với một sân chơi trí tuệ này thì tôi không còn lăn tăn gì nữa và hoàn toàn ủng hộ em.

Tuy nhiên tôi cũng có ra điều kiện với Hoàng rằng: Không được nặng nhẹ chuyện thắng - thua, dù kết quả có thế nào đi chăng nữa cũng không được làm ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống.

Mục đích chính là để giao lưu, học hỏi, mở rộng kiến thức. Và thật bất ngờ, ngay từ cuộc thi Tuần, Hoàng đã giành được vòng nguyệt quế khiến cả trường vỡ òa trong niềm vui.

Rồi niềm vui cứ thế được nhân lên gấp bội khi em chiến thắng ở cuộc thi Tháng và đến nay là cuộc thi Quý, để ghi tên trong buổi chung kết. Hoàng đã trở thành niềm tự hào của nhà trường nói riêng và quê hương Sóc Sơn nói chung”.

Nhận xét về học trò của mình, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tu Tập không giấu nổi niềm vui: Hoàng có tâm thế tốt, chiến thuật sắc sảo khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia.

Đơn cử như: Khi kết thúc phần thi Tăng tốc với 250 điểm, đến phần thi về đích em đã thông minh lựa chọn gói câu hỏi 40 điểm và giành chiến thắng chung cuộc.

Nhà trường rất tự hào khi có được một học sinh như em Hoàng. Em không chỉ học giỏi mà còn ngoan ngoãn, được bạn bè, thầy cô yêu quý. Mong rằng, ở trận chung kết em tiếp tục phát huy được thành tích này để mang vinh quang về cho quê hương.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/gap-nam-sinh-mang-cau-truyen-hinh-dau-tien-ve-soc-son-3161152-b.html