Gặp gỡ “Hà Nội một thời” của nhà ngoại giao Anh

Với 110 bức ảnh được chọn lựa kỹ càng từ khoảng 1700 cú bấm máy trong 3 năm công tác tại Việt Nam, cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” của cựu Phó Đại sứ Anh John Ramsden không chỉ là quyển nhật ký bằng ảnh, nguồn sử liệu vô giá mà còn là món quà đầy yêu thương ông gửi tặng Hà Nội.

Một thời để nhớ

Một phần Hà Nội giai đoạn 1980 – 1982 đã được John Ramsden “ghi lại” bằng ống kính trong suốt những năm công tác tại Đại sứ quán Anh ở Hà Nội với cương vị của một nhà ngoại giao. Ông chụp ảnh bởi niềm yêu thích bên cạnh công việc của nhà ngoại giao chuyên nghiệp nay đây mai đó.

Cựu nhà ngoại giao người Anh vẫn luôn dành cho Hà Nội, Việt Nam tình cảm thân thương

Sau hai năm rưỡi ở Việt Nam, nhiệm kỳ đã kết thúc và ông quay trở về London. John Ramsden tâm sự: “Tôi nhớ Việt Nam, nó đã ăn vào máu thịt tôi. Nhưng ít nhất tôi cũng có những bức ảnh – tổng cộng hơn 1700 tấm phim… Nhưng tấm phim nằm trong tủ suốt 30 năm sau cho tới khi rốt cuộc tôi cũng về hưu”.

Cùng với việc lưu giữ, bảo quản những tấm phim âm bản và bức ảnh đen trắng về Hà Nội như những kỷ niệm riêng tư, hy vọng được công bố một số bức ảnh vẫn luôn thường trực trong John Ramsden. Mãi đến năm 2013, ông mới mở được triển lãm “Hà Nội mảnh đất hóa tâm hồn” tại trung tâm Hà Nội, trong một không gian gợi nhớ “thời bao cấp” để chính những người dân Hà Nội chiêm ngưỡng diện mạo của nơi mình sống hàng chục năm về trước. Nhiều người khi đến xem triển lãm đã khóc.

Cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” của John Ramsden

110 tấm ảnh trong cuốn sách ảnh “Hà Nội một thời” vừa được ra mắt ngày 14/10 chỉ là những lát cắt nhỏ trong cảnh sinh hoạt đời thường với những khuôn mặt người thường của Hà Nội từ năm 1980 – 1982. Nhưng đó lại là những hình ảnh tiêu biểu của một giai đoạn bi hùng trong lịch sử Hà Nội.

Có được những tấm ảnh lột tả sự túng bấn, bệ rạc của Hà Nội thời kỳ bao cấp không phải điều đơn giản. Ở cái thời lo cái ăn còn không đủ, máy ảnh hiếm hoi, chi phí mua phim chụp, rửa ảnh… vô cùng đắt đỏ cùng những khó khăn an ninh khiến việc chụp ảnh không dễ dàng. Những tấm ảnh như của John lại càng hết sức hiếm hoi.

Trong con mắt của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc cho rằng, cuốn “Hà Nội một thời” là sử đồ sống động. “Cái ưu việt, thần kỳ của nghệ thuật nhiếp ảnh là biến một khoảnh khắc trở thành vĩnh viễn. Nó biến những lát cắt lịch sử thành thứ định vị ký ức. Đối với tôi những tấm ảnh anh John chụp cách đây hơn 30 năm là một sử đồ sống động. Tôi đến với bộ ảnh của John với tất cả hứng thú của mình. Lần đầu tiên được hưởng thụ, cảm nhận những tấm ảnh của anh, tôi không chỉ giật mình mà thấy vô cùng xúc động”.

Các diễn giả trong buổi ra mắt sách “Hà Nội một thời”

Vượt ra ngoài ý nghĩa của một cuốn nhật ký bằng ảnh – là kỷ niệm riêng tư về thành phố mình yêu, John Ramsden đã đóng góp những tư liệu quý giá để mọi người hiểu thêm về Hà Nội giai đoạn trước Đổi Mới và về cái “chất Hà Nội” muôn đời.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã không kìm được xúc động khi được “gặp gỡ” Hà Nội của hơn 30 năm về trước qua những tấm ảnh: “Cái mà tôi tìm thấy ở “Hà Nội một thời” qua những bức ảnh của John Ramsden lại là cái cho một Hà Nội muôn thuở. Đó là sự thanh bình của đời sống và sự tĩnh lặng của tâm hồn con người Hà Nội. Mọi nỗ lực đúng nhất của con người để xây dựng nơi chốn của mình và có thể nói rộng hơn là thế gian của con người là làm cho nơi chốn đó có một cuộc sống thanh bình và tâm hồn người tĩnh lặng”.

Nhìn Hà Nội bằng ánh mắt nhân văn

Ảnh trong sách của John Ramsden

Những góc máy không được căn chỉnh chỉn chu, cũng chẳng có thời gian tùy chỉnh các thông số kỹ thuật nhưng bức ảnh nào trong “Hà Nội một thời” cũng đều xúc tích, cô đọng, có chọn lọc và rất chân thực, chi tiết những chuyện đời thường mà ít nhiếp ảnh gia Việt thời bấy giờ quan tâm. Qua những tấm hình, người ta nhận ra John đã nhìn Hà Nội bằng con mắt rất hiền với sự cảm thông, chia sẻ và đầy tính nhân văn.

“Chỉ cần nhìn ảnh, tôi biết ông John phải yêu Hà Nội lắm mới chụp được như thế. Không phải yêu Hà Nội về thuần túy mà ông ta yêu từ sự chia sẻ. Đó là sự chia sẻ của một người ở nước khác, nền văn hóa khác với một quốc gia ngoài sức tưởng tượng của họ về đời sống vật chất, khát vọng tinh thần. Trong ảnh không thấy có cảm xúc thương hại mà rất chân thành. Đấy là những giá trị nhân văn của ông” – nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo tâm sự.

Là một người chụp ảnh không chuyên, nhưng ảnh của John vẫn tràn đầy cảm xúc bởi ông đã chụp ảnh với cả tâm hồn và những xúc cảm ông có được về Hà Nội. Nghĩ thế nào chụp thế, những khoảnh khắc diễn ra chớp nhoáng, không được sắp đặt nhưng các nhân vật trong ảnh John chụp vẫn rất sống động, hồn hậu.

John tâm sự, chỉ đến khi nhà sử học Dương Trung Quốc làm xong chú thích, ông mới hiểu đây là một hiệu rút lốp ở Hà Nội: “Có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình có cỡ vành 650 mm lại được cơ quan phân phối cho cỡ lốp 680 mm, nên mới có dịch vụ rút lốp. Cắt ngắn cái đai bằng thép ở mép lốp (tanh) rồi rút ngắn cho vừa với vành. Có cả nghề đắp lốp: tận dụng lốp mòn hay tanh rách, đắp lên những miếng cao su sống rồi cho vào khuôn ép nóng để dùng tiếp”

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cũng nói thêm: “Tôi cảm thấy John Ramsden có một sự chân thành hồn nhiên về Hà Nội. Khoảnh khắc nào ông cũng yêu thích. Đọc tự bạch và xem ảnh của ông ta mới thấy hết được”.

Trong suốt hành trình của mình khi ở Việt Nam công tác, John Ramsden đã cố gắng để hiểu được Hà Nội. Cảm nhận của ông về Hà Nội của ngày ấy là rất nghèo nàn, khó khăn, dường như mọi tài nguyên đều đổ dồn cho cuộc chiến 10 năm trước đó. “Dẫu vậy, người dân Hà Nội đã cố gắng vượt qua khó khăn bằng một nhân cách tuyệt vời và họ đã tìm ra cách rất thông minh để có thể sống sót trong thời điểm đó” – John giãi bày.

Là người nước ngoài, ông John đặt mình trong hoàn cảnh của người Việt và tưởng tượng phải cố gắng thế nào trong đời sống hàng ngày. Từ việc đơn giản như đưa con đến trường với một cái áo sạch trong thời điểm nước còn hiếm hoi. “Khi hiểu được tất cả những khó khăn ấy trong cuộc sống của người dân, những gì tôi dành cho họ là sự tôn trọng, ngưỡng mộ” – ông nói. Cựu ngoại giao người Anh cũng bày tỏ sự phâm khục cách người Việt Nam duy trì văn hóa truyền thống trong giai đoạn khó khăn ấy.

John Ramsden vẫn luôn muốn chia sẻ những kỷ niệm Hà Nội trong ông cho chính những người dân Hà Nội

Nhắc đến cuốn sách “Hà Nội một thời” của mình, ông nói: “Để hiểu giá trị của một đất nước bạn phải chứng kiến đất nước đó vào thời kỳ khó khăn, và đó (những năm đầu thập niên 80 thế kỷ 20) là một giai đoạn khó khăn của Việt Nam. Tôi hy vọng những bức ảnh của tôi thể hiện được điều đó và cũng thể hiện được sự tháo vát, phẩm giá của con người và vẻ đẹp của thành phố dù trong sự đói nghèo”.

Những khoảng khắc, câu chuyện John chụp lại mang đến cho khán giả những cảm nhận, suy tư khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là tình yêu dâng tràn và lòng tự hào dành cho Hà Nội. Một phần trong đó là cả sự biết ơn, trân trọng một người nước ngoài đem lòng yêu Hà Nội, Việt Nam.

Hà Nội một thời

Theo nhà báo Phạm Tường Vân, cuốn sách của ông John đã chạm vào trái tim cô, khiến cô thán phục và cảm động. “Bây giờ nghĩ lại, thấy rằng trước đây có một người nước ngoài lẳng lặng muốn nói chuyện với cha mẹ tôi, với tôi nhưng không thể. Và ông ta buộc phải nói chuyện bằng ống kính. Việc làm có ý nghĩa ấy giúp chúng ta lưu lại ký ức của một thời đã qua”.

Hà Nội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, theo cách ví von của John là nhanh gấp 4 lần so với ở Anh. “Trong tất cả sự thay đổi đó, điều tôi thấy tuyệt vời nhất là sự cởi mở, tự do. Tôi có thể gặp gỡ và làm việc với người Việt Nam theo cách mà những năm 1980 là không thể. Và đó là phép màu khi Hà Nội thay đổi trong thời gian ngắn như vậy”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/gap-go-%e2%80%9cha-noi-mot-thoi%e2%80%9d-cua-nha-ngoai-giao-anh