Gặp chàng trai khôi phục nghề gốm cổ Bồ Bát

Theo nhiều tài liệu để lại, nghề gốm Bồ Bát (thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình) phát triển rực rỡ từ thế kỷ X. Sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô lên Thăng Long (Hà Nội ngày nay), một số dòng họ ở thôn Bạch Liên cũng theo về Đại La, lập nghiệp tại vùng ven sông Hồng, tạo nên làng gốm Bát Tràng ngày nay. Vì vậy, nghề gốm Bồ Bát ở Ninh Bình bị thất truyền khoảng 10 thế kỷ. Từ năm 2007 đến nay, một thanh niên của dòng họ Phạm, ở thôn Bạch Liên nuôi ý tưởng phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát tại quê hương. Với nỗ lực của mình, anh đã đưa sản phẩm gốm này đến thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đuổi ước mơ lập nghiệp

Bây giờ, khi những dòng sản phẩm gốm Bồ Bát từ thôn Bạch Liên lan tỏa mọi thị trường trong nước và quốc tế khiến không ít người ngạc nhiên về sự vượt khó vươn lên của người thanh niên dòng họ Phạm. "Khi còn nhỏ, tôi đã được nghe ông bà kể rằng, nghề gốm Bồ Bát xuất hiện ở quê hương mình từ hơn ba nghìn năm trước. Có thời, cả làng ai cũng làm và sống bằng nghề gốm" - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Vang, chia sẻ. Nung nấu ý chí khôi phục nghề truyền thống của quê hương, năm 2005, sau khi tốt nghiệp THPT, Phạm Văn Vang ra Bát Tràng tìm đến gia đình người chú đang làm nghề gốm, để học nghề. Sau ba năm, được chú truyền dạy hết bí quyết, tay nghề đã vững, Phạm Văn Vang lại khăn gói lên Bắc Giang, xin vào làm thuê cho xưởng gốm, học ở đây những họa tiết hoa văn tranh cổ. Miệt mài học, miệt mài làm, và tình yêu đã đến với chàng thanh niên họ Phạm ngay chính nơi xưởng gốm ấy. Anh và người con gái ông chủ xưởng nên duyên chồng vợ, họ cùng về lại thôn Bạch Liên mở xưởng làm gốm.

"Việc tham khảo thị trường rất quan trọng. Đầu ra ổn định, là điểm tựa cho doanh nghiệp phát triển bền vững" - Phạm Văn Vang cho biết. Những ngày đầu đầy gian nan, xây dựng xưởng đơn sơ với lò đốt công nghệ thấp. Khi ấy, từ sớm tới khuya anh Vang luôn cưỡi trên chiếc xe máy cà tàng, đi giao hàng cho các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đó là những chiếc nhẫn, vòng đeo cổ, hình một số con vật... bằng gốm, bày bán tại các thành phố: Nha Trang, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.

"Nếu không có người vợ đảm quán xuyến việc sản xuất ở gia đình, thì không thể có được như hôm nay. Tôi phải cảm ơn cô ấy rất nhiều" - Vang nói, mắt ánh lên niềm xúc động. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt kỹ xu thế thị trường, vợ chồng anh quyết định vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, đầu tư vào xưởng gốm, tuyển 10 thanh niên tại quê hương gửi ra Bát Tràng học nghề.

Năm 2009, khi sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, Vang mở lớp và trực tiếp đứng ra giảng dạy theo kiểu "cầm tay chỉ việc" ngay tại xưởng cho hơn 50 công nhân. Anh tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở xưởng làm thêm đồ gốm trang sức, tranh gốm mỹ thuật tại gia đình. Trên cơ sở hai dòng gốm sành nâu và gốm sứ trắng, anh Vang tạo ra những sản phẩm đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, chuông gió, dây lưng, cùng tranh gốm mỹ nghệ và tượng gốm nghệ thuật. Các sản phẩm này được trang trí bằng những họa tiết thổ cẩm, hoa văn chủ yếu vẽ bằng men mầu. Độc đáo và ấn tượng nhất của doanh nghiệp gốm Bồ Bát vẫn là mảng tranh gốm ghép, dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng, như Đông Hồ, với những nét văn hóa vùng, miền tiêu biểu trong cả nước. Trong đó, có khá nhiều hình ảnh các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Nhờ vậy, sau một thời gian, sản phẩm gốm Bồ Bát có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn ra thị trường một số nước, như Nga, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản...

Thành danh khi còn khá trẻ…

Một ngày trung tuần tháng 5 này, tôi có người bạn từ TP Hồ Chí Minh ra, về Bát Tràng thăm thú, rồi anh nằng nặc đòi tôi đưa về thôn Bạch Liên để mua sản phẩm gốm Bồ Bát.

Chúng tôi về Bạch Liên vào tầm trưa. Một thanh niên thấp đậm, râu quai nón ra đón, mời chúng tôi vào nhà. "Ông chủ đấy" - cô gái chừng 18 tuổi đang bê chồng bát, đĩa thành phẩm xếp vào hộp giấy cho khách nói với chúng tôi. Hóa ra người thanh niên ấy chính là Phạm Văn Vang, chủ nhân của cơ ngơi này. Vang giới thiệu, anh sinh năm 1981, vào nghề gần 15 năm, nhưng thành lập doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát mới từ tháng 4-2011. "Với phương châm không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, sản phẩm bán với giá người thu nhập thấp cũng có thể mua. Đồng thời, chú trọng mở rộng thị trường, do đó đối tượng phục vụ ngày càng mở rộng, kể cả trong nước và quốc tế" - anh Vang cho biết. Hiện nay, sản phẩm gốm chính của doanh nghiệp là ấm chén, lộc bình, chuông gió, tranh, trang sức; mỗi tháng xuất xưởng hơn 20 nghìn sản phẩm. Năm 2014, doanh nghiệp của anh Vang sản xuất gần 300 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt hơn hai tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, với mức lương bình quân từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tăng 30% số sản phẩm; số lao động và thu nhập của người lao động cũng tăng.

Nỗ lực lập nghiệp từ nghèo khó, chàng thanh niên làng Bạch Liên đã vươn lên làm giàu từ chính nghề truyền thống của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc dòng gốm tưởng như đã thất truyền. Năm 2008, gốm Bồ Bát vinh dự có một gian hàng tại hội chợ triển lãm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội và được Trung ương Hội Nông dân trao tặng Huy chương vàng. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm Bồ Bát có mặt trong triển lãm sản phẩm các làng nghề cổ truyền. Nhiều năm liền anh Phạm Văn Vang được tỉnh tuyên dương là thanh niên làm kinh tế giỏi. Năm 2014, anh được Hội Nông dân tỉnh tuyên dương là một trong 10 gương điển hình nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi, rồi được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

Khôi phục nghề gốm Bồ Bát là một trong những chủ trương được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng đang và sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp gốm Bồ Bát, để đưa công nghệ nung mới, có công suất lớn hơn vào hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển ngành du lịch Ninh Bình. Tuy nhiên, điều anh Phạm Văn Vang trăn trở nhất, đó là khó khăn do địa bàn chật hẹp, sản xuất còn manh mún, chưa đáp ứng, khai thác hết tiềm năng của địa phương, như nguồn đất sét trắng rất lớn, số lao động nông nghiệp dôi dư nhiều. Mặc dù được tỉnh, huyện hỗ trợ, nhưng đã qua 5 năm, địa điểm sản xuất ở nơi được quy hoạch rộng hơn vẫn chưa xong thủ tục hành chính. Thậm chí, Phạm Văn Vang có lần đã khóc trước một cuộc họp với các cấp chính quyền, ban, ngành, bởi thủ tục đất đai quá rườm rà, kéo dài, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khốn khó. Mặc dù Bồ Bát là nơi khởi thủy làng gốm Bát Tràng ngày nay, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn chưa biết nghề, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Hy vọng thời gian tới, những vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn vay sẽ được giải quyết, để cơ sở gốm cổ Bồ Bát ngày càng phát triển, góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống lâu đời của cha ông.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33000902-gap-chang-trai-khoi-phuc-nghe-gom-co-bo-bat.html