Gặp 'bông hồng' người Việt duy nhất tại Cục Di dân Đài Loan

Là người phụ nữ Việt Nam duy nhất hiện đang làm việc cho Cục Di dân Đài Loan, chị Hoàng Oanh từ nhiều năm nay đã trở thành 'tổng đài tư vấn' cho cộng đồng cô dâu người Việt nơi đất khách.

Chị Hoàng Oanh là người phụ nữ Việt Nam duy nhất hiện làm cho Sở Di dân Đài Loan (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Hoàng Oanh là người phụ nữ Việt Nam duy nhất hiện làm cho Sở Di dân Đài Loan (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Là người phụ nữ Việt Nam duy nhất hiện đang làm việc cho Cục Di dân Đài Loan, chị Hoàng Oanh từ nhiều năm nay đã trở thành “tổng đài tư vấn” cho cộng đồng cô dâu người Việt nơi đất khách. Ngoài công việc thông dịch viên, ngày ngày, chị Oanh còn kiêm luôn cả nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn và giải đáp… tình cảm của chị em xa quê.

Chị Hoàng Oanh năm nay 40 tuổi nhưng trông còn rất trẻ. Dáng người nhỏ bé, đặc biệt trên môi luôn nở nụ cười, người phụ nữ quê ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến người đối diện có cảm giác dễ chịu. Chị cho hay, trước khi sang Đài Loan, chị đã gặp chồng tương lai của mình tại Việt Nam năm 1996. Hai người gặp, dần dần cảm mến, rồi quyết định sẽ kết hôn với nhau và chuyển sang Đài Loan sinh sống và làm việc.

Nghĩ về khoảng thời gian đầu tiên ở trên đất khách, người phụ nữ nhỏ bé cười rất tươi bảo: “Cũng may có ông xã động viên, nên việc hòa nhập với cuộc sống mới của tôi không gặp quá nhiều khó khăn.”

Với sự động viên của chồng, chị Oanh bắt đầu xin tham gia các lớp học vào buổi tối để bổ túc nâng cao trình độ tiếng Trung cũng như các kiến thức khác. Sau 12 năm, chị Oanh là người phụ nữ Việt Nam lấy được bằng Đại học theo hệ đào tạo của Đài Loan.

Đến năm 2007, chị Oanh xin vào làm tình nguyện viên tại Cục Di dân Đài Loan và sau đó không lâu thì thi đỗ kỳ tuyển công chức của cơ quan này.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu làm việc khang trang, chị Oanh kể: Ngoài việc làm thông dịch viên, công việc chủ yếu của chị tại Cục Di dân là tư vấn và trả lời những thắc mắc của các cô dâu người Việt trên đất khách, quê người.

Chị Hoàng Oanh tại nơi làm việc ở Cục Di Dân Đài Loan (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Oanh cho hay, mỗi một người đến xin tư vấn lại mang đến một tâm sự, một câu chuyện rất khác nhau. Khi ấy, bản thân chị cũng phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, để có thể thực sự hiểu, thông cảm, trên cơ sở này mới có thể đưa ra được lời khuyên đích đáng.

Điển hình là có lần, một cô dâu người Việt tại Đài Bắc chạy đến với chị, khóc nức nở. Chị hỏi mãi, cô gái trẻ mới kể, cô đi làm, có tiền nhưng không đưa cho mẹ chồng mà đi mua điện thoại mới. Mẹ chồng cô biết được nên đã mắng chửi.

“Mấu chốt của vấn đề là sự khác biệt về văn hóa giữa hai dân tộc, hai quốc gia. Ở Đài Loan, thông thường, má chồng sẽ giữ tiền cho con cái. Vì là dâu mới nên cô bé không biết đến điều này. Tôi đã phải khuyên em nên về xin lỗi mẹ chồng và cố gắng tìm hiểu thêm phong tục tập quán mới,” chị Oanh kể.

Những câu chuyện như chồng hắt hủi, cả nhà chồng chê cơm không ngon… của hàng trăm cô dâu Việt Nam cứ thế ngày ngày cuốn người phụ nữ bé nhỏ ấy đi. Nhưng, chị bảo, chưa lúc nào cảm thấy mỏi mệt vì chỉ cần được nghe tiếng Việt, nói chuyện với người Việt và góp một phần nhỏ bé làm cuộc sống của cộng đồng tốt hơn là chị đã cảm thấy vui. Bởi vậy, chị sẵn sàng đóng vai “tổng đài tư vấn” vào bất cứ lúc nào mọi người cần, luôn luôn cố gắng lắng nghe, chia sẻ.

Để có thể an tâm lo việc xã hội, chị Oanh may mắn khi luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình nhà chồng.

“Má chồng chị rất tâm lý, nên bà giúp đỡ rất nhiều việc gia đình để mình có thể làm các công việc hiện tại,” chị cười rất tươi khoe.

Ngoài công việc ở Cục Di dân, chị Oanh còn từng làm MC phụ trách chương trình phát thanh “Tình dòng sông trên đảo ngọc” bằng tiếng Việt để phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam. Chính ông xã của chị cũng đã giúp vợ một phần nội dung ở chương trình này.

Phiên dịch là một phần trong những công việc hàng ngày của Hoàng Oanh (Ảnh: Minh SơnVietnam+)

Bên cạnh đó, chị hiện cũng sắm thêm vai cô giáo khi tham gia dạy tiếng Việt buổi tối tại Đại học Cộng Đồng Đài Loan. Học sinh của “cô giáo Oanh” là những người sắp đi công tác tại Việt Nam, sinh viên yêu thích tiếng Việt và cả những người mà trong nhà có con dâu đến từ đất nước hình chữ S.

Nói về thành công của mình, chị Oanh tỏ ra khiêm tốn: “Điều quan trọng nhất là tôi có cơ hội được giúp đỡ người khác. Tôi mong muốn, chị em người Việt Nam khi sang đây cũng tự tin để có thể khẳng định được khả năng của mình.”/.

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gap-bong-hong-nguoi-viet-duy-nhat-tai-cuc-di-dan-dai-loan/411853.vnp