Gạo Việt mất dần sức hút

GD&TĐ - Chúng ta luôn tự hào đứng trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu (XK) gạo. Nhưng có một thực tế đáng buồn, gần đây, nhiều sản phẩm gạo XK bị đối tác trả về, gạo Việt không cạnh tranh nổi với gạo Thái Lan, Nhật Bản - thậm chí là cả Campuchia.

Lối canh tác cũ, sản xuất gạo với giá thành cao, chất lượng kém là những yếu tố đang làm mất đi “chỗ đứng” của ngành gạo nước nhà.

“Mất điểm” trên thị trường nội và ngoại

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho thấy tính hết quý II/2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về, do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

VFA cũng cho biết, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016, rất nhiều đơn hàng XK gạo thơm của các DN có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về, vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng.

Qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép.

Theo FDA, tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp (DN) XK gạo Việt Nam sang thị trường này bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng hơn 8.200 tấn gạo.

Trước tình trạng gạo bị trả về, Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo và quyết định tạm dừng, không cho XK gạo vào thị trường Mỹ để có biện pháp xử lý thích hợp. Bởi vì nếu tiếp tục XK với tình trạng bị trả về thì có thể Mỹ sẽ “cấm cửa” luôn.

Với XK gạo vào thị trường Mỹ, rõ ràng không thể không lưu ý khi công tác BVTV vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là ở Mỹ, mức dư lượng thuốc BVTV rất ngặt nghèo so với các thị trường nhập khẩu khác.

Trong khi đó, việc sử dụng thuốc BVTV trong trồng lúa vẫn là điều đáng lo khi hàng năm, vựa lúa ĐBSCL sử dụng trên 100.000 tấn thuốc BVTV.

Ngay như phân bón cũng sử dụng dư thừa, lãng phí, toàn vùng sử dụng trên 2 triệu tấn phân đạm/năm, nhưng theo các nhà khoa học, tỷ lệ hữu ích bón phân chỉ khoảng 40 - 50%.

Những con số tụt lùi về XK gạo thời gian qua được cho rằng xuất phát điểm từ những yếu kém trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Nguyên nhân được các chuyên gia về nông nghiệp chỉ ra rằng, nguyên nhân chính là do sản xuất khối lượng lớn với giá thành cao nhưng chất lượng kém... nên gạo Việt đang mất dần điểm trên thị trường thế giới phần lớn là bị dính lỗi về dư lượng thuốc BVTV.

Cần xây dựng lại thương hiệu

Tại cuộc Hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt và nông sản hữu cơ” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức mới đây, bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch HĐQT công ty CP Nông nghiệp GAP cho rằng, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV trong canh tác khiến chất lượng gạo thấp.

Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, thế giới sẽ nhìn nhận gạo Việt Nam chất lượng không cao, ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng sẽ đi tìm gạo nước khác. Bởi vậy, hai yếu tố quan trọng cần làm chính là ngon và sạch để chúng ta xây dựng thương hiệu cả nội địa và quốc tế.

Theo các chuyên gia, xu hướng thị trường thế giới hiện nay là hướng đến sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Thương mại thế giới nên việc đảm bảo ATTP càng trở nên quan trọng. Vì vậy, ngon và sạch là 2 yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng thương hiệu cả nội địa và quốc tế.

Để đáp ứng tiêu chí “ngon” và “sạch” nhằm phát triển thị trường gạo Việt, các chuyên gia cho rằng, trước tiên Việt Nam cần chọn ra 2 - 3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam, từ đó áp dụng công nghệ lai tạo để cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, những loại gạo này phải trồng theo phương pháp hữu cơ để nâng cao chất lượng gạo, bảo đảm hạt gạo không tồn dư thuốc BVTV, giữ vững chất lượng gạo không thay đổi theo thời gian...

Để có hướng đi vững chắc của gạo ngon cho người tiêu dùng trong nước và XK, theo các chuyên gia cần chọn giống lúa mang thương hiệu quốc gia, đặt tên giống quốc gia cho các giống đã chọn.

Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm tổ chức sản xuất ngành gạo theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm XK được thế giới tin dùng.

Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát; gắn nhà nông trong hợp tác xã kiểu mới, gắn hợp tác xã với DN trong một cơ chế theo chuỗi giá trị để chấm dứt kiểu làm chụp giật, pha trộn, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.

Đồng thời tổ chức theo chuỗi giá trị sản xuất mỗi loại gạo trong số giống đã chọn, tiến hành xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/gao-viet-mat-dan-suc-hut-2411967-b.html