Gạo Việt 'ấp ủ' giấc mơ thương hiệu

Năm 2016 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng gạo XK không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã không còn chạy theo danh vị top đầu về XK mà tập trung cho chất lượng. Việc này không chỉ giúp hạt gạo có thêm giá trị gia tăng mà còn giúp Việt Nam thực hiện giấc mơ xây dựng thương hiệu gạo.

Lượng và trị giá gạo XK trong năm 2016 giảm hơn 20%. Ảnh: ST.

XK giảm kỷ lục 10 năm qua

Những năm gần đây, gạo Việt Nam đã có bước tiến quan trọng, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Hiện Việt Nam đứng vị trí thứ 3 thế giới về XK gạo (sau Thái Lan và Ấn Độ), trong đó 90% gạo XK từ Đồng bằng sông Cửu Long. Gạo Việt đã XK sang trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu như năm 2006, lượng gạo XK của Việt Nam chỉ đạt gần 4,69 triệu tấn, trị giá 1,195 tỷ USD thì đến năm 2012, XK gạo của Việt Nam đạt đỉnh cao 8,01 triệu tấn, trị giá 3,67 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 2013-2015, do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới, lượng gạo XK của Việt Nam giảm xuống còn 6,4-6,6 triệu tấn với trị giá 2,8-2,9 tỷ USD. Năm 2016 chứng kiến sự khó khăn khi XK gạo giảm kỷ lục trong 10 năm qua. Theo đó, XK gạo năm 2016 chỉ đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015. Thị trường XK chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc đã giảm khá nhiều.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khó khăn, thách thức của ngành gạo đến từ việc điều chỉnh chính sách của các nước XK gạo, việc thực hiện chương trình thế chấp gạo và giải phóng tồn kho của gạo Thái Lan, nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, XK gạo của Campuchia, Myanmar, Pakistan đã làm gia tăng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều quốc gia trong đó có các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia đã thay đổi chính sách sản xuất, NK gạo, tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng đến tự chủ về lương thực… đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường gạo.

Không chỉ dừng ở đó, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, đa phần sản phẩm gạo Việt là sự thiếu đồng đều về chất lượng và phân loại theo tỷ lệ tấm. Gạo Việt Nam chỉ có lợi thế trên phân khúc thị trường gạo trắng, hạt dài, nên khả năng tiếp cận và cạnh tranh ở các thị trường khó tính hoàn toàn không đơn giản. Đặc biệt, gạo Việt đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với gạo thơm của Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… “Sự chủ động xây dựng các kênh phân phối, tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế theo các kênh hàng riêng của DN, công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng và giá trị sử dụng của gạo Việt trên thị trường thế giới còn hạn chế, vì vậy hình ảnh gạo Việt đối với các nhà NK, phân phối, người tiêu dùng các nước NK còn mờ nhạt”, vị này nói thêm.

Định dạng lại

Có thể thấy, sự khó khăn của XK gạo không phải năm nay mới xuất hiện mà đã xảy ra từ mấy năm trước đó khi các nước gia tăng sản xuất, giảm NK. Theo dự báo, năm 2017, thương mại gạo được dự báo sẽ tăng lên do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Ấn Độ dự kiến sẽ là nước XK gạo lớn nhất thế giới, XK của Thái Lan sẽ hồi phục. XK gạo của Việt Nam cũng được dự báo tăng nhưng ít có khả năng đạt được mức như những năm trước.

Dù vậy, trong bối cảnh nguồn cung tăng cao thì việc XK gạo khó khăn có lẽ sẽ còn kéo dài. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường XK, bất chấp giá cả, chất lượng… như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho XK. Cụ thể, định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, nước ta chỉ nên XK ở mức 2-3 triệu tấn/năm thay vì 7-8 triệu tấn/năm như hiện nay.

Đây cũng là chủ trương của Bộ Công Thương trong chiến lược phát triển thị trường, phân khúc mặt hàng. Cụ thể, việc sản xuất gạo sẽ tập trung phát triển các nhóm sản phẩm theo phân khúc thị trường: Tăng tỷ trọng gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng gạo trên 15% tấm, tăng tỷ trọng các loại gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ; đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo, trong đó có gạo dinh dưỡng, bột gạo sẽ được tiêu thụ nhiều tại các thị trường cao cấp như châu Âu, Bắc Mỹ… Về thị trường XK, tăng dần tỷ trọng tại các thị trường có giá trị gia tăng cao như Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Mỹ, EU…, giảm tỷ trọng các thị trường có giá trị gia tăng và lợi nhuận XK thấp tại châu Phi và châu Á. Tỷ lệ gạo XK trực tiếp vào các thị trường và mang thương hiệu Việt Nam đạt 20% vào năm 2020 và đạt 50% vào năm 2030.

Việc giảm số lượng XK này sẽ gắn liền với việc gia tăng về chất lượng, tập trung vào những loại gạo chất lượng và sâu xa hơn cũng là cách để Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo. Kinh nghiệm của Thái Lan và Ấn Độ trong việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã giúp định vị sản phẩm của họ trên thị trường quốc tế thể hiện được ưu thế về chất lượng, uy tín và những giá trị về sản xuất, văn hóa của các quốc gia đó. Do đó, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam là cần thiết, thể hiện trên nhiều khía cạnh đặc biệt là định vị chất lượng, sự cam kết về những giá trị của quốc gia được thể hiện trên sản phẩm, sức cạnh tranh và bảo vệ sở hữu trí tuệ trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập.

Theo ông Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, để xây dựng được thương hiệu gạo, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là khâu chọn giống lúa. Muốn chuyển sang phân khúc thị trường giá trị cao cần có các giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao theo thị hiếu từng thị trường (hạt dài hoặc hạt tròn) vì giống lúa ngon sẽ quyết định đến giá trị hạt gạo.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/gao-viet-ap-u-giac-mo-thuong-hieu.aspx