Gạo dự trữ đã kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển

Chia sẻ về Chương trình hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho ngư dân, diêm dân tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nhấn mạnh: Chương trình đã được triển khai rất kịp thời, có ý nghĩa quan trọng góp phần cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước và là hành động thiết thực, chung tay chia sẻ khó khăn với người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cá chết bất thường.

PV: Để hỗ trợ lương thực cho nhân dân, ngư dân các địa phương gặp khó khăn do cá chết bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính khẩn trương xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ cho các địa phương, nhiệm vụ này đã được Bộ Tài chính thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí: Trong tháng 4/2016, các tỉnh ven biển miền Trung đã xảy ra hiện tượng hải sản chết bất thường, gây tổn thất cho người dân địa phương, đặc biệt tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Để kịp thời hỗ trợ ngư dân, diêm dân các địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính xuất cấp gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ cho các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đề nghị hỗ trợ gạo của UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) xuất cấp 19.000 tấn gạo cho 4 địa phương.

Đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực, cán bộ, phương tiện vận chuyển và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị được UBND các địa phương giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo hỗ trợ để kịp thời giao gạo cho các địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng, đúng đối tượng, mục đích và thời gian theo kế hoạch tiếp nhận, phân bổ của UBND các tỉnh.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Tổng cục DTNN đã điều động hàng trăm cán bộ khắc phục mọi khó khăn để đưa gạo kịp thời đến với người dân của 4 tỉnh miền Trung. Cán bộ của Tổng cục DTNN khi được giao thực hiện nhiệm vụ đều đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp sức sẻ chia những nỗi vất vả bà con ngư dân đã và đang phải trải qua.

Đến nay, số lượng gạo các địa phương thực tế tiếp nhận là 19.335,374 tấn gạo, trong đó: Tỉnh Hà Tĩnh nhận trên 5.600 tấn gạo, tỉnh Quảng Bình nhận trên 7.126 tấn gạo, tỉnh Quảng Trị nhận trên 2.914 tấn gạo và tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận trên 3.587 tấn gạo.

Thứ trưởng có thể đưa ra một vài nhận xét và đánh giá về công tác quan trọng này?

Sự cố môi trường biển xảy ra lần đầu tiên tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân các địa phương, đặc biệt là ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung chủ yếu sống dựa vào việc đánh bắt hải sản, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế như nuôi trồng, đánh bắt hải sản, nghề muối, dịch vụ nghề cá, kinh doanh dịch vụ du lịch; về môi trường; về xã hội; về an ninh chính trị... trên địa bàn các 4 tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Việc xuất cấp kịp thời gạo và hàng DTQG cho ngư dân đã góp phần quan trọng đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, giữ vững an sinh và trật tự, an toàn xã hội.

Là người trực tiếp chỉ đạo và luôn dành sự quan tâm đến ngành DTNN, xin Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể quy định hỗ trợ gạo DTQG cho nhân dân khi thiên tai, hạn hán lũ lụt xảy ra?

Việc sử dụng nguồn lực DTQG nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh vừa là mục tiêu hoạt động vừa là nhiệm vụ của ngànhDTNN.

Khi có thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh xảy ra làm cho đời sống nhân dân một số vùng gặp khó khăn, đói kém, căn cứ đề nghị của Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) thẩm định, cùng với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong trường hợp địa phương cần hỗ trợ thuốc phòng trừ dịch bệnh, giống cây trồng...) để trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Cụ thể là trước mắt, hỗ trợ 15kg gạo/người trong thời gian 1 tháng để giúp nhân dân vượt qua khó khăn.

Trường hợp, sau khi sử dụng hết số gạo hỗ trợ, địa phương vẫn còn khó khăn, UBND các tỉnh báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ gạo cho nhân dân trong thời gian không vượt quá 3 tháng.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý hàng DTQG triển khai xuất cấp theo kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của địa phương.

Việc tiếp nhận, quản lý, phân phối và sử dụng gạo DTQG tại các địa phương trong thời gian qua đã được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo tính chính xác, khách quan; có sự tham gia giám sát của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư địa phương trong việc quản lý sử dụng gạo theo quy định; gạo DTQG xuất cấp để hỗ trợ nhân dân, được quản lý chặt chẽ, có đầy đủ hồ sơ liên quan đến cấp phát gạo; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả theo quy định.

Qua đánh giá của các địa phương, chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống của nhân dân và đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân tại địa phương, đặc biệt là những địa phương còn khó khăn về ngân sách.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/gao-du-tru-da-kip-thoi-den-voi-nguoi-dan-bi-anh-huong-su-co-moi-truong-bien-103484.html