Gạo Điện Biên: Đặc sản vùng Tây Bắc

Tám thơm Điện Biên có đặc điểm rất riêng, không giống với bất kỳ loại gạo nào khác với hạt thon nhỏ, đều tăm tắp màu trắng đục, vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm.

"Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc" đã xếp Mường Thanh là cánh đồng lớn nhất xứ Tây Bắc. Giữa bốn bề núi non trùng điệp, cánh đồng bát ngát nằm dưới thung sâu, vùng cánh đồng Mường Thanh gồm 10 xã còn gọi là vùng lòng chảo huyện Điện Biên, được bao bọc bởi hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ chạy song song theo hướng bắc - nam; có tọa độ địa lý khoảng 21005’ đến 21040’ vĩ độ Bắc và 102048’ đến 103016’ kinh độ Đông; độ cao trung bình 450m - 550m so với mặt biển, nghiêng dần từ Bắc xuống Nam và thấp dần từ hai bên chân núi xuống đôi bờ sông Nậm Rốm. Cánh đồng lúa Mường Thanh được thiên nhiên ưu đãi, bằng phẳng và phì nhiêu nhất vùng Tây Bắc với nhiều loại gạo chất lượng cao.

Ảnh minh họa

Nhờ cánh đồng lúa này mà những năm trở lại đây nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định hơn. Hiện nay, cánh đồng Mường Thanh có trên 95% diện tích được gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha. Mỗi năm vùng lòng chảo Mường Thanh sản xuất hàng chục nghìn tấn gạo hàng hóa, trong đó chủ yếu là gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người biết đến với tên gọi gạo Điện Biên.

Khác với hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau" của nhiều năm về trước, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Mường Thanh đã được cơ giới hóa với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại. Đặc biệt việc sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch đã giảm khoảng 50% chi phí so với việc thuê nhân công, vừa giảm lượng lúa thất thu. Cũng nhờ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mà việc thu hoạch nhanh gọn, giúp bà con nông dân đảm bảo khung lịch thời vụ kế tiếp.

Gạo tám Điện Biên - đặc sản nổi tiếng tới mức không riêng người dân Việt Nam mà rất nhiều du khách nước ngoài, bạn bè quốc tế năm châu đều biết tới. Tám thơm Điện Biên có đặc điểm rất riêng, không giống với bất kỳ loại gạo nào khác với hạt thon nhỏ, đều tăm tắp màu trắng đục, vị đậm, dẻo, thoang thoảng mùi thơm. Thương hiệu "gạo tám Điện Biên" mới chỉ xuất hiện trên thị trường cách đây gần 20 năm, là kết hợp của nhiều giống lúa thơm như Bắc Hương, Nghi Hương, IR64. Có năng suất, chất lượng cao, giá trị kinh tế vượt hơn so với những giống lúa khác nên các giống lúa thơm thường chiếm 50 – 60% cơ cấu giống ở cánh đồng Mường Thanh. Một thứ gạo nữa của Điện Biên cũng nổi tiếng không kém tám thơm là giống nếp nương. Nếp nương Điện Biên nổi tiếng với hạt to, dài, xôi thơm dẻo và là món quà không thể thiếu của mỗi du khách đến với Điện Biên nhất là dịp khi năm hết tết đến.

Thung lũng Mường Thanh bao quanh bốn bề là núi non và khu vực lại có nhiệt độ trung bình ổn định từ 22 – 23 độ C, biên độ ngày và đêm trung bình cao, chế độ mưa không nhiều, chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9, độ ẩm tương đối cao. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, với thổ nhưỡng đặc biệt như vậy là điều kiện lý tưởng cho quá trình tích lũy mùi thơm và độ dẻo của hạt gạo. Có lẽ vì vậy mà gạo Điện Biên thơm ngon, có lợi thế hơn so với gạo của các tỉnh, thành khác, bởi cùng giống lúa đó nhưng gieo tại lòng chảo Điện Biên lại có chất lượng, hương vị thơm ngon đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để gạo Điện Biên thực sự là một trong những mặt hàng kinh tế chủ lực, tiêu biểu của nền nông nghiệp tỉnh Điện Biên, thương hiệu "Gạo Điện Biên" đã được xây dựng chỉ dẫn địa lý, được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu. Ngày 25/9/2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đã góp phần tạo nên thương hiệu bền vững, khẳng định chất lượng, danh tiếng và vị thế của gạo Điện Biên trên thị trường.

Theo Thanh Tuyền (XTTMNNHN)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/gao-dien-bien-dac-san-vung-tay-bac-697209.html