Gánh nặng trưởng thôn

Truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, thiêng liêng hai tiếng đồng bào của dân tộc ta đã có từ ngàn đời. Bão lũ ở khúc ruột miền Trung thì cứ đến hẹn lại lên, và cả nước lại cùng nhau hướng về miền Trung ruột thịt.

Trước đây, mọi sự quyên góp thường chỉ tập trung về các đầu mối “chính thống” được quy định trong NĐ 64/2008 như MTTQ, Hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương các cấp… Nay khi mạng xã hội và việc sử dụng tài khoản cá nhân trở nên phổ biến, đã xuất hiện thêm ngày càng nhiều các cá nhân và nhóm thiện nguyện tự phát. Họ tự đứng ra quyên góp, tự đến tận nơi để cứu trợ, để trao quà tận tay cho đồng bào vùng lũ lụt bị thiệt hại. Những nghĩa cử trong sáng, vô vụ lợi ấy thật đáng trân trọng, thật đáng biểu dương và nhân rộng trong xã hội.

Chỉ có điều, một bất cập khác lại nảy sinh. Đó là do thiếu vắng một vai trò điều phối chung, nên hoạt động cứu trợ đã diễn ra không đồng đều, và có thể xảy ra ở mọi cấp độ. Trong một thôn, một xã có gia đình nhận được rất nhiều song lại có gia đình nhận được rất ít thậm chí không được nhận tiền, quà cứu trợ.

Tình trạng này cũng lặp lại ở những khu vực địa lý rộng hơn, trong một xã, một huyện có thôn nhiều, thôn ít. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong thường trú tại Quảng Bình, trong đợt lũ lụt vừa qua có địa phương mỗi hộ gia đình nhận đến 30 thùng mì ăn liền, chưa kể các nhu yếu phẩm khác và tiền mặt. Trong lúc đó, không ít địa phương cũng bị thiệt hại trong lũ lụt nhưng rất ít hoặc không có đoàn nào về cứu trợ.

Và không ai khác, vai trò điều tiết lúc này dồn lên vai vị trưởng thôn - nhân vật sâu sát và hiểu rõ nhất gia cảnh cũng như mức độ thiệt hại của mỗi nhà. Một sự tự phân phối lại trong cộng đồng từ những đợt quà cứu trợ cấp tập, song thiếu vắng vai trò điều phối tổng thể, là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

“Trăm dâu đổ đầu tằm”, ông trưởng thôn không thể tự tạo ra luật để bắt dân tuân theo, do đó có nơi dân đồng ý, có nơi dân phản ứng, không đồng tình. “Khoảng trống” của luật pháp liên quan tới công việc cứu trợ đang đè nặng trên vai ông trưởng thôn vùng lũ ?

Công cụ pháp lý là NĐ 64 xem ra khó giải quyết được những bất cập nêu trên. Chính vì vậy, đã đến lúc cần phải có những quy định mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Việt Hùng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/ganh-nang-truong-thon-1067111.tpo