Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ngày càng diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Giang đang đôn đốc các huyện lập kế hoạch giải tỏa dứt điểm trong năm 2016.

Một điểm sạt lở đê tại huyện Hiệp Hòa

Trong đó, có cả giải pháp gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương.

Tại huyện Hiệp Hòa, với đặc thù tuyến đê tả Cầu qua địa bàn huyện tương đối dài và có nhiều làng cổ, dân cư sinh sống lâu đời ven đê, việc vi phạm Luật Đê điều tái diễn liên tục. Hàng loạt các quán nước, các lối mòn được mở trên chân đê, dù bị xử lý nhưng chỉ vài hôm lại đâu đóng đấy.

Trước tình trạng như vậy, Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Bắc Giang) phối hợp với UBND huyện chọn xã Mai Đình làm điểm về xử lý vi phạm Luật Đê điều. Ngay trong ngày ra quân, huyện phối hợp với lực lượng chức năng cùng đoàn công tác huy động phương tiện, máy móc cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp cố tình không chấp hành.

Còn tại Việt Yên, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo xử lý vi phạm Luật Đê điều do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đôn đốc, hướng dẫn các xã ven đê lập phương án bài bản, đúng trình tự pháp luật, không gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể như: Thông báo kế hoạch giải tỏa; các đoàn thể ở xã tổ chức đến từng hộ vi phạm tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về Luật Đê điều, từ đó có ý thức tự giác tháo dỡ công trình; kiểm tra công tác tự tháo dỡ; áp dụng biện pháp cưỡng chế với các trường hợp cố tình vi phạm.

Do đó, toàn huyện xử lý được 21/21 trường hợp, hoàn thành kế hoạch. Ngoài ra huyện còn xử lý hơn 100 trường hợp phát sinh vi phạm mới.

Đi đôi với biện pháp trên, theo đại diện Chi cục Thủy lợi, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, nhất là các hộ sinh sống ven đê. Ngăn chặn ngay từ đầu, giải quyết kịp thời vi phạm mới phát sinh.

Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Thủy lợi Bắc Giang, cho biết, Chi cục đã tham mưu với lãnh đạo Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh kế hoạch xử lý vi phạm.

Theo đó, ngoài các biện pháp vận động, tuyên truyền và xử lý hành chính, người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm khi vi phạm Luật Đê điều tái diễn cũng như phát sinh mới.

“Ngay khi nhận được kiến nghị của cơ quan chuyên môn về vi phạm đê điều, chính quyền địa phương cần quan tâm và xử lý ngay từ ban đầu. Ngoài ra, về lâu dài, quan tâm bố trí kinh phí đầu tư làm đường gom dân sinh dọc một số tuyến đê, tạo mốc ranh giới để người dân không lấn chiếm được”, ông Chung nói.

Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để vật liệu xây dựng trên đê với khối lượng dưới 1m3; phạt tiền từ 1-3 triệu đồng khi để vật liệu xây dựng trên đê với khối lượng từ 1 m3 trở lên hoặc để vật liệu ở lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy và thoát lũ với khối lượng dưới 10 m3. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng khi để vật liệu ở lòng sông, bãi sông gây cản trở dòng chảy và thoát lũ với khối lượng từ 10 m3 trở lên.

(Nguồn: Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ)

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/gan-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-post178567.html