Gắn kết đồng bộ mới phát triển bền vững

Nhằm đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển, từng bước hiện đại hóa khu vực nông thôn, Hà Nội tiếp tục có nhiều quy hoạch mới ở ngoại thành. Chỉ trong mấy tháng trở lại đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành hàng loạt quyết định liên quan đến quy hoạch tại các huyện.

Quyết định số 6524/QĐ-UBND, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Trung tâm thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính thị trấn Thường Tín và các xã Văn Bình, Văn Phú. Quyết định nêu rõ, tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 57,3ha; quy mô dân số khoảng 3.200 người. Đây là trung tâm về chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện Thường Tín.

Quyết định số 6438/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Tây Nam xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, gồm các xã Tân Lập, Tân Hội, huyện Đan Phượng và các xã Đức Thượng, Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Quy hoạch có quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 769.845 m2 (77ha), dân số khoảng 10.994 người. Quy hoạch nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu ở của người dân hai huyện, khai thác thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; tạo lập không gian đô thị mới hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với khu đô thị chung quanh.

Quyết định số 6365/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn khu 5 (khu vực hồ Đồng Quan và phụ cận, tỷ lệ 1/2000) thuộc địa giới hành chính các xã: Quang Tiến, Phù Linh, Mai Đình, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, quy mô nghiên cứu khoảng 1.340 ha; quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 59.900 người.

Quyết định số 6187/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị GN (A), tỷ lệ 1/5000 thuộc địa giới hành chính huyện Đông Anh, diện tích đất quy hoạch phân khu đô thị GN (A) khoảng 614,19 ha; quy mô dân số khoảng 30.000 người. Đây là trung tâm văn hóa kết nối trục không gian văn hóa Cổ Loa-Hồ Tây, bảo tồn, cải tạo và nâng cấp các làng mạc hiện hữu, bảo đảm đặc trưng không gian xanh; bảo tồn các di sản và giá trị văn hóa truyền thống; là vùng không gian sinh thái chuyển tiếp giữa khu vực nội đô và vùng phát triển đô thị; Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế; trưng bày hàng hóa, giao lưu ký kết hợp đồng thương mại, tổ chức hội nghị, xúc tiến thương mại đầu tư, quảng bá du lịch và các hoạt động dịch vụ khác...

Mặc dù trong các quyết định đều nêu rõ nhiệm vụ khớp nối các dự án, đề xuất giải pháp quy hoạch sử dụng đất; tạo lập không gian đô thị hiện đại, đồng bộ về giao thông, công trình hạ tầng; cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu kết hợp xây mới theo quy hoạch hài hòa với các khu vực lân cận, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ…, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, rất cần thực hiện giám sát nghiêm quy hoạch. Quy hoạch đi trước một bước sẽ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình phát triển nhưng nếu thực hiện chệch hướng sẽ xuất hiện lợi ích nhóm, là tiền đề cho tình trạng đầu tư tự phát, phong trào dẫn đến khủng hoảng phát triển đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Nghiêm trọng hơn, còn ảnh hưởng tới cấu trúc phát triển đô thị, làm phai nhạt dần giá trị truyền thống văn hóa làng xã. Do đó, cùng với việc gắn kết quy hoạch với các lĩnh vực, các ngành sản xuất để bảo đảm đô thị phát triển hài hòa, bền vững, vì mục tiêu phục vụ con người, thì trọng tâm là phải giải quyết tốt các vấn đề dân sinh thiết yếu. Bên cạnh việc tìm hướng để hiện đại hóa cho sản xuất và cơ sở hạ tầng, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là xác lập và thực hiện quy hoạch kiến trúc không gian nông thôn ngoại thành phù hợp với quá trình đô thị hóa, hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/quy-hoach-dau-tu/item/31431302-gan-ket-dong-bo-moi-phat-trien-ben-vung.html