Gần 26 nghìn trẻ em di cư không có người lớn đi cùng đến Italia trong năm 2016

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa cho biết, khoảng 25.800 trẻ em di cư không có người lớn đi kèm đã tới Italia trong năm ngoái, gấp hơn hai lần con số thống kê của năm 2015.

Con số này chiếm hơn 90% trong tổng số 28.200 trẻ em di cư đến quốc gia Nam Âu này bằng đường biển vào năm 2016, hầu hết đến từ các quốc gia ở châu Phi như Eritrea, Ai Cập, Gambia và Nigeria.

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ Italia, khoảng 12.360 trẻ em di cư không có người lớn đi cùng đã được đăng ký tị nạn tại nước này trong năm 2015, giảm so với con số 13.026 trẻ được ghi nhận một năm trước đó.

Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của UNICEF, ông Lucio Melandri cảnh báo, các con số này cho thấy một sự gia tăng đáng báo động trong dòng trẻ em di cư vốn rất dễ bị tổn thương đã mạo hiểm mạng sống của mình để tìm đường đến châu Âu.

UNICEF cũng kêu gọi các chính phủ châu Âu hỗ trợ nhiều hơn cho những trẻ em này, đặc biệt là trẻ em gái, đối tượng có nguy cơ cao bị bóc lột và lạm dụng tình dục bởi các mạng lưới tội phạm.

Mô tả số lượng lớn trẻ em không có người người lớn đi kèm đã vượt Địa Trung Hải từ bờ biển Bắc Phi đến Italia là cao "chưa từng có", cơ quan Liên hợp quốc này cũng đưa ra một con số so sánh khi chỉ có 17% trẻ em tị nạn và di cư là không có người lớn đi cùng đã đến nước láng giềng Hy Lạp bằng đường biển trong năm 2016.

"Bên cạnh việc giải quyết những yếu tố khiến trẻ em phải rời bỏ nhà cửa và di cư một mình, cần xây dựng một hệ thống giám sát và hỗ trợ toàn diện để bảo vệ các em", ông Melandri nói.

UNICEF cũng kêu gọi các biện pháp thay thế cho việc tạm giữ nên được áp dụng cho trẻ em tị nạn và di cư, đồng thời cho phép các em được tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế và các dịch vụ cơ bản khác.

Số liệu mới nhất cũng cho thấy Italia vẫn đứng trong “tâm bão” của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu trong năm 2016. Theo Bộ Nội vụ nước này, hơn 180 nghìn người nhập cư và người tị nạn, hầu hết là từ châu Phi, đã tới quốc gia này bằng đường biển hồi năm ngoái, mức cao kỷ lục so với 153.600 người vào năm 2015 và 169.300 trong năm 2014.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế, năm ngoái cũng là năm đỉnh điểm của số lượng người nhập cư tử vong ở Địa Trung Hải, với gần 5 nghìn trường hợp.

Mới đây nhất, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ngày 14-1 cho biết, ít nhất tám người di cư đã thiệt mạng khi chiếc thuyền chở họ bị lật ngoài khơi bờ biển Libya cùng ngày. Chiếc thuyền nói trên chở tổng cộng hơn 100 người di cư khi bị chìm.

Chỉ có bốn người được được cứu sống và số người tử vong có thể còn cao hơn rất nhiều bởi hoạt động tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành trong tình trạng thời tiết xấu.

Một ngày trước đó, khoảng 750 người di cư cũng đã được cứu sống trên Địa Trung Hải nhưng năm người di cư khác được phát hiện đã tử vong.

Các nước châu Âu đã tìm cách giảm bớt làn sóng người nhập cư vào Hy Lạp thông qua một thỏa thuận đạt được trong năm ngoái với Thổ Nhĩ Kỳ để giữ lại những người tị nạn Syria tại đây. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để làm điều tương tự với Italia do sự hợp tác thiếu hiệu quả từ chính quyền ở Libya.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/31842102-gan-26-nghin-tre-em-di-cu-khong-co-nguoi-lon-di-cung-den-italia-trong-nam-2016.html