Gần 11 triệu sim rác vừa bị khóa

Để giải quyết tận gốc nạn sim rác, tin nhắn rác tồn tại nhiều năm qua, Bộ TT-TT đã triển khai hàng loạt biện pháp “mạnh tay” với sim trả trước kích hoạt sẵn. Chiến dịch xóa sổ sim rác sẽ không dừng lại ở con số 12,2 triệu sim mà còn tiếp tục được mở rộng.

Việc xử lý sim rác, tin nhắn rác sẽ được làm thường xuyên, liên tục

Nạn sim rác, tin nhắn rác đã tồn tại từ nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) chia sẻ: “Hệ lụy rõ nhất là tin nhắn rác làm phiền, quấy rối, lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân. Nó ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội khi mà có những tổ chức cá nhân cố tình dùng sim rác để gửi những tin nhắn bôi nhọ, nói xấu hay quấy rối, thậm chí xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác… gây mất trật tự xã hội”.

Chính vì những hệ lụy như vậy nên việc giải quyết triệt để vấn nạn sim rác là yêu cầu bắt buộc. Thực tế, Bộ TT-TT đã đặt ra vấn đề quản lý và ngăn chặn tác hại của sim rác từ nhiều năm trước với những đợt thanh tra, kiểm tra trên diện rộng về vấn đề quản lý thông tin thuê bao trên toàn quốc.

Vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã triệu tập lãnh đạo 5 doanh nghiệp lớn kinh doanh mạng di động, quán triệt việc thực hiện việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, 5 nhà mạng đã ký cam kết với Bộ TT-TT là thực hiện chiến dịch thu hồi những sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối như hiện nay. Ở đợt giám sát này, công tác ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác đã được thực hiện rất hiệu quả. “Chỉ trong một thời gian ngắn, lượng sim rác bị thu hồi lên tới 10,7 triệu sim. Đây thực sự là kết quả trước nay chưa từng có” – ông Nguyễn Đức Trung nói.

Trước khi bắt tay vào chiến dịch xóa sổ sim rác, theo số liệu thống kê được của các doanh nghiệp viễn thông, có khoảng 12,2 triệu sim thuê bao có dấu hiệu kích hoạt sẵn tồn đọng trên các kênh phân phối. Theo đánh giá của cơ quan quản lý, con số 10,7 triệu số điện thoại di động vừa bị khóa là thành công bước đầu của hoạt động thu hồi, tiến tới xóa sổ sim rác. Tuy nhiên, để không tái diễn tình trạng sim rác, tin nhắn rác, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc quản lý thông tin thuê bao đi vào nề nếp phải diễn ra trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tập trung vào sim trên kênh phân phối với các tiêu chí xác định chủ yếu gắn trên kênh phân phối.

Về giải pháp lâu dài, Bộ TT-TT sẽ đưa ra những quy định để người sử dụng có thể đăng ký lại dễ dàng thông tin thuê bao của mình. Điều đó thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi Nghị định 25/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Viễn thông đang được Bộ TT-TT soạn thảo để trình Chính phủ ban hành. Tại dự thảo này, có những biện pháp rất cụ thể như tăng cường thêm điểm đăng ký thông tin thuê bao, sẽ có những điểm lưu động để người dân dễ dàng đăng ký lại thông tin của mình. Thậm chí, tại dự thảo, Bộ đã đưa ra quy định theo hướng làm sao để người dân ít bị tác động nhất, khai báo đơn giản nhất...

Nói về giải pháp giải quyết triệt để nạn sim rác, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT-TT Đỗ Hữu Trí chia sẻ: “Kết quả bước đầu của chiến dịch thu hồi, xóa sổ sim rác đã thấy rõ. Công tác rà soát, xử lý sim rác vẫn tiếp tục. Chúng tôi sẽ còn làm nhiều lần và thường xuyên hơn nữa. Ban đầu, sẽ có một lượng lớn thuê bao không chính chủ trên thị trường tồn tại nhưng số này sẽ giảm dần cho đến khi đạt mức tối ưu. Để đảm bảo công tác này hiệu quả, triệt để thì cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/gan-11-trieu-sim-rac-vua-bi-khoa/709906.antd