Gần 1 triệu dân tỉnh Bến Tre, Tiền Giang thiếu nước ngọt trầm trọng

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn chưa từng có đã khiến cho 2 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang bị ảnh hưởng nặng nề làm gần 1 triệu dân thiếu nước sinh hoạt.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 22/2, ông Cao Văn Trọng - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết tỉnh vừa kêu gọi mọi người dân tỉnh Bến Tre chia sẻ khó khăn cùng cơ quan chức năng trong việc thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Riêng đối với một số cơ quan, đơn vị như các bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn từ 2 sao trở lên phục vụ khách du lịch, tỉnh sẽ ưu tiên cấp nước ngọt để duy trì hoạt động.

Do thiếu nước ngọt nên người dân Bến Tre phải tích trữ nước ngọt trên ruộng để tưới rau. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho rằng, hệ thống máy móc thiết bị của bệnh viện bắt buộc phải sử dụng nước ngọt. Mỗi tháng bệnh viện cần khoảng 26.000m³ nước sạch sinh hoạt phục vụ cho các khoa phòng trong điều kiện xài tiết kiệm nhất.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Giao Long, An Hiệp cũng lo sợ thiếu nước ngọt để hoạt động.

Theo ông Trọng, độ mặn 4 phần ngàn trên các sông chính đã xâm nhập sâu, cách cửa sông từ 45-60km, còn độ mặn 1 phần ngàn đã xâm nhập sâu đến 75km cách cửa sông.

Như vậy, cho đến lúc này ranh mặn bao trùm hầu hết đất đai toàn tỉnh Bến Tre.

Cụ thể, độ mặn đo được trên sông Cửa Đại tại trạm Giao Hòa là 8,9‰, tại trạm Mỹ Hóa trên sông Hàm Luông 10,6‰…

"Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất. Nhưng theo tôi biết, từ trước đến giờ chưa năm nào mặn khốc liệt như năm nay", ông Trọng nhận định.

Theo báo Nông Nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diễm Phương, TGĐ Cty CP Cấp nước Bến Tre cũng cho biết, chưa năm nào Bến Tre lại khan hiếm nước ngọt như mùa xâm nhập mặn năm 2016 này. Toàn thành phố có hơn 60.000 hộ dân sử dụng nước với nhu cầu 45.000 m3/ngày/đêm.

Nguồn video: Tri Thức Trực Tuyến

Tuy nhiên, từ đầu tháng 1 đến nay nguồn nước mặt trên các sông chính đã bị nhiễm mặn nên cư dân thành phố phải chấp nhận sử dụng nguồn nước nhiễm mặn từ 1‰ trở lên.

Trong khi đó, ở tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh này đã đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh 81,305 tỷ đồng để phục vụ phòng chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2016...

Trước tình hình hạn, mặn lịch sử tại miền Tây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng như vốn ODA. Trước mắt, Bộ tài chính và Bộ Nông nghiệp khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ kinh phí chống hạn của các địa phương, tin tức trên báo Tri Thức Trực Tuyến.

Song song đó, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng phù hợp thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.

Đức An (Tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/gan-1-trieu-dan-tinh-ben-tre-tien-giang-thieu-nuoc-ngot-a133800.html