'Gái đẹp' Sabeco trong tầm mắt đại gia nước ngoài

Phần vốn Nhà nước 89,6% tại đây đang được một loạt nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến...

Sabeco, hãng bia lớn nhất nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ thúc giục doanh nghiệp này bán vốn, niêm yết trên sàn chứng khoán.

Không khác gì một “cô gái đẹp” khiến anh tài các nơi để mắt, sức hút của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thể hiện rõ nhất ở chính cổ phiếu của nó.

Theo nguồn tin của VnEconomy, đã có những tổ chức, cổ đông cho người vào công ty “gom” cổ phiếu trước khi lên sàn HOSE. Cuộc đua nắm quyền sở hữu tại hãng bia lớn nhất của Việt Nam đang khá khốc liệt với nhiều tên tuổi lớn.

Phần vốn Nhà nước 89,6% tại đây đang được một loạt nhà đầu tư nước ngoài để mắt đến. Cụ thể như Asahi Group Holdings và Kirin Holdings (Nhật Bản), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), SAB Miller (Mỹ), Heineken (Hà Lan).

Cũng có một tên tuổi đến từ Thái Lan là Boon Rawd Brewery. Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev) đã từng định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Sabeco.

Ở trong nước, từng có hàng loạt “ông lớn” hỏi mua Sabeco như SSI, Masan… Tuy nhiên, việc chậm chạp bán vốn của Sabeco khiến không ít nhà đầu tư trong nước nản lòng. Nhiều cái tên đã rút lui…

Về việc bán vốn cho đối tác nước ngoài, một lãnh đạo Sabeco phân tích khá kỹ về các khả năng xảy ra. Cụ thể, tổ chức nước ngoài ở đây có thể chia làm hai dạng: một là các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán đầu tư để kiếm lời, hai là các hãng bia lớn trên thế giới muốn thâu tóm.

Theo vị này, nếu đó là các quỹ đầu tư, thì thường họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không tham gia điều hành, cuối năm cứ nhận đủ cổ tức, giá lên cao thì bán kiếm lời.

Tuy nhiên, trong trường hợp Sabeco được bán cho các hãng bia nước ngoài, thì điều nhà đầu tư cần nhất có lẽ là chiếm lĩnh hệ thống phân phối để dần dần đưa bia của họ vào. Hệ thống phân phối của Sabeco hiện đã vươn đến 64 tỉnh thành cả nước, nếu tính điểm bán lẻ thì ngang ngửa Vinamilk.

Đồng thời, “nếu mua được Sabeco, họ sẽ sở hữu luôn hệ thống 24 nhà máy hiện đại trên khắp cả nước, bình quân một nhà máy bia xây trong vòng 12-14 tháng, chi phí khoảng 600 tỷ đồng/nhà máy công suất 50 triệu lít. Bên cạnh đó, dây chuyển sản xuất bia hoàn toàn cũng có thể sản xuất được các loại mặt hàng khác như nước ngọt, nước tinh khiết… giúp các hãng đa dạng hóa sản phẩm mà không tốn đồng nào", vị này phân tích.

Sabeco có doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 14.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.971 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 18.130 tỷ đồng.

Ngoài giá trị thương hiệu, sản lượng tiêu thụ số 1 tại Việt Nam, hãng bia này còn nắm quyền quản lý nhiều bất động sản giá trị lớn, nằm ở những vị trí đắc địa tại Tp.HCM: 4.000 m2 tại số 46 Vân Đồn, lô đất hơn 17.000 m2 và 7.700 m2 tại số 187 - 474 Nguyễn Chí Thanh (quận 10), hơn 2.200 m2 tại Phan Huy Ích…

Bạch Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/doanh-nhan/gai-dep-sabeco-trong-tam-mat-dai-gia-nuoc-ngoai-20161004033822790.htm