Gạch không nung và lộ trình xóa bỏ gạch thủ công tại Việt Nam

Gạch không nung với những ưu điểm nổi trội như: độ bền cao, cách âm tốt, có khả năng chống cháy, tiết kiệm chi phí, đặc biệt thân thiện với môi trường, được coi là vật liệu thay thế các loại gạch xây dựng truyền thống trong tương lai. Và gạch không nung có phù hợp với những công trình xây dựng tại Việt Nam? Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) để tìm hiểu kỹ hơn về loại vật liệu này.

+ Ông có thể cho biết ưu và nhược điểm của gạch không nung so với gạch truyền thống (gạch đỏ)?

– Ông Phạm Văn Bắc: Gạch không nung hiện nay gồm có 3 loại chính, gồm: gạch bê tông (hay còn gọi là xi măng cốt liệu), chiếm khoảng 75% tổng lượng gạch không nung; gạch bê tông khí chưng áp, chiếm 15%; gạch bê tông bọt (gạch nhẹ), chiếm 5%; gạch khác (đá ong, đất hóa đá,…) chiếm 5%. Ngoài ra còn có vật liệu nhẹ; gạch bê tông và tấm tường thạch cao…

Gạch đỏ phải dùng các vật liệu, khoáng sản không tái tạo (đất sét); sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nung bằng các loại lò thủ công hoặc lò tuynel và đều thải ra môi trường khí CO 2 gây hiệu ứng nhà kính. Quá trình sản xuất, người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, cực nhọc. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu cho gạch đỏ ngày đang dần bị cạn kiệt do lượng phù sa bồi đắp ở các bãi ven sông không còn, dẫn đến thiếu hụt về nguồn nguyên liệu sản xuất.

Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc.

Gạch không nung được sản xuất theo một dây chuyền cơ giới hóa cao hơn, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Gạch nhẹ có tính cách âm, cách nhiệt, trọng lượng gạch nhẹ nên tỷ trọng công trình giảm đáng kể, kết cấu móng, chịu lực, khung dầm giảm, từ đó giảm giá thành các công trình.

Gạch không nung ngoài sử dụng chất kết dính là xi măng (tỷ lệ chiếm từ 8 – 10%), thành phần còn lại là đá mạt, sỉ, … tức là các chất thải từ công nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, theo báo giá từ các nhà máy gạch bê tông cung cấp, giá thành gạch không nung thấp hơn từ 5 – 10% so với gạch đỏ.

Nếu xét về hạn chế của gạch không nung là độ hút nước cao, nếu không xử lý ép tốt trong quá trình sản xuất sẽ gây ra các hiện tượng ẩm mốc, rạn nứt công trình. Tuy nhiên, đấy là đối với công nghệ lạc hậu trước đây hoặc với máy có công suất nhỏ, sản xuất thủ công. Còn hiện nay, với công nghệ tiên tiến, hiện đại bằng công nghệ rung, ép, máy có công suất lớn… độ hút ẩm của gạch không nung có thể thấp hơn hoặc tương đương với gạch đỏ (độ hút ẩm từ 8-12%).

+ Mọi công trình đều phù hợp với gạch không nung?

– Ông Phạm Văn Bắc: Gạch không nung loại nhẹ phù hợp với các công trình xây dựng quy mô lớn, hoặc xây dựng các nhà cao tầng. Các công trình xây dựng dân dụng, nhỏ lẻ lâu nay vẫn sử dụng vật liệu gạch truyền thống, nay có thể dùng gạch không nung loại gạch bê tông. Thực tế, trong xây dựng các công trình dân sinh mang tính chất đơn lẻ hiện nay, đặc biệt là các công trình ở vùng sâu, vùng xa vận chuyển vật liệu khó khăn, người dân vẫn kết hợp sử dụng cả gạch không nung loại gạch bê tông và gạch đỏ.

Do vậy, để gạch không nung sử dụng rộng rãi trong xây dựng công nghiệp và dân dụng cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng loại vật liệu mới này.

Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Hoàn thiện các chính sách phát triển gạch không nung” do Bộ KH&CN tổ chức gần đây.

+ Gạch không nung là vật liệu được sử dụng phổ biến trên thế giới?

– Ông Phạm Văn Bắc: Trên thế giới, Thái Lan là một trong những nước sử dụng gạch không nung nhiều nhất ở khu vực Đông nam á; 70% các công trình xây dựng của quốc gia này sử dụng gạch không nung.

Tại Trung Quốc, trong 15 năm gần đây cũng đã phát triển và sử dụng nhiều loại gạch nhẹ trong xây dựng. Trung Quốc có nhiều chính sách khuyến khích phát triển loại vật liệu này như: miễn thuế đất, thuế lợi tức, miễn thuế VAT đối với các nhà máy sản xuất gạch không nung sử dụng trên 30% nguồn nguyên liệu là phế thải của ngành công nghiệp,…

Các nước châu Âu sử dụng gạch không nung từ khá sớm. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất bê tông khí của họ đạt chất lượng cao hơn so với gạch bê tông khí sản xuất ở Việt Nam hiện nay.

+ Vậy sản lượng sản xuất gạch không nung tại Việt Nam hiện nay như thế nào thưa ông?

– Ông Phạm Văn Bắc: Ở Việt Nam, tôi chỉ nói với 2 loại chính:

Đối với gạch bê tông khí chưng áp, tổng cộng có 13 dây chuyền với tổng công suất 1,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn; số lượng nhà máy tại miền Bắc nhiều hơn miền Nam. Tuy nhiên, các nhà máy tại miền Nam thường đạt 90 – 100% công suất, trong khi đó, hầu hết các nhà máy tại miền Bắc chỉ đạt 20 – 60% công suất so với thiết kế. Việc xây cất các công trình nhà cửa ở miền Bắc vẫn chủ yếu bằng gạch đỏ, ít dùng gạch nhẹ.

Công nhân kiểm tra chất lượng gạch không nung tại Cty CP gạch Khang Minh. (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Về tổng số dây chuyền sản xuất gạch tại Việt Nam tính đến cuối năm 2015 có trên 2.000 dây chuyền với tổng công suất khoảng 5,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn; các nhà máy sản xuất và tiêu thụ khoảng 70- 75% công suất thiết kế.

Hiện việc tiêu thụ vật liệu không nung vẫn còn hạn chế do người dân có thói quen chuyển từ bờ tranh, vách đất sang gạch đỏ đã trở thành tiềm thức từ nhiều năm nay. Mặt khác do đây là sản phẩm mới nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định, mẫu mã chưa đa dạng hợp với thị hiếu, tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn thiết kế, định mức sử dụng, hướng dẫn thi công, hoạt động nghiệm thu sau thi công chưa được hoàn thiện,… dẫn đến số lượng tiêu thụ gạch không nung còn nhiều hạn chế.

+ Để phát triển gạch không nung, cần có những giải pháp đồng bộ nào trong thời gian tới thưa ông?

– Ông Phạm Văn Bắc: Về chủ trương sử dụng vật liệu không nung được thể hiện bằng Quyết định số 567/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Trong đó có yêu cầu các địa phương trên toàn quốc xây dựng lộ trình xóa bỏ những lò gạch thủ công, thủ công cải tiến.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, trong đó có quy định về các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình.

Theo tôi, để gạch không nung dần thay thế gạch đỏ, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khuyến khích các đề tài nghiên cứu về hoàn thiện công nghệ, khắc phục nhược điểm của các sản phẩm gạch không nung, tạo nhiều mẫu mã phù hợp, tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ nhằm thúc đẩy sử dụng gạch không nung rộng rãi.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngũ Hiệp (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/gach-khong-nung-va-lo-trinh-xoa-bo-gach-thu-cong-tai-viet-nam/