Gà Đông Cảo và nỗi lo thất truyền

ND-Tôi đến trại gà của ông đúng lúc ông đang nâng niu những chú gà nhỏ, cảm giác chúng như những vật báu. Lúc sau, khi chứng kiến ông "âu yếm" một con gà mẹ, tôi không thể không thốt lên: "Ông quá yêu gà". Đó là hình ảnh thường thấy ở nhà ông Tạ Văn Hiệu ở Thôn Đông Minh, xã Đông Cảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên - một vùng đất được cả nước biết đến từ nhiều năm qua bởi thương hiệu gà Đông Cảo.

Nhắc lại chuyện cũ "Ai về Phố Hiến quê em. Tìm gà Đông Cảo, nhãn lồng Hưng Yên". Câu đồng dao ấy hẳn nhiều người vẫn nhớ. Theo câu hát ngọt ngào, tôi tìm đến cái nôi duy nhất nuôi giữ sản vật quý của đất Phố Hiến - thôn Đông Minh. Ngay từ đầu làng, tôi đã được người dân cho biết: "Người mà anh vừa nhắc đến hiện đang làm xe ôm ngoài Hà Nội". Hỏi nguyên nhân vì sao, được biết anh Nguyễn Trọng Tích, "vua gà một thời" đã đánh đổi tất cả gia sản của mình cho những canh bạc, lô đề để rồi phải cõng vợ con đi tha phương cầu thực. Người dân ở đây còn kể: "Gia đình anh ấy đã ba đời nuôi giữ giống gà Đông Cảo, từ ông nội cho đến cụ thân sinh. Khi xưa đi chạy giặc, cha anh Tích trong lúc loạn lạc chẳng mang theo đồ đạc gì mà chỉ ôm một đôi gà Đông Cảo. Năm 2003, trước lúc nhắm mắt, cụ còn đòi anh mang con gà to, đẹp nhất đàn vào để vuốt ve và dặn dò con phải bằng mọi cách giữ lấy giống gà của tổ tiên. Anh ứa nước mắt và quyết tâm không phụ lời nhắn nhủ của cha mình" ... Năm 1979 đi bộ đội, năm 1981 hết nghĩa vụ quân sự, Tích trở về quê hương nghĩ cách lập nghiệp. Cha anh, ông Nguyễn Trọng Dốc được mệnh danh là "vua gà" bởi những con gà mà ông nuôi luôn đẹp nhất làng, lông mượt óng, mào đỏ tươi, chân to chắc nịch. Gà của ông Luôn giành được giải nhất trong các Hội thi gà hằng năm của làng. Với Nguyễn Trọng Tích, đó không chỉ là niềm yêu thích mà đó còn là cả một ý tưởng của tuổi trẻ. Năm 1986 khi trang trại của ông "vua gà" được Trung tâm nghiên cứu gia cầm Quốc gia chọn làm nơi lưu giữ giống gà Đông Cảo thì cũng là lúc người con trai Nguyễn Trọng Tích bắt đầu khóa học ở Trung tâm gia súc tỉnh Hưng Yên, nhằm trang bị kiến thức chăn nuôi gia cầm. Năm 1989, khi tuổi ông Dốc đã cao, Tích đảm nhận công việc thay cha. Để nhân thêm giống gà, anh đi lùng sục khắp trong làng, nhà nào có gà Đông Cảo gốc là sẵn sàng dốc hết số tiền ít ỏi để mua. Có chiếc xe đạp - tài sản quý nhất - anh liền đổi lấy 15 con gà giống chính gốc Đông Cảo. Sau đó do thiếu kiến thức chăn nuôi nên lứa đầu tiên gà bị dù và chết hết. Sau nhiều lần thất bại, nhìn những con gà giống kém phát triển, năm 1996, anh quyết tâm đi học ba năm Trung cấp Nông nghiệp của Viện gia cầm tại ĐH Nông nghiệp. Thêm vào những kinh nghiệm học từ bố, nên giống gà Đông Cảo được anh nhân rộng nhưng vẫn bảo đảm được gien gốc. Vào những ngày tháng đại dịch cúm H5N1 hoành hành, anh Nguyễn Trọng Tích đã phải khó khăn lắm để tránh hạn, thậm chí phải đào hầm để cho gà tránh dịch. Anh bỏ nhiều tiền vốn ra mua thuốc bổ, thuốc phòng dịch chỉ mong làm sao giữ được những chú gà quý đó. Thành tích của anh đã rõ, đàn gà "tai qua nạn khỏi". Nhiều nông dân từ khắp nơi như Thái Bình, Hà Nam, Nam Định,... đổ về Khoái Châu, Hưng Yên tìm đến "vua gà", mong mua được giống gà quý. Gà Đông Cảo vì thế càng khẳng định được thương hiệu trên cả miền bắc. Cho đến năm 2004, anh Tích bắt đầu bị sa đà vào lô đề thì ngôi vị "vua gà" của anh lung lay. Đến năm 2006 anh vỡ nợ, gà trong chuồng không còn một con. Anh đành phải đưa vợ con đi nơi khác. Người thay thế Nhiều người ở thôn Đông Minh nói rằng, muốn mua gà giống, tốt nhất hãy đến đặt hàng nhà ông Hiệu. Thăm cơ ngơi nhà ông, nhìn cách ông chăm sóc và cho gà ăn, tôi tin rằng ông là người quý gà số một. Quý không hẳn vì chúng là tài sản, mà chúng là nguồn cung cấp giống gà quý giá cho cả vùng. Ông Tạ Văn Hiệu hiện nay được người dân tin cậy vì tâm huyết với giống gà quý của cha ông mình. Cùng với niềm tự hào, ông cũng lo giống gà này sẽ bị thất truyền, vì hiện nay người dân lai tạo lung tung với các loại gà khác nhằm sinh lợi nhuận từ những loại gà đẻ nhiều trứng. Một gà mái Đông Cảo mỗi năm chỉ đẻ 120 đến 130 trứng thì gà lai có thể đẻ đến 200 quả, thậm chí hơn. "Cho nên, không phải gà cứ đẻ nhiều trứng đã là quý, trừ gà siêu trứng, người ta nuôi chủ yếu để lấy trứng. Nếu anh được giới thiệu một con gà Đông Cảo mà lại đẻ nhiều trứng thì đừng tin đó là gà chính hiệu"- Ông Hiệu nói với tôi, tay vẫn vân vê con gà quý. Chân to, một nét đặc trưng của gà Đông Cảo. Từ nỗi lo mất thương hiệu, ông Hiệu đi vận động bà con cùng nhau bảo vệ giống gà Đông Cảo. Mặt khác, ông đầu tư mua lò ấp để nâng cấp trang trại gà của mình, cũng là để giúp cho người dân trong vùng cùng ông nuôi giữ và phát triển giống gà quý. Hiện người dân xã Đông Cảo vẫn còn chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, người nuôi nhiều như ông đếm chưa hết năm ngón tay. Vả lại, vì lai tạo với những giống gà khác mà giờ đây gà Đông Cảo hiếm có con nào được 5 kg, trong khi ngày trước, gà nặng 6 - 7 kg là thường. Hiện tại, nhà ông Hiệu có khoảng 100 con gà mái. Ông đang lên kế hoạch xây chuồng trại để tăng số gà mái lên 400 con vào năm 2009 này. Trang trại sẽ đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi của những hộ dân trong xã, huyện và các trại gà khác từ Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hải Dương đến đặt hàng. Giờ ở tuổi 58, không còn trẻ nhưng cũng chưa già, ông Tạ Văn Hiệu đau đáu một nỗi lo thất truyền giống gà quý. Cả ngày ông cần mẫn trong trang trại cũng vì nỗi lo đó. Đợt dịch cúm bùng phát ở nhiều nơi, ông Hiệu lo ngay ngáy, ăn ngủ chẳng yên, chỉ sợ dịch tai ác tràn về. Ông tìm mọi cách để dịch bệnh khỏi xâm nhập đàn gà. Ngay cả lũ chim bồ câu, ngày thường được tự do thoải mái bay lượn trên nóc nhà, trên cây thì lúc này cũng phải chịu nhốt, để khỏi "tha" bệnh về. Thế rồi dịch bệnh qua, trại gà của ông an toàn. Ông hét lên sung sướng. Những ngày này nhà ông đầy tiếng chim câu gù, tiếng gà chiêm chiếp cùng tiếng cười nói rổn rảng của những người khách đến nhờ ấp, mua gà giống. Ông nói rằng, đó là cuộc sống dân dã, mộc mạc và gần gũi. Quá nửa đời người làm một nông dân chân lấm tay bùn, nay sức khỏe cũng đã giảm, ông cố bớt ruộng ngoài đồng để có thể chăm sóc trại gà được tốt hơn. Khi tôi hỏi về việc tiêm phòng bệnh dịch cho gà con, ông Hiệu mô tả kỹ: "Đây, những chú gà con này mới được ba ngày tuổi. Ba ngày nhỏ vắc-xin phòng bệnh đi chảy, đó là bệnh thường xảy ra ở gà con. Từ 21 ngày đến ba tháng tuổi tiêm phòng bệnh gà toi. Thường từ khi gà nở đến khi đẻ được trứng là sáu tháng. Nếu nuôi không biết tính toán thì lỗ là cái chắc"... Gìn giữ thương hiệu "Dù cuộc sống có thế nào thì tôi cũng phải gìn giữ thương hiệu gà quý. Đó là cái đức của một người con, cho dù chỉ là cái đức của một gã nuôi gà". Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Hiệu. Ông và một số người có tâm huyết đang chọn những con gà bố mẹ to, có gien chuẩn để làm giống, khẳng định lại thương hiệu. Về nguồn gien, ông đang kết hợp với Trường ĐH Nông nghiệp 1 và trại gà Thụy Phương ở bãi Chèm (Hà Nội). Thi thoảng, cán bộ và sinh viên của Trường ĐH Nông nghiệp 1 vẫn về chơi, thăm trại gà và tìm cách giữ gien. Có một cậu sinh viên nhìn thấy con gà trống to của ông "oách" hơn cả gà chọi, cứ tấm tắc khen, rồi gạ mua một cặp mang về gia đình, nhưng ông Hiệu lắc đầu: "Xin từ chối, cặp này tôi gây dựng tốn nhiều thời gian và công sức lắm. Bao nhiêu tiền cũng chịu, để khi khác nhé" Hội Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cũng động viên ông, gửi gắm nơi ông sự kỳ vọng ở một người có trách nhiệm, tâm huyết. Ông Hiệu dẫn tôi đến nhà một ông bạn khác, bắt cho tôi xem những con gà quý, chân to như cổ tay người lớn. Ông giới thiệu: "Đây, những con gà kiểu chân như thế này, đố làng quê nào có được. Đó là một đặc trưng rất riêng của gà Đông Cảo. Nếu sau này có cần giống gà này, cứ tìm đến tôi, tôi sẽ cung cấp". Tâm nguyện của ông Hiệu cũng thật mộc mạc và dân dã, rằng trước hết là làm sao quảng bá và mở rộng phạm vi nuôi gà quý, đồng thời phổ biến một loại thực phẩm ngon trên thị trường. Nhưng tôi cảm nhận được sức nóng của tâm nguyện ấy qua bàn tay thô ráp khi chia tay khách. Tạm biệt người nông dân chân chất, tôi chúc ông hoàn thành tâm nguyện của một ông "vua gà" mới. Ra đến đầu ngõ, tôi đã nghe thấy ông giục vợ mang ổ gà mới ấp vào chỗ kín, kẻo nó trúng... phong hàn!

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155014&sub=127&top=39