"Gã chăn bò" vô danh của "Về đây nghe em"

- Cuộc sống đôi khi có những điều không thể lý giải. Nhiều khi, ta không thể lý giải tại sao, cũng tài ấy, sức ấy với người này thì “ mũ cao áo dài ”, còn người kia thì chỉ lĩnh kiếp “đầu làng xó bếp”…

A Khuê là một nhà thơ vô danh (hiểu theo nghĩa thị hiếu số đông và theo nghĩa ông không phải là hội viên Hội Nhà văn VN). Một trong những bài thơ rất hay của ông đã được nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc, đó là bài “Về đây nghe em”. Nhưng cũng không nhiều người mê bài hát ấy biết điều này. Hôm nay tròn một tuần từ khi A Khuê vô danh đã ra đi về cõi vĩnh hằng do tai biến cấp tính tại Bệnh viện Bình Phước, cầm bút viết về ông, một con người có số phận kỳ lạ, Ông tên thật là Hoàng Phúc, cha là nhạc sĩ, danh cầm violin Hoàng Liêu, anh ruột là nhạc sĩ Hoàng Lương, hiện ở Vũng Tàu. A Khuê, là tên ông tự đặt theo một kỷ niệm riêng. Ông theo gia đình 6 năm sinh sống ở Quảng Ngãi, 12 năm ở Đà Nẵng, sau về Đồng Nai. Khi lập gia đình A Khuê xuống Sóc Trăng 14 năm làm ruộng, rồi bất ngờ quay lại Đống Nai ở 8 năm mãi tới 1998 cả nhà đưa nhau về Bình Phước trong một khu đồi thuộc thị xã Đồng Xoài. Hồi đầu, chưa biết gì về ông chỉ nghe Ngọc Tân, một nghệ sĩ có giọng ca hàng đầu của Việt Nam, hát “Về đây nghe em” tôi đã ngờ ngợ rằng, tác giả (phần lời) phải là người gốc đồng bằng Bắc Bộ. Quả thật, A Khuê sinh ở Tứ Kỳ Hải Dương năm 1948. Hầu như người ta không biết đến ông ngoại trừ khi nhắc đến tác phẩm “Về đây nghe em”. Ngày ấy là những năm 90 (thế kỷ trước), vào những đêm diễn của Ngọc Tân ở TP HCM, bài “Về đây nghe em” được “bis” hằng đêm. Và đó là bài “đinh” trong nhiều show diễn của Ngọc Tân ở khắp các thành phố trên suốt chiều dài đất nước. Không chỉ Ngọc Tân mà các ca sĩ trong và ngoài nước như: Quang Dũng, Tuấn Ngọc… đều chọn bài hát này cho đêm diễn hoặc cho album của mình. “Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe lại tiếng nói/ Thơ ấu khúc hát ban đầu/ Về đây nghe em. Về đây nghe em/ Về đây thả ước mơ đi hát dạo/ Để đời đời làm giọt sương mai/ Để chào đời bằng lòng mới lớn/ Để hận thù người người lắng xuống/ Và tìm nhau như tìm xót xa/Ttrong lúc lệ đã đầy vơi/ Này người ơi vươn cao vươn cao/ Đem ánh sáng hân hoan trên trời/ Rọi vào đời cho ta tinh cầu yêu thương? Nụ cười tươi trên môi em thơ/ Là tiếng hát hân hoan cho đời/ Và về đây cho nhau nụ cười tương lai/ Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây đứng hát trên sông nước này/ Chở lòng người trở về quê hương/ Chở hồn người vào dòng suối mát/ Chở thật thà vào lòng dói tá/ Bà nhạc hoa xin tạ chút ơn/ Hạnh phúc khi đã gặp nhau.” A Khuê tự coi mình là một gã chăn bò và đã chăn bò thực sự (theo nghĩa đen) cho tới khi từ giã cõi đời. Ông vẫn làm thơ và nhiều bài thơ hay của ông, dù chưa xuất bản trong các tập hay tuyển tập nhưng được người ta truyền khẩu. Từ Hải Dương, A Khuê vào tuốt Nam Bộ, sự hòa trộn giữa chất đồng bằng Bắc Bộ và sống cuộc sống phong trần mang nhiều tính cách anh Hai giang hồ. Nhưng có thêm sự điểm pha cái gì đó của đồng bằng Bắc bộ khiến cho thơ của A Khuê vừa mơ mộng, tinh tế vừa rất ngang tàng chân thực. Sống đời chăn bò, bò theo ông vào thơ: “… Lùa đàn bò say/ Đi đâu cuối ngày/ Ta phải ta hát/ Đời khuất chân mây…”. Hay “Lùa đàn bò say/ ngất ngưởng trong sương/ Ta phải ta hề/ Áo mát trần truồng…”. A Khuê có những câu thơ vẽ đúng chân dung chính mình: “Ta có hồn phiêu bạt/ Sinh ra đời để đi”. Hay “Đồi trăng không ngớt vi vu/ bữa nay tôi nhậm sương mù thở than/ Đồi trăng mỏng diệu diệu vàng/ Hồn bay, bay giữa hai hàng hoa lê…”. Không chỉ thơ, nghe nói ông có tới 300 ca khúc, đã có 3 tập nhạc đang chờ xuất bản. Hình như có 36 bài trong 1 CD đã được FPT chọn mua để phát sóng trên kênh nhạc số. Gần đây những ca khúc của A Khuê như “Tình Thiên thu” được Trần Thu Hà thu âm, , “Viễn mộng” được Tấn Minh sử dụng… A Khuê làm ruộng, đốt củi, làm than, nuôi lợn,chăn bò và A Khuê thơ là một, vẫn là A Khuê ấy. “Về đây nghe em… Về đây thả ước mơ đi hát dạo/ Để đời đời làm giọt sương mai…Này người oi vươn cao vươn cao/ Đem ánh sáng hân hoan trên trời/ Rọi vào đời…” . Nghe đâu đây, câu thơ của ông đang ngân vang, những câu thơ không vô danh còn sống mãi. Trần Thị Trường

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1982/2009/08/1717490/