Formosa thay đổi công nghệ coke từ 2017 đúng cam kết

Formosa cam kết chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô từ ngày 31/3/2017 và hoàn thành hệ thống số 1 sau 2 năm.

Chuyển đổi công nghệ luyện coke từ ướt sang khô

Chiều 10/11, Bộ TN-MT đã có thông báo về kết quả khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) sau sự cố gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo, Bộ TN-MT nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án, FHS sử dụng công nghệ lò cao cỡ lớn (dung tích 4.350m3/lò) để phục vụ quá trình luyện thép, công nghệ luyện, cán thép và các hạng mục công trình phụ trợ là công nghệ tiên tiến của các nước phát triển như: Lò cao, máy thiêu kết và Lò cốc sử dụng công nghệ của Đức; Lò chuyển và dây chuyền cán tấm sử dụng công nghệ của Nhật Bản; dây chuyền cán dây sử dụng công nghệ của Mỹ; dây chuyền đúc liên tục sử dụng công nghệ của Áo, công nghệ luyện cốc là công nghệ truyền thống (lò đứng, cấp liệu từ phía trên, luyện trong môi trường yếm khí và thu hồi sản phẩm phụ).

Tuy nhiên, FHS đang sử dụng công nghệ làm nguội than cốc bằng phương pháp ướt (dùng nước tuần hoàn) thay vì làm nguội theo phương pháp khô (dùng khí trơ N2) như đã cam kết.

Formosa cam kết chuyển đổi công nghệ từ năm 2017

Để thực hiện đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam, FHS đã phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hệ thống CDQ).

Việc chuyển đổi này sẽ được khởi công từ ngày 31/3/2017 và cam kết hoàn thành hệ thống CDQ số 1 trước ngày 31/3/2019 và hệ thống CDQ số 2 trước ngày 30/6/2019.

Trong thời gian chưa hoàn thành các hệ thống CDQ nêu trên, FHS sẽ xây dựng trạm xử lý tuần hoàn nước dập cốc để xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi tía sử dụng. Đồng thời FHS cũng sẽ nghiên cứu thực hiện áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, đặc biệt đối với nhà máy điện.

Bên cạnh đó, FHS đã phối hợp với Viện Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) thực hiện kế hoạch giám sát môi trường tự động, liên tục và định kỳ nước thải, khí thải, chất thải rắn, nước mặt tại các kênh thoát nước, nước biển ven bờ, nước ngầm, không khí xung quanh, tiếng ồn, độ rung... trong thời gian 3 năm.

Chỉ được vận hành nếu thay đổi

Mặt khác, Bộ TN-MT khẳng định: “FHS chỉ được xem xét, cho phép vận hành chính thức các công trình sản xuất khi và chỉ khi hoàn thành các hạng mục công trình liên quan đến xử lý chất thải và kiểm soát, giám sát chất thải, đặc biệt là hoàn thành hệ thống hồ sinh học, bao gồm: các hồ sơ sự cố, hồ hoàn thiện, hệ thống bãi lọc trồng cây ngập nước, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá) để kiểm soát nước thải sinh hóa và công nghiệp sau xử lý".

Được biết, kết quả giám sát nước thải liên tục với tần suất 3 lần/ngày tại hai trạm kiểm định môi trường di động của Tổng cục Môi trường cho thấy, từ 27/7 đến nay nước thải từ Formosa trước khi ra biển đều đạt chuẩn cho phép.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III khẳng định việc chuyển đổi công nghệ từ luyện cốc ướt sang luyện cốc khô được đánh giá là thân thiện với môi trường rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới Formosa cần phải làm nghiêm túc việc này.

Thế nhưng, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học-Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang lại cho rằng dù Formosa có chuyển đổi được công nghệ xử lý cốc thì nguy cơ ô nhiễm môi trường vẫn rất cao.

Để minh chứng điều mình vừa nói, vị chuyên gia phân tích: “Công nghiệp thép là công nghệ gây ô nhiễm, có tác động rất lớn đến môi trường. Các nước phát triển đã thấy nguy cơ đó và tìm cách chuyển sang các nước lạc hậu, trong đó có Việt Nam. Chúng ta nghèo nên phải chấp nhận, phải chịu việc những việc như thế này.

Trong khi đó, vấn đề sản xuất thép hiện nay còn lúng túng. Chưa có 1 công nghệ nào hoàn chỉnh để tránh được hiệu ứng nhà kính, tránh tác động môi trường. Do đó không có 1 công nghệ nào có thể khắc phục được việc này, cho dù là công nghệ xử lý cốc ướt hay khô”.

Bên cạnh đó, vị Phó giáo sư cũng lưu ý đến hệ thống xả thải ngầm của Formosa dưới biển. Ông cho rằng nỗi lo của người dân về nguy cơ ô nhiễm môi trường là có cơ sở khi trước đó Formosa đã gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh miềm Trung.

Ông ví von: “Hệ thống xả thải ngầm người ta lo ngại là rất đúng. Cũng như con người bị bệnh kinh niên, đã ung thư thì rất khó có cách để chữa khỏi. Họ sinh tồn với một cách lay lắt như vậy. Tuy nhiên, để khẳng định thế nào thì cần phải chờ đợi thêm khi họ đi vào hoạt động chính thức”.

Cải thiện hệ thống xử lý thải

Cũng theo báo cáo của Bộ TN-MT, FHS đang tiến hành xây dựng bổ sung hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học để xử lý riêng biệt 2 dòng nước thải sinh hóa và công nghiệp.

Đối với các thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục phục vụ Lò cao số 1 vào vận hành, FHS cam kết lắp đặt bổ sung với 8 thông số (lưu lượng, nhiệt độ, áp suất, O2, bụi, SO2, NOx và CO) trong khí thải của các nhà máy trước ngày 31/3/2017.

Riêng 3 ống khói Lò chuyển của Xưởng luyệt thép dùng để đốt phóng không khí CO và CO2 (khí CO<35% hoặc O2>2%), FHS cũng như các nhà máy luyện thép khác trên thế giới không phải lắp đặt thiết bị này.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/formosa-thay-doi-cong-nghe-coke-tu-2017-dung-cam-ket-3322789/