Formosa phải đóng cửa nhà máy ô nhiễm ở Đài Loan

Công ty Hóa chất và Sợi Formosa thuộc Formosa Plastic Group sẽ đóng cửa nhà máy ở miền Trung Đài Loan, vào tuần tới.

Theo Reuters, ngày 30/9, Formosa Chemicals - Fiber, công ty con thuộc Tập đoàn Formosa Plastic, đơn vị tham gia thành lập công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Việt Nam, cho biết sẽ đóng cửa nhà máy ở miền trung Đài Loan, bắt đầu từ ngày 8/10 do chính quyền địa phương đã từ chối gia hạn giấy phép hoạt động nhà máy này.

Formosa Chemicals đã nhiều lần xin gia hạn giấy phép, tuy nhiên chính quyền vùng Chương Hóa (Đài Loan) khẳng định lượng lưu huỳnh có trong than đốt của nhà máy Formosa thải ra môi trường quá cao, vượt xa mức qui định được phép, gây ô nhiễm cho cả vùng.

Giấy phép hoạt động của nhà máy hóa chất và sợi Formosa ở Chương Hóa đã hết hạn ngày 28/9.

Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan.

Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan.

Giữa tháng 9, hàng ngàn người biểu tình trên nhiều đường phố của Chương Hóa, yêu cầu chính quyền cần có chính sách kiểm soát ô nhiễm, không gia hạn giấy phép hoạt động và buộc Formosa phải đóng cửa nhà máy. Những người biểu tình thu thập hơn 10.000 chữ ký cùng phản đối nhà máy của Formosa.

Theo một thống kê của Sở Y tế năm 2011, xã Đại Thành huyện Chương Hóa, sát khu công nghiệp Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất, cũng là nơi có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan.

Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn cho nhà máy của Formosa nếu công ty không giải quyết vấn đề khí thải theo đúng tiêu chuẩn.

Theo đó, cơ quan quản lý môi trường yêu cầu Formosa phải thay đổi nhiên liệu sử dụng chứa hàm lượng sulfur thấp hoặc cải tiến thiết bị xử lý chất thải trước khi đơn gia hạn được xem xét.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Formosa Chemicals - Fibre, ông Hong Fu-yuan nói rằng, quyết định đóng cửa nhà máy sẽ ảnh hưởng đến 1.000 lao động. Khoảng một nửa sản lượng của nhà máy được xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh thu của nhà này đạt khoảng 320 triệu USD hàng năm, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu của công ty.

Trong khi, Formosa cho rằng lượng khí thải công nghiệp từ nhà máy của họ không phải là nguồn chính gây ô nhiễm ở Chương Hóa mà là từ phương tiện giao thông và ô nhiễm từ các thành phố và khu vực khác.

Trước đó, ngày 16/8, chính phủ Đài Loan đã từng thông báo Công ty Hóa chất và Sợi Formosa thuộc Tập đoàn Formosa có thể phải đóng cửa nhà máy tại thành phố Chương Hóa vì không tuân thủ tiêu chuẩn sử dụng than đá theo quy định.

Người biểu tình phản đối nhà máy tại Chương Hóa của Formosa Chemicals. Ảnh: CNA

Cục Bảo vệ Môi trường thành phố Chương Hóa cho hay nếu Formosa không hạ thấp hàm lượng lưu huỳnh có trong than bitummà nhà máy sử dụng để tạo năng lượng, thì cục sẽ không cấp lại giấy phép hoạt động cho ba cụm máy phát điện.

Nếu không có ba cụm máy phát năng lượng này, thì nhà máy hóa chất của công ty này sẽ buộc phải dừng sản xuất.

Theo giới chức thành phố Chương Hóa, hàm lượng lưu huỳnh trong than nhiên liệu của Formosa là 1,2%, cao hơn 0,8% so với mức mà công ty này cam kết.

Được biết, nhà máy của Formosa tại Chương Hóa chuyên sản xuất các sản phẩm sợi tổng hợp, trong đó có nylon và tơ nhân tạo.

Năm 2009, Tập đoàn Formosa bị trao giải “Hành tinh đen” vì các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ.

Trong tháng 4/2014, một sự cố trong nhà máy của Formosa ở Illiopolis, Illinois đã làm chết 5 công nhân đồng thời khiến khu dân cư xung quanh nhà máy phải sơ tán khẩn cấp. Nhà chức trách Mỹ phát hiện hàng loạt sai phạm và xử phạt Tập đoàn của Đài Loan số tiền 300.000 USD.

Tuy nhiên, một năm sau, vụ sự cố khác xảy ra tại nhà máy hóa chất của Formosa ở miền nam Texas làm 11 công nhân thiệt mạng.

Năm 1998, Formosa đã đưa khoảng 5.000 tấn chất thải, bao gồm thủy ngân, tới thị trấn ven biển Sihanoukville đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của người dân Campuchia.

Formosa liên tục vi phạm quy định của nhà chức trách. Nước ngầm xung quanh nhà máy ở Delaware, nguồn cung chính cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Danh sách các khoản tiền phạt lên tới 1 triệu USD cũng không thể làm thay đổi thái độ của công ty này.

Tập đoàn Formosa Plastics là một trong 10 danh nghiệp gây ô nhiễm nhất tại đảo Đài Loan. Khoảng 25% lượng khí nhà kính của Đài Loan do các nhà máy của Formosa thải ra. Tại Mỹ, Hiệp hội thương mại của ngành công nghiệp hóa học Mỹ đã phủ nhận hợp tác với Formosa.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/formosa-phai-dong-cua-nha-may-o-nhiem-o-dai-loan-3319860/