FLC lấy đất nông, lâm nghiệp rồi... bỏ hoang

Không chỉ “hô biến” trại lợn thành FLC Vĩnh Thịnh resort, rồi tiến hành khởi công khi chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết và phê duyệt dự án, nhiều dự án của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) sau khi lấy được đất nông nghiệp thì để đó, không triển khai hoặc có triển khai cũng theo kiểu “nhỏ giọt”, cầm chừng.

Sau khi nhận đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) không triển khai dự án, hoặc làm cầm chừng, khiến hàng nghìn ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang khi trở thành dự án “treo”.

Sai phạm ở dự án Chấn Hưng

Gần chục năm trở lại đây, các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Nam được Công ty CP Tập đoàn FLC (viết tắt là FLC) tập trung đầu tư nhiều dự án với quy mô khá “khủng”, với diện tích đất thu hồi lên đến hàng nghìn ha, chủ yếu là đất nông nghiệp.

Dự án FLC KCN Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện tại. Ảnh: V.T

"Họ hứa hẹn dự án đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, kéo theo các dịch vụ khác. Nhưng gần 10 năm rồi vẫn chưa có viên gạch nào được đặt xuống, không biết người dân sẽ còn phải chờ đến bao giờ để được hưởng “lộc” của FLC hay lại chỉ là lời hứa suông mà thôi...”.

Ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh

Chỉ tính riêng Vĩnh Phúc, với 4 dự án FLC đã lấy trọn gần 1.000ha đất nông nghiệp là đất bờ xôi, ruộng mật mà bà con nông dân đang canh tác ổn định. Điều đáng nói là, hầu hết các dự án của FLC đều chậm tiến độ, thậm chí “treo”. Theo tìm hiểu của NTNN, ngày 20.9.2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định 2644/QĐ-UBND cho phép Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera làm chủ đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Chấn Hưng, tại xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) với diện tích 131ha, tổng mức đầu tư là 496 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, sẽ thu hồi khoảng 51ha và giai đoạn 2 sẽ thu hồi nốt diện tích còn lại.

Tuy nhiên, do không đủ năng lực triển khai dự án nên sau đó, ngày 11.8.2014, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản 1507/TB-TU, giao cho FLC làm chủ đầu tư xây dựng công trình này.

Tiếp theo, FLC đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư, với diện tích gần 130ha, tổng vốn đầu tư là 1.378 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Văn bản số 620/STNMT-CCQLĐĐ, ngày 6.5.2015 của Sở TNMT Vĩnh Phúc, thì dự án này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường.

Không chỉ vậy, trong hồ sơ xin cấp GCN đầu tư, dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Chấn Hưng còn rất nhiều điểm hạn chế, thiếu so với quy định như: Đánh giá tác động môi trường không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; không có phương án sử dựng lớp đất mặt (đất lúa, hoa màu); không thể hiện được cơ cấu hiện trạng sử dụng đất… Song dự án vẫn được cấp GCN đầu tư. Mặc dù dự án đã giải phóng xong giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Có mặt tại KCN Chấn Hưng, trước mặt chúng tôi vẫn là những thửa ruộng hoang, xen lẫn những ruộng rau màu, chưa có một dấu vết, động thái nào của một công trình đang xây dựng.

Thực tế dự án sau 10 năm. Ảnh: V.T

Về việc chậm tiến độ của dự án này, ông Khổng Thành Công - Phó ban Quản lý dự án các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết do dự án này được chuyển qua, lại 3 công ty. “Hơn nữa tại xã Chấn Hưng, tình hình an ninh, chính trị rất phức tạp... nên rất khó giải phóng mặt bằng”- ông Công phân trần.

Còn về việc trong thuyết trình dự án không đề cập đến việc sử dụng khối lượng đất mặt, ông Công nói: “Dự án ban đầu chưa có quy định phải có phương án sử dụng đất mặt nên FLC không đưa phương án sử dụng đất vào thuyết trình”.

Ngoài ra, ngày 14.3.2014, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Công văn số 1327/TB-TU về việc đồng ý giao cho Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tam Dương II – khu B với diện tích 385ha, tổng mức đầu tư lên tới 2.310 tỷ đồng và được triển khai thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 100ha, vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng (từ 2014–2017); giai đoạn 2 với diện tích 85ha, vốn đầu tư khoảng 510 tỷ đồng (từ 2016 – 2018); giai đoạn 3 sẽ triển khai nốt, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Theo ông Khổng Thành Công– Phó ban Quản lý dự án các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, hồ sơ xin phê duyệt khá sơ sài, không thể hiện được phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tổng thể, đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính khái lược; không có phương án sử đất mặt (đất lúa). Ông Công cho biết thêm, dự án này đã giải phóng xong mặt bằng từ lâu, nhưng vẫn chưa thấy doanh nghiệp xây dựng. Tìm đến KCN Tam Dương II – khu B, tất cả vẫn chỉ là bãi đất hoang, chưa có một công trình nào được xây dựng, dù là nhỏ nhất…

10 năm vẫn giậm chân tại chỗ

Năm 2015, trên trang thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC đã công bố, quảng cáo rầm rộ dự án FLC Tower tại số 402, đường Mê Linh, phường Khai Quang (TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) với diện tích 3.861,5m2. Tòa nhà gồm 25 tầng, bao gồm tổ hợp văn phòng, căn hộ cho thuê và trung tâm thương mại, do Công ty TNHH Hải Châu (đơn vị thành viên của Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư), với mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì, Hà Nội) trên giấy. Ảnh: V.T

Song dự án này đã không được triển khai và hiện tại địa chỉ trên đã biến thành trụ sở của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc FLC (công ty con của Tập đoàn FLC, thành lập năm 2014), chứ không phải dự án FLC Tower như FLC đã quảng cáo. Sự “mập mờ” trên, khiến nhiều người hoài nghi và cho rằng dự án này không có thực mà chủ yếu do FLC khuếch trương.

Một dự án nữa cũng đang được Tập đoàn FLC biến thành dự án “treo” khi triển khai từ năm 2007 với tổng diện tích lên đến gần 250ha, song đến nay vẫn chỉ dừng lại ở quy hoạch chi tiết 1/2000. Đó là dự án sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì, Hà Nội), do Công ty CP FLC Golf & Resort (một thành viên của Tập đoàn FLC) làm chủ đầu tư. Đây là một trong các dự án hiếm hoi FLC không động đến đất lúa, nhưng vẫn “dính” đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, trong đó 100ha thuộc quản lý của Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam).

Dự án có mức đầu tư gần 3.400 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011 – 2013) với số vốn khoảng 1.686 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2014 – 2015), với số vốn khoảng 1.708 tỷ đồng.

Dự án được tạo điều kiện hết mức, khi UBND TP.Hà Nội ra Văn bản số 9984/UBND-TNMT ngày 15.11.2011 gửi UBND huyện Ba Vì về việc đôn đốc, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để dự án sớm khởi công. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Có mặt tại hồ Cẩm Quỳ, nơi được cho là đã phê duyệt dự án sân golf – vui chơi giải trí cao cấp hồ Cẩm Quỳ, theo quan sát của phóng viên thì phần mặt hồ, xung quanh hồ vẫn chưa được cải tạo, quanh khu vực này vẫn chỉ là những gò đất hoang, chưa có bất kỳ một dấu vết triển khai xây dựng nào. Ấy thế mà FLC vẫn quảng cáo rầm rộ về quy mô hoành tráng của dự án đang trên đà hoàn thiện này.

(Còn nữa)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/flc-lay-dat-nong-lam-nghiep-roi-bo-hoang-669176.html