Fed và bài toán tăng lãi suất

Lãi suất cơ bản được kỳ vọng sẽ tăng vào cuộc họp cuối năm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng chậm nên chưa hội đủ điều kiện để tăng lãi suất.

Chưa tăng lãi suất

Ngày 12/10, Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã công bố biên bản cuộc họp hai ngày 20 và 21/9 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC). Tại cuộc họp này, lãi suất vẫn là chủ đề được quan tâm và các thành viên FOMC đã quyết định chưa tăng lãi suất. Thay vào đó, các lãnh đạo tham dự cuộc họp này kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản nếu GDP tiếp tục tăng với tốc độ thích hợp.

Biên bản củng cố thêm những kỳ vọng về khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất vào cuộc họp cuối năm nay, được tổ chức vào tháng 12 tới đây. Tuy nhiên, biên bản cũng nhấn mạnh quan điểm của đa số quan chức Fed là kinh tế Mỹ chưa hội đủ điều kiện để tăng lãi suất, một số ý kiến nghi ngờ Fed chưa tăng lãi suất trong năm nay do kinh tế tăng chậm.

Tại cuộc họp tháng 9 vừa qua, chủ đề tăng lãi suất là vấn đề được bàn thảo nhiều nhất. Trong đó, 7/10 người tham dự cho rằng chưa tăng lãi suất bởi thị trường lao động vẫn còn nhiều vấn đề, lạm phát tiếp tục tăng chậm và cách xa mục tiêu 2%, cần có thêm bằng chứng về những tiến triển tiếp theo trong nền kinh tế trước khi quyết định tăng lãi suất. Mặc dù lạm phát đang dao động ở mức 1,7%/năm, nhưng chưa có dấu hiệu gia tăng.

Chỉ có 3 người mong muốn tăng lãi suất, bắt nguồn từ sự lo lắng về nguy cơ suy giảm lòng tin của thị trường và cho rằng, Fed đã hứa nhiều lần mà vẫn chưa tăng lãi suất. Lãi suất thấp sẽ khuyến khích các hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản và một số lĩnh vực khác.

Trái lại, một số người lại lập luận rằng, nền kinh tế đang hưởng lợi nhờ lãi suất thấp, và chưa có lý do tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát thấp.

Mặc dù trì hoãn, các nhà lãnh đạo thừa nhận, mức độ tăng lãi suất vẫn quá thấp. Nhiều người kỳ vọng, Fed sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay, một động thái tương tự như gần đây, khi Fed quyết định tăng lãi suất một lần vào tháng 12/2015, sau đó sẽ có không quá hai lần tăng lãi suất vào năm 2017.

Biên bản cũng nêu rõ, quyết định tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào những tiến triển trong quá trình phục hồi kinh tế. Một số người lo ngại, thời gian còn lại trong năm quá ngắn trong khi chưa tích lũy được bằng chứng kinh tế thuyết phục để tăng lãi suất. Từ giờ đến cuối năm, Fed chỉ còn 2 phiên họp nữa, dự kiến tổ chức vào ngày 1-2/11 và 13-14/12. Chủ đề tăng lãi suất sẽ có thể được tạm gác lại để thảo luận những vấn đề kinh tế cấp thiết hơn.

3 vấn đề chi phối

Các chuyên gia kinh tế và nhiều nhà đầu tư thừa nhận, có ba vấn đề lớn đang gây tranh cãi và ảnh hưởng chi phối đến quyết định tăng lãi suất, đó là có bao nhiêu người muốn có việc làm, lãi suất thấp tới mức nào và hậu quả gì nếu không tăng lãi suất.

Đầu tiên, cùng với quá trình phục hồi kinh tế, số người thất nghiệp giảm dần, các doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm và nhận thêm lao động. Lương bắt đầu tăng và Fed rục rịch tăng lãi suất nhằm ngăn ngừa nguy cơ tăng trưởng nóng.

Sau 7 năm phục hồi kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,9%, một tỉ lệ bình thường trong lịch sử, nhưng bức tranh thực tế không lạc quan như vậy. Dữ liệu thất nghiệp chỉ đề cập đến số người đang tìm kiếm việc làm, trong khi bỏ sót hàng triệu người chưa có việc làm, chủ yếu là lực lượng thanh niên. Do vậy, bằng cách duy trì lãi suất thấp, Fed có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tìm kiếm được việc làm.

Trong khi đó, để đối phó với cuộc đại suy thoái, Fed đã quyết định giảm lãi suất thêm 5 điểm phần trăm. Động thái này được coi là giải pháp kích thích 5 điểm và một số ý kiến đề nghị Fed phải bổ sung thêm 3 điểm vào giải pháp kích thích này.

Các mức lãi suất trên toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, và thế giới đang tràn ngập tiền trong khi thiếu vắng những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Hậu quả là chênh lệch lãi suất trên thị trường và lãi suất của Fed bị thu hẹp dần. Nghĩa là, gói kích thích kinh tế chưa đáp ứng đủ yêu cầu phục hồi kinh tế. Vì vậy, Fed chưa vội tăng lãi suất.

Cuối cùng, Fed thường tăng lãi suất trước áp lực lạm phát cao, một phần là do kinh tế toàn cầu còn yếu ớt. Ngoài ra, lãnh đạo của Fed còn lo ngại về những vấn đề khác, chủ yếu là nguy cơ hình thành khủng hoảng tài chính mới.

Lãi suất thấp được cho là động lực khuyến khích các hoạt động đầu cơ tài chính. Tuy nhiên, nếu duy trì lãi suất thấp quá lâu, rủi ro sẽ tăng lên. Các quan chức Fed đã nhấn mạnh đến rủi ro này, và cho rằng có thể bùng phát trong những lĩnh vực như bất động sản. Họ cũng lo ngại về những biến động khó lường đơn giản là vì, khủng hoảng tới thường bắt đầu từ địa điểm khác so với trước đây. Đây là lo ngại tiềm ẩn và khó dự đoán. Điều này đang trở thành lập luận cơ bản để Fed sớm tăng lãi suất.

Xuân Thanh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/fed-va-bai-toan-tang-lai-suat/289015.vgp