FED sẽ tăng lãi suất nếu tân tổng thống Mỹ mở rộng chính sách tài khóa

Thông điệp mới nhất của FED có thể ảnh hưởng lớn đến chặng nước rút của cuộc tranh cử hiện tại là sẽ tăng lãi suất nếu như vị tân tổng thống muốn mở rộng chính sách tài khóa sau khi nhậm chức. Điều này được dự báo sẽ tác động mạnh đến chính sách kinh tế của cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton, theo những cách trái ngược nhau.

Chỉ còn không đầy 2 tuần nữa là đến thời điểm quyết định đối với cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2016, khi cử tri Mỹ sẽ chính thức đi bỏ phiếu vào ngày 8.11 tới đây. Cả hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang huy động mọi sự ủng hộ có thể ở thời điểm hiện tại. Trong khía cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dĩ nhiên là một tiếng nói và là sự ủng hộ có trọng lượng đáng kể, khi cơ quan này nắm vai trò quyết định các chính sách tiền tệ của nước Mỹ. Thông điệp mới nhất của Fed có thể ảnh hưởng lớn đến chặng nước rút của cuộc tranh cử: Fed cho biết sẽ tăng lãi suất nếu như vị tân tổng thống muốn mở rộng chính sách tài khóa sau khi nhậm chức. Tuyên bố này, dĩ nhiên đang được đánh giá sẽ có sức ảnh hưởng lớn, khi chính sách kinh tế-tài chính của hai ứng cử viên là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang khá trái ngược nhau.

Các động thái mới nhất từ nhiều quan chức của Fed đều đang hướng tới một thông điệp chung: Fed có xu hướng tăng lãi suất đồng USD nếu vị tổng thống mới của Mỹ có ý định theo đuổi một chính sách mở rộng tài khóa để kích thích tăng trưởng kinh tế. Những ngân hàng trung ương tại các bang ở Mỹ đều tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Fed ở thời điểm hiện tại trong việc thu hẹp thâm hụt ngân sách của Chính phủ nếu như vị tổng thống mới muốn tăng đầu tư công để kích cầu nền kinh tế. Lý do chủ yếu được đưa ra: Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động gần hết công suất cho phép, nó không cần một sự kích thích nào nữa ở thời điểm hiện tại.

Thống đốc Fed chi nhánh Boston là Eric Rosengren nói: “Chúng ta có thể theo đuổi bất cứ một chính sách mở rộng tài khóa nào, miễn là không phải một chính sách mở rộng tiền tệ”. Nói cách khác, Fed không hề có ý định ủng hộ bất cứ một kế hoạch tăng chi tiêu và đầu tư công nào để kích thích tăng trưởng kinh tế từ phía chính phủ Mỹ nhiệm kỳ tới. Nếu Nhà Trắng có ý định làm như vậy, Fed sẽ đáp trả bằng cách tăng lãi suất đồng USD với mục đích để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho kinh tế Mỹ trước nguy cơ bất ổn do lạm phát và thâm hụt ngân sách.

Điều này đang được đánh giá sẽ có tác động mạnh tới cục diện cuộc tranh cử tổng thống hiện nay, khi nó tác động trực tiếp tới chính sách kinh tế-tài chính của cả hai ứng cử viên. Cả ông Trump lẫn bà Hillary đều tuyên bố sẽ tăng chi tiêu vào đầu tư công của Chính phủ như một trong những biện pháp giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Bà Hillary Clinton đã đề xuất một loạt các chương trình chi tiêu, như tiếp tục duy trì các chương trình an sinh xã hội như Obamacare và giảm học phí đại học, và nhất là không giảm thuế; trong khi đó ông Donald Trump thì chủ trương cắt giảm chi tiêu chính phủ trong tất cả các lĩnh vực, trừ quốc phòng, và đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%. Dễ dàng nhận ra tuyên bố của Fed đang có tác động tiêu cực tới bà Hillary nhiều hơn, khi trọng tâm chính sách kinh tế của vị cựu ngoại trưởng là kích thích hồi phục kinh tế bằng cách mở rộng đầu tư công của Chính phủ - vốn là điều tổng thống Obama đã làm trong suốt 8 năm qua.

Dù ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump có xu hướng chỉ trích Fed trong thời gian qua, nhưng điều tình cờ là chính sách không sẵn sàng duy trì đồng USD lãi suất của Fed hiện nay lại khá tương hợp với chính sách kinh tế của ông Trump. Vị tỷ phú bất động sản đại diện đảng Cộng hòa luôn cho rằng chính sách lãi suất thấp của Fed vài năm qua có thể khiến kinh tế Mỹ gặp nhiều nguy cơ, cần phải chấm dứt điều này như một phần của chính sách cải tổ kinh tế do ông đề xuất. Thống đốc Fed chi nhánh Chicago Charles Evans tuyên bố: “Nếu chi tiêu của chính phủ gia tăng trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ có khá nhiều việc để làm”. Còn Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer nhận định: “Lãi suất thấp làm cho nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương hơn trước những biến động bất lợi có thể đẩy nó vào một sự suy thoái”. Cựu Phó chủ tịch Fed là Alan Blinder thì cho rằng kể cả khi bà Hillary Clinton có thắng cử đi nữa thì chính sách tài khóa cũng khó có thể được nới lỏng, đặc biệt là khi vị cựu ngoại trưởng đã cam kết chính sách kinh tế của mình sẽ không khiến thâm hụt ngân sách trở nên trầm trọng hơn.

Theo tính toán, chi tiêu của chính phủ Mỹ ở thời điểm hiện tại nếu cứ tăng thêm 1% GDP (khoảng 200 tỉ USD) thì Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 0,5% để giảm thiểu những rủi ro cho nền kinh tế, nhất là khi lạm phát tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ hiện nay được cho là vào khoảng 1,7%, gần sát mức giới hạn đặt ra là 2%.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/fed-se-tang-lai-suat-neu-tan-tong-thong-my-mo-rong-chinh-sach-tai-khoa-45916.html