Fed "làm mưa làm gió" suốt tuần qua tại Phố Wall

Nhân tố mang tên Fed đã chi phối thị trường Mỹ trong suốt tuần qua, khiến Phố Wall hết tăng, rồi giảm và có lúc đi ngang. Ngoài ra, số liệu mới nhất về kinh tế Trung Quốc và các báo cáo kinh doanh của khối doanh nghiệp Mỹ cũng tác động đến tâm lý của giới đầu tư cổ phiếu.

Tại sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Nguồn: THX/TTXVN)

Mở đầu tuần (phiên 20/5), các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt mất điểm, bất chấp hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp Mỹ diễn ra khá sôi động, bởi các nhà đầu tư chờ đợi diễn biến phiên điều trần của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke trước Quốc hội nhằm đưa ra những nhận định về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch sau đó, khi mà bài phát biểu của ông Bernanke vẫn chưa diễn ra, gây ra nhiều đồn đoán trái chiều trên thị trường toàn cầu, thì chứng khoán Mỹ vẫn đảo chiều đi lên, nhờ báo cáo lợi nhuận khả quan của công ty kinh doanh đồ nội thất lớn nhất nước Mỹ Home Depot, báo hiệu rằng thị trường nhà ở của Mỹ đang xuất hiện thêm các tín hiệu tốt và triển vọng phục hồi là khá sáng sủa.
“Sắc đỏ” đã ngay lập tức quay lại Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 22/5 và 23/5, do chịu sức ép từ những phát biểu của Chủ tịch FED về khả năng thể chế tài chính này sẽ sớm rút lại chính sách nới lỏng có định lượng hiện hành.
Theo ông Bernanke, mặc dù các điều kiện của nền kinh tế Mỹ hiện tại chưa thực sự thuyết phục FED kết thúc các gói kích thích tăng trưởng, song ngân hàng này có thể sẽ quyết định rút lại các chương trình nới lỏng có định lượng hiện hành trong một vài tháng tới nếu nền kinh tế có những cải thiện đáng kể.
Những nhận định từ người đứng đầu Fed cũng khiến các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á đồng loạt lùi bước, đáng chú ý là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã có phiên mất điểm mạnh nhất theo ngày kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 khi giảm tới hơn 7%.
Thêm vào đó, việc ngân hàng HSBC công bố số liệu sơ bộ cho hay chỉ số quản lý sức mua (PMI) sơ bộ của Trung Quốc trong tháng 5/2013 đã tụt xuống mức 49,6 so với mức 50,4 của tháng 4, cũng góp phần thúc đẩy xu hướng bán tháo cổ phiếu.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 tháng qua, PMI của Trung Quốc xuống dưới ngưỡng 50 - một dấu hiệu khác cho thấy đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy vậy, giới đầu tư cũng phần nào được an ủi bởi một số báo cáo tích cực về kinh tế Mỹ được công bố trong ngày 23/5, bao gồm doanh số bán nhà mới gia tăng và lượng người thất nghiệp giảm, cũng như sự bật tăng giá cổ phiếu của hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (+17%).
Chuyên gia phân tích Hugh Johnson, thuộc công ty Hugh Johnson Advisors cũng trấn an các nhà đầu tư rằng FED sẽ không rút lại các chương trình kích thích kinh tế một cách "bất ngờ và đồng loạt", mà có thể sẽ có lộ trình cắt giảm dần.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 24/5), thị trường chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, với sự trồi sụt nhẹ của ba chỉ số chính, giữa bối cảnh những lo ngại về việc Fed sớm rút lại các chương trình nới lỏng có định lượng vẫn còn hiện hữu.
Chốt phiên này, khối lượng giao dịch ở mức thấp, do thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ US Memorial Day (tới hết ngày 27/5). Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã “lội ngược dòng” từ giảm ở đầu phiên để rồi tăng 8,6 điểm, tương đương 0,06%, lên 15.303,10 điểm, nhờ mức tăng 4% của cổ phiếu thành viên Procter & Gamble (P&G).
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lại lần lượt giảm nhẹ 0,91 điểm (0,06%) và 0,28 điểm (0,01%), xuống 1.649,60 điểm và 3.459,14 điểm, bất chấp báo cáo mới nhất cho thấy số đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ trong tháng 4/2013 đã tăng 3,3%, vượt xa dự báo tăng 1,5% của giới phân tích.
Tính chung cả tuần, Dow Jones mất 0,3%, còn S&P 500 và Nasdaq đồng loạt hạ 1,1%. /.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/fed-lam-mua-lam-gio-suot-tuan-qua-tai-pho-wall/20135/199237.vnplus