FAO khuyến cáo Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A H7N9

(VEN) - Trước thông tin tổng số ca nhiễm virut cúm gia cầm A (H7N9) ở người đã vượt qua con số 60, và số người tử vong đã lên đến con số 13, ngày 17/4/2013, Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã chính thức đưa ra những khuyến cáo về tình hình này.

Công tác tăng cường kiểm soát tại biên giới nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gia cầm nhập lậu, giảm thiểu nguy cơ xâm nhập vi rút cúm A H7N9 là vô cùng quan trọng.

FAO nhận định: Việt Nam hiện đang đứng trước thách thức phải chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời phát hiện và ứng phó với chủng virut mới gây nguy cơ cho con người, sinh kế, an ninh lương thực, kinh tế, và đa dạng sinh học. FAO cũng đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ Việt Nam khi đã tổ chức Hội thảo Thực hiện Hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ về Kiểm soát và Phòng chống Cúm A (H7N9) ngày 13/04/2013 vừa qua.

Sự thật về virut cúm gia cầm A (H7N9):

Loại virut mới này gồm ba đoạn gien xuất phát từ 3 nguồn: 1) N9 từ chim hoang dã, 2) H7 từ vịt nuôi ở Trung Quốc giống như dòng gien phân lập được trong giai đoạn 2010-2012, và 3) các gien khác nhiều khả năng có nguồn gốc từ các loài gia cầm trong khu vực.

Trong thông báo được đưa ra ngày 17/4/2013, FAO khẳng định: Hiện nay thế giới vẫn đang đối diện với thách thức rất lớn là phải tìm hiểu chủng virut mới xuất hiện này và phương thức khiến con người bị lây nhiễm vẫn là điều bí mật. May mắn thay, khả năng lây truyền từ người sang người vẫn chưa được khẳng định. Mặc dù có thể gây chết người, nhưng chủng virut này không khiến gia cầm bị ốm bệnh hay chỉ có biểu hiện bệnh rất mờ nhạt, nên việc theo dõi, truy nguyên, và kiểm soát trở nên rất khó khăn. Nhờ nỗ lực tích cực lấy mẫu từ những gia cầm có biểu hiện rất khỏe mạnh, virut H7N9 đã được phân lập từ gà, vịt, chim cút, và chim bồ câu nuôi ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, Bộ phận Phòng chống Bệnh dịch Động vật Xuyên biên giới (ECTAD) của FAO hiện đang tích cực hỗ trợ Bộ NN&PTNT chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó với mối đe dọa mới xuất hiện này. Bà Vũ Ngọc Diệp – đại diện FAO Việt Nam cho biết, các công việc hỗ trợ này sẽ bao gồm tăng cường kiểm soát tại biên giới nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gia cầm và virut; phân tích mẫu thu được từ các chương trình giám sát thường xuyên để phát hiện H7N9 và xây dựng chiến lược tăng cường giám sát động vật tại biên giới.

“Mặc dù chẳng bao giờ có ai mong muốn xuất hiện một loại dịch bệnh mới có nguồn gốc từ động vật, nhưng đây thật sự là cơ hội để Chính phủ Việt Nam trình diễn mô hình lãnh đạo trên tinh thần Một Sức khỏe dựa vào kết quả của “Hội nghị quốc gia về áp dụng phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe đối với nguy cơ các bệnh truyền nhiễm trong môi trường tương tác con người - động vật - hệ sinh thái tại Việt Nam” tổ chức gần 2 tuần trước đây”, bà Diệp cho hay. Bộ phận ECTAD của FAO khuyến khích mọi người dân quan tâm chặt chẽ đến các trường hợp nhiễm H7N9 và làm mọi thứ cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

FAO Việt Nam cũng không quên nhắc lại rằng, gần đây cúm H5N1 đã cướp đi sinh mạng của một bé trai 4 tuổi ở tỉnh Đồng Tháp, khiến 8 người tử vong ở nước láng giềng Campuchia; và gây ra cái chết hàng loạt ở chim yến tại tỉnh Ninh Thuận, do đó điều cần thiết là phải duy trì nỗ lực để giảm thiểu tác động của loại virut cúm này cũng như chủng H7N9 mới xuất hiện.

Trang Web chính thức của FAO đưa ra khuyến cáo Việt Nam cần quan tâm chặt chẽ hơn đến tình hình cúm A H7N9.

Việc này, theo FAO đòi hỏi phải có cam kết ở cấp cao của Chính phủ, các nguồn lực tài chính cũng như nhân lực, và hợp tác đa ngành chặt chẽ.

Với những thông tin hiện có tại thời điểm này, FAO Việt Nam hiện không khuyến cáo việc tiêm phòng cho các loài động vật. Mặc dù có vắc xin thương mại cho virus H7, vẫn cần phải có thêm nhiều thông tin hơn nữa mới xác định được hiệu quả của các loại vắc xin đó trước chủng virut mới này.

FAO khuyến nghị, cần tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các trại chăn nuôi quy mô gia đình và các hộ chăn nuôi, những người buôn bán và chợ buôn bán gia cầm để góp phần giảm thiểu nguy cơ virut xâm nhập, đồng thời áp dụng các phương pháp thực hành an toàn sinh học và vệ sinh chuồng trại tốt trong tất cả các chuỗi thị trường gia cầm và động vật khác.

“Việc giám sát tích cực và báo cáo minh bạch về các trường hợp gia cầm ốm nhẹ hay chết với cơ quan thú y địa phương để lấy mẫu là việc làm vô cùng quan trọng giúp nâng cao khả năng phát hiện ra sự hiện diện của H7N9 tại Việt Nam”. Hiện nay, các virut cúm không lây truyền được khi người dân tiêu thụ thực phẩm nấu kỹ. Virut cúm bất hoạt ở nhiệt độ nấu nướng thông thường, nên nếu mọi điểm của thực phẩm đều được đun nóng đến 70°C thì sẽ an toàn khi ăn chừng nào thực phẩm đó được sơ chế và nấu nướng đúng cách. Tuy nhiên, FAO khuyến cáo người dân Việt Nam không ăn những động vật nhiễm bệnh hay những động vật có khả năng chết do nhiễm bệnh.

FAO hỗ trợ Việt Nam 50 nghìn USD mua 2 bộ primers xét nghiệm cúm A H7N9:

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều 17/4/2013 tại Hà Nội, Cục Thú y - Bộ NN&PTNT cho biết: Trong 2 tuần qua đã phát sinh thêm dịch tai xanh tại các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm đã được khống chế và toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Cục Thú y cũng cho biết đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương tiến hành rà soát lại toàn bộ các mẫu gia cầm nhập lậu (ước tính khoảng 500 mẫu) lấy từ các chợ từ tháng 9/2012 đến nay để xét nghiệm bổ sung tìm virus cúm A H7N9. Đến ngày 16/4/2013 đã xét nghiệm được 151/500 mẫu từ Lạng Sơn, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng. Theo đó, mặc dù dương tính với virus cúm A nhưng tất cả 100% mẫu này đều âm tính (không nhiễm) với virus cúm A H5N1 và H7N9.

Ngoài ra, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đã được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ 50 nghìn USD đặt mua 2 bộ primers (bộ mồi thử virus) để tiến hành xét nghiệm nhanh 3.000 mẫu cúm A H7N9.

Cục Thú y chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vaccine phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời quản lý tốt việc vận chuyển, buôn bán sản phẩm gia súc trong địa bàn có dịch; kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới; các tỉnh, thành phố chưa có dịch cần kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, vận chuyển gia súc gia cầm trên địa bàn.

Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/fao-khuyen-cao-viet-nam-can-chuan-bi-san-sang-ung-pho-voi-cum-a-h7n9_t77c441n35510tn.aspx