F1, từ Brazil: Phần nổi và phần chìm của tảng băng

Hãy cùng phân tích một chút về tình hình các đội đua còn lại cũng như những bất cập xuất hiện tại cuộc đua vừa qua.

Williams bước vào Brazilian GP với quyết tâm phải ghi được nhiều điểm nhất có thể để có thể cạnh tranh với Force India cho vị trí thứ 4 chung cuộc khi khoảng cách chỉ là 9 điểm. Thế nhưng khi có kết quả phân hạng khá tệ, không thể lọt vào Q3, cộng với việc cuộc đua diễn ra trong mưa, cho nên cơ hội để Williams vươn lên là khá khó khăn.

Một lần nữa FIA bị chỉ trích với những quyết định của mình

Và diễn biến cuộc đua đã thể hiện đúng như vậy, trong khi Force India liên tục cải thiện thứ hạng thì Williams lại lặn sâu hơn xuống dưới cuối đoàn đua do họ đã đưa 2 tay đua của mình vào thay lốp Intermediate từ sớm.

Đó là một quyết định sai lầm khi mưa không có dấu hiệu ngừng lại, vì thế họ lại mất thêm thời gian để vào thay lại lốp Wet, rồi sau đó, khi Massa phải bỏ cuộc, vị trí thứ 5 coi như an bài với đội đua nước Anh khi hai chiếc xe Force India về đích ở vị trí thứ 4 và 7, đem lại 18 điểm và khoảng cách 27 điểm, trong khi chỉ còn chặng đua cuối cùng tại Abu Dhabi.

Trong khi đó ở phía cuối BXH, Sauber đã rất nỗ lực để có thể ghi được nhiều điểm hơn Manor, từ đó vươn lên vị trí thứ 10 và có thể kiếm được thêm tiền thưởng từ vị trí này. Dù họ đã phải đón nhận tin không vui ngay từ đầu khi Marcus Ericsson gặp tai nạn phải bỏ cuộc, nhưng tay đua còn lại, cũng là tay đua chủ nhà Felipe Nasr đã tận dụng tốt sự hỗn loạn của cuộc đua để vươn lên vị trí có điểm.

Với một chiếc xe yếu như Sauber, Nasr đã có một cuộc đua tuyệt vời và kết thúc ở vị trí thứ 9 với 2 điểm, đó là đủ để Sauber tạm vươn lên thứ 10 trước khi đến với Abu Dhabi. Đây là một kết quả quan trọng với một đội đua luôn gặp khó về vấn đề tài chính, vị trí càng cao, họ sẽ có thêm nhiều tiền bỏ túi để có thể tiếp tục đầu tư phát triển và tham dự các mùa giải tiếp theo.

Chặng đua tốn nhiều giấy mực

Chúng ta đã nói nhiều về những điều đáng nhớ, những mặt ấn tượng của cuộc đua, tuy nhiên trong một cuộc đua diễn ra trong điều kiện mưa tầm tã như thế này, nhiều điều bất cập đã xuất hiện khiến cho FIA cần thực sự cân nhắc thay đổi.

Đầu tiên phải nói tới thời gian diễn ra cuộc đua này, dù thời gian đua khi Lewis Hamilton về đích là 3 giờ 1 phút, nhưng thực tế với khán giả, họ phải xem cuộc đua trong ít nhất hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Lí do đầu tiên là bởi cuộc đua bắt đầu đằng sau xe an toàn trong 7 vòng đua, đây là lần thứ 3 trong năm nay cuộc đua bắt đầu như vậy sau Monaco và Silverstone.

Trong khi đó, số lần bắt đầu cuộc đua như thế này trong quá khứ trước 2016 là 9. Thứ hai, cuộc đua tạm dừng 2 lần do cờ đỏ, và chạy sau xe an toàn quá nhiều vòng, khiến cho các tay đua cũng như khán giả cũng không hề hài lòng và có phần khá sốt ruột, hơn nữa nhiều người cho rằng F1 đang trở nên quá đề cao vấn đề an toàn. Dẫu biết rằng các giám sát đường đua đã nỗ lực hết sức để đem đến một cuộc đua thú vị, hấp dẫn, nhưng có lẽ tại Brazilian GP vừa qua họ có thể đã mắc sai lầm khiến nhiều người bất bình như vậy.

Một vấn đề nữa cũng đã nổi lên khi cuộc đua kết thúc là liệu có phải Pirelli đã tập trung phát triển quá nhiều vào lốp trơn mà bỏ quên mất lốp đi trời mưa không. Hầu hết tất cả các bộ lốp được sử dụng trong cuộc đua vừa qua đều là lốp Wet, còn một vài bộ là Intermediate.

Trong tất cả những cú trượt và tai nạn đã xảy ra, chỉ có duy nhất trường hợp của Marcus Ericsson là đang sử dụng lốp Inter, còn lại đều xảy ra với bộ lốp Wet, bộ lốp tốt nhất có thể dùng khi trời có mưa lớn. Nếu nó xảy ra với các tay đua thiếu kinh nghiệm trong điều kiện thời tiết này như Max Verstappen , đó là điều dễ hiểu, nhưng nó lại toàn xảy đến với những tay đua dày dặn kinh nghiệm như Vettel, Raikkonen, Rosberg, Massa hay thậm chí là cả chuyên gia Fernando Alonso.

Toto Wolff đã có hành động không đẹp với Max Verstappen

Chúng ta có thể chấp nhận có thể là do lỗi của các tay đua, nhưng ở vụ tai nạn của Kimi Raikkonen, tại sao anh ta đang đi thẳng rồi bất ngờ mất lái và đâm vào tường? Sau đây, Pirelli cần kiểm tra lại độ an toàn của những bộ lốp đó để có thể đem lại những cuộc đua chất lượng hơn trong tương lai.

Vấn đề bất cập cuối cùng đó là sự thiếu tôn trọng giữa các thành viên trong đội và giữa các đội đua. Cách đây mấy có thông tin cho rằng, trưởng đội đua Mercedes Toto Wolff đã trực tiếp gọi điện cho bố tay đua Max Verstappen, là ông Jos để nói rằng Max không nên “can thiệp” vào cuộc cạnh tranh nội bộ giữa 2 tay đua Mercedes bởi ông biết tay đua người Hà Lan có tính hiếu chiếu rất cao.

Ngay lập tức khi Red Bull biết được thông tin đó, Christian Horner nói ngay hành động của ông Toto là “rác rưởi”, khi chưa có lãnh đội đua nào lại gọi cho một tay đua của đội đua khác để nói về tay đua đó và ngăn cản việc cạnh tranh sòng phẳng trong cuộc đua cả.

Có lẽ vì muốn đáp trả lại hành động trên, Red Bull đã “chơi” lại Lewis Hamilton, dù Max Verstappen có thể về thứ 2, nhưng sau một chuỗi sai lầm khó hiểu trong việc thay lốp của đội đua nước Áo, Hamilton lại càng gặp khó hơn nếu muốn vô địch mùa giải này.

Một sự việc nữa cũng được ống kính máy quay thu lại được diễn ra tại garage của Haas, sau khi phải bỏ cuộc ở vòng 60 do chiếc xe không có sự ổn định, Esteban Gutierrez đã tỏ ra khá bực bội, anh ném găng tay của mình vào góc garage, và cả khi lãnh đội, ông Steiner kéo anh lại, gương mặt nhăn nhó vẫn được anh thể hiện.

Dù sự việc không có gì to tát nhưng vẫn thân phận là một tay đua, anh ấy cần bình tĩnh hơn trong cách xử sự khi giáp mặt với lãnh đội, nhất là trong trường hợp của tay lái người Mexico, khi anh vẫn chưa có hợp đồng đua cho mùa giải tới.

Như vậy mùa giải 2016 đã sắp đi đến hồi kết, với lợi thế không hề nhỏ giành cho Nico Rosberg, anh đang tràn trề cơ hội có thể lần đầu tiên đứng trên đỉnh cao của F1 trong sự nghiệp. Tất nhiên, như thường lệ Lewis Hamilton sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình và chờ đợi sự may mắn sẽ đến. Chặng đua thứ 21 tại Abu Dhabi sẽ diễn ra trong 2 tuần tới, từ ngày 25 đến 27/11.

Roger Bui

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/f1-tu-brazil-phan-noi-va-phan-chim-cua-tang-bang-c9a468823.html