EVN tiết kiệm nhất năm 2015: Mối lo khác

Kết quả tiết kiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2015 là 6.296 tỷ đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo mới nhất về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Kết quả này dựa theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.

Liên quan đến sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo nêu kết quả tiết kiệm năm 2015 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã báo cáo là 15.090 tỷ đồng, tăng 3.595 tỷ đồng so với năm 2014.

Không có tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nào được nhắc tên ở báo cáo chính. Nhưng phần phụ lục cũng xuất hiện con số nghìn tỷ.

Được đánh giá là một trong những tập đoàn tiết kiệm nhất nhưng EVN cũng chiếm hơn một phần ba tổng số nợ mà Chính phủ phải bảo lãnh, tính đến hết năm 2015.

Chẳng hạn, kết quả tiết kiệm của EVN là 6.296 tỷ đồng, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 4.171 tỷ đồng.

Các tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo nhìn nhận của Chính phủ thì việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) được triển khai quyết liệt.

Giai đoạn 2011 - 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. Riêng năm 2014 và năm 2015 đã thoái được 9.841 tỷ đồng, thu về 9.641 tỷ đồng.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ, kết thúc năm 2014, số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.

Một số doanh nghiệp có số nợ vay ngân hàng lớn như Tập đoàn Dầu khí 174.000 tỷ đồng, EVN 108.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải trên 32.000 tỷ...

Báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty cho biết riêng nợ nước ngoài của khối này vào khoảng 381.500 tỷ đồng. Trong đó vay lại vốn ODA của Chính phủ gần 118.000 tỷ, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ. Riêng nợ nước ngoài của các công ty mẹ là 253.450 tỷ đồng, mà dẫn đầu là công ty mẹ EVN với gần 162.000 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hơn 27.000 tỷ đồng; Dầu khí khoảng 20.000 tỷ đồng.

Một thông tin có liên quan, ngày 12/7, báo VnExpress dẫn một báo cáo của tập đoàn cho biết, đến cuối năm 2014, tổng tài sản công ty mẹ đạt 576.133 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 161.190 tỷ. Hệ số nợ phải trả/vốn Nhà nước đạt 2,64 lần, tương ứng số nợ phải trả vượt 425.000 tỷ đồng.

Nợ nước ngoài của EVN cũng vượt 162.000 tỷ đồng. Chỉ tính tiêng dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tổng vố đầu tư đã hơn 1,6 tỷ USD (36.000 tỷ đồng), trong đó 85% là vốn vay tín dụng của Ngân hàng Kexim, Ksure (Hàn Quốc) và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản).

Các đơn vị thành viên khác của EVN cũng có những khoản vay ngoại tệ lớn như: Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia vay 245 triệu USD từ Citibank hay vay BNP Paribas 108 triệu USD...

Trong khi đó, ngày 11/7, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 50, báo cáo thẩm tra báo báo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại một số dự án, công trình quy mô lớn của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nặng nề, tổn thất tài sản Nhà nước tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/evn-tiet-kiem-nhat-nam-2015-moi-lo-khac-3313972/