EVN nói chi đầu vào tăng 7.200 tỷ đồng: Đoán lý do

Theo tính toán của EVN, năm nay, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào là hơn 7.200 tỷ đồng.

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2017-2020.

Trong buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã yêu cầu EVN xây dựng kịch bản giá điện 2017 theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư và kiềm chế lạm phát.

Theo EVN, ngành điện đang phải gánh 7.200 tỷ đồng chi phí tăng thêm từ việc tăng giá nguồn đầu vào như than, khí...

Tính toán của tập đoàn này cho biết việc biến động chi phí đầu vào (giá than, dầu...) đang làm EVN tăng chi phí sản xuất kinh doanh thêm 7.200 tỷ đồng trong năm nay.

Hồi đầu năm tại cuộc họp tổng kết, Tổng giám đốc EVN ông Đặng Hoàng An từng cho biết, một số chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng chưa được cân đối trong giá điện, đặc biệt là than. Riêng giá than làm điện tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.

Con số 7.200 tỷ đồng chi phí "đội" thêm mà EVN đang phải gánh đã phần nào giúp hình dung về kết quả hiệp thương giá than, dù kết quả này chưa bao giờ được công bố chính thức.

Tuy nhiên, EVN cho biết đã đặt ra một loạt các giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.

Như vậy, vẫn còn một khoản 4.200 tỷ đồng biến động chi phí đầu vào đang treo trên đầu giá điện, cùng với khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết của những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, EVN cũng được đề nghị làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ... Tất cả những nội dung này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN, và theo đó là giá điện.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng luôn là lý do được EVN đưa ra mỗi khi rậm rịch đòi tăng giá điện. Bởi thế, với thông tin về chi phí "đội" thêm mà lãnh đạo EVN đưa ra, kịch bản tăng giá điện là điều khó tránh khỏi.

Từng trao đổi với Infonet, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong các nguồn điện ở nước ta hiện nay có thủy điện, nhiệt điện, điện dầu và năng lượng tái tạo. Trong đó cơ cấu nhiệt điện chiếm tỷ trọng lớn, còn điện tái tạo mới chiếm tỷ trọng nhỏ.

Nguyên tắc hình thành giá điện dựa vào các yếu tố đầu vào. Song chuyên gia cũng cho rằng, trong các yếu tố đầu vào thì than chỉ là một yếu tố. Không phải than tăng là chi phí phát điện sẽ tăng bởi có thể yếu tố này tăng, yếu tố khác giảm nên phải tính toán một cách tổng thể. Và phải xem các chi phí đầu vào đó tăng là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan.

“Phải xem cụ thể yếu tố đầu vào tăng bao nhiêu. Giá điện tăng phải xem xét chi phí đầu vào có tăng không, do khách quan hay chủ quan. Nếu do chủ quan phải xem cụ thể. Rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng đến giá điện như than, biến động tỷ giá… Còn thực tế, bao giờ doanh nghiệp cũng muốn đề xuất tăng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Còn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng giá than tăng, giá đầu vào tăng sẽ tác động đến giá điện.

Theo ông, hiện nay Chính phủ yêu cầu EVN tính toán lại giá thành một cách hợp lý nhất. Trong giá thành ấy, phải giảm tổn thất điện năng để giảm chi phí, giảm bộ máy, giảm chi phí tiêu dùng hằng ngày và quảng cáo, năng suất lao động…để có giá thành hợp lý nhất và không bị lỗ. Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức giá điện nào là hợp lý. Ngoài yếu tố giá than tăng, chính phủ còn yêu cầu nhiều thứ nên EVN hiện nay chưa tính toán, cân đối được và chưa thể trình kịch bản giá điện 2017.

Liên quan đến lo ngại có hay không áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, theo ông Ngãi, chuyện tăng giá điện là chuyện bình thường.

“Tôi không bênh cho ngành điện nhưng chúng ta cần có cái nhìn công bằng, nếu không làm sao ngành điện phát triển được. Ngành điện là ngành cơ sở hạ tầng quan trọng, nếu thiếu điện thì sẽ ra sao. Tăng một chút tiền điện thì lo nhưng nếu thiếu điện thì sẽ ra sao”, ông nói.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/evn-noi-chi-dau-vao-tang-7200-ty-dong-doan-ly-do-3334193/