EVN được tăng giá điện tới 20%/năm: Độc quyền, dễ tiêu cực?

'Thị trường điện tại Việt Nam còn nhiều bất cập, đó là EVN vẫn đang độc quyền về điện và bản thân giá điện cũng chưa công khai, minh bạch'.

Giao cho độc quyền

Bộ Công thương đang trình Dự thảo về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân để xin ý kiến các Bộ, ngành.

Theo đó, EVN được phép tăng giá tối thiểu 3 tháng/lần nếu các thông số đầu vào hình thành giá điện thay đổi, với mức tăng mỗi lần 3 - 5%, mức tăng tối đa là 20%/năm. Thẩm quyền của Bộ Công thương về việc tăng giá điện cũng tăng tương ứng từ 20% lên đến 40% mỗi năm.

Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng không nên cho phép EVN được điều chỉnh tăng giá điện trong thời điểm này.

Theo ông Lâm, thị trường điện tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập, đó là EVN vẫn đang độc quyền về điện và bản thân giá điện cũng chưa công khai, minh bạch. Vì vậy vị chuyên gia đặt câu hỏi, việc để EVN tự chủ về giá điện liệu có khách quan và công bằng hay không?

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng không nên cho phép EVN được điều chỉnh tăng giá điện trong thời điểm này. Ảnh: vneconomy

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng không nên cho phép EVN được điều chỉnh tăng giá điện trong thời điểm này. Ảnh: vneconomy

“Người dân cần sự minh bạch hóa, rõ ràng rồi sau đó mới giao quyền cho họ được. 2 yếu tố này chưa thực hiện được thì hiện nay giao cho EVN quyền tăng giá bao nhiêu thì dân càng thiệt thòi bấy nhiêu.

Thực tế hiện nay, việc phát điện cạnh tranh của chúng ta chưa hoàn thành. Việc bán điện cạnh tranh thì mới khởi mào. Điều đó có nghĩa là EVN vẫn còn ở vị thế độc quyền rất cao. Việc giao quyền tăng giá điện cho một đơn vị độc quyền thì không nên. Chỉ khi nào ngành điện hoạt động theo cơ chế thị trường thì nhà nước mới không nên tham gia và để EVN chủ động. Việc này cần phải xem xét thận trọng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đánh giá thêm về dự thảo mới của Bộ Công thương, ông Lâm cho rằng, nếu EVN được chủ động tăng giá điện thì chắc chắn trong thời gian tới, người dân và các doanh nghiệp sẽ thêm lo lắng.

“Điều này sẽ xảy ra mấy vấn đề tiêu cực. Thứ nhất giá điện chỉ tăng chứ không có giảm. Thứ hai thực chất việc tăng giá điện đó đã thật sự đúng chưa? EVN tăng giá nhưng so với chất đầu vào đã đúng chưa? Chưa có cơ quan nào giám sát thật sự cả.

Ngoài ra mối quan hệ giữa Bộ Công thương và EVN hiện nay nhiều người còn phân vân. Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ngoài. Nhưng trong trường hợp này cái đó đúng chưa? Còn rất nhiều vấn đề phải bàn và làm rõ ở đây”, ông Lâm nói.

Dễ lách luật?

Về đề nghị điều chỉnh thời gian tăng giá điện tối thiểu từ 6 tháng (Theo Quyết định 69 đang có hiệu lực) xuống 3 tháng/lần theo dự thảo mới của Bộ Công thương, vị chuyên gia cho rằng dễ phát sinh các vấn đề tiêu cực.

Theo ông Lâm, với Quyết định 69, EVN không được phép tăng giá điện mà chỉ là đơn vị đề xuất. Ngoài ra, trong trường hợp tăng giá điện từ 5-10%/lần thì bắt buộc phía Bộ Công thương phải xin ý kiến của Thủ tướng chính phủ.

“Việc tăng thời gian điều chỉnh lên nhiều lần tôi nghĩ là cách để doanh nghiệp lách phải xin ý kiến của thủ tướng chính phủ. Trước đây nếu tăng ở mức 5-10% thì phải có ý kiến của Thủ tướng chính phủ. Bởi vậy bây giờ họ muốn điều chỉnh mức dưới 5%/lần tăng giá điện để tránh việc trình chính phủ. Việc này về cơ bản không khác gì tăng như cũ cả. Cái chính là người dân vẫn phải chịu thiệt. Tôi nghĩ cái đó thì không nên”, ông Lâm nêu quan điểm.

Trước ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tăng quyền tăng giá điện cho EVN lên 20%/năm, cho Bộ Công thương lên tới 40% là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn, ông Lâm khẳng định hoàn toàn đồng ý với nhận định trên.

Ông Lâm dẫn chứng, từ năm 1995 đến nay, dù lạm phát của Việt Nam có sự biến động mạnh giữa các năm, nhưng không có năm nào vượt quá 20%. Vì vậy, theo ông Lâm cần phải có sự cân nhắc, xem xét, tính toán mức điều chỉnh cho phù hợp với giá điện trong nước và thế giới.

Quốc hội phải giám sát

Từ thực tế quan sát, ông Lâm cho rằng, thời gian qua ngành điện lực của Việt Nam tồn tại rất nhiều bất hợp lý nhưng chưa được xem xét, nhìn nhận một cách khách quan.

Lý giải điều này, ông Lâm nói: “Thời gian vừa qua việc giám sát giá điện chúng ta giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Người tiêu dùng. Tuy nhiên đây là những cơ quan không có chuyên môn. Điện lực là ngành chuyên sâu, đòi hỏi những kiến thức và kỹ năng thực tế.

Cho nên, thực tế là nhiều đoàn khi giám sát không nắm được vấn đề chuyên môn dẫn tới hiệu quả chưa thực sự như mong muốn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/evn-duoc-tang-gia-dien-toi-20nam-doc-quyen-de-tieu-cuc-3320220/