EVN được quyền tăng giá điện 20%/năm?

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền tăng giá điện tới 20%/năm. Dự thảo do Bộ Công thương soạn thảo gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Thay đổi biên độ và tần suất điều chỉnh giá

Cụ thể, dự thảo “Quyết định quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân”, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn còn 3 tháng (thay vì 6 tháng như trước đây), biên độ điều chỉnh giá điện cũng có sự thay đổi.

EVN được quyền tăng giá điện từ 3-5%. Với mức tăng từ 5% đến dưới 10% thì do Bộ Công Thương quyết định. Chỉ Chính phủ mới được quyết định tăng giá điện trên 10%. Tóm lại, EVN được quyền tăng giá điện cao nhất là 20%/năm và Bộ Công Thương được quyền quyết tăng đến 40%/năm.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long – nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nếu giao quyền tự quyết giá điện cho EVN – đơn vị đang kinh doanh điện thì chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ông Long cho biết: “EVN là doanh nghiệp độc quyền nên Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần. Cần có đơn vị giám sát độc lập”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc trao quyền tăng giá điện cho EVN cần được xem xét, cân nhắc. Ảnh: Tienphong

Thậm chí dự thảo này không phù hợp với định chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Hai chủ thể được quyền định giá sản phẩm là Nhà nước và thị trường (doanh nghiệp, người tiêu dùng).

Ông Long cũng phân tích điểm bất hợp lý của dự thảo ở chỗ trên thị trường độc quyền của ngành điện lại bị phân ra thành 3 biên độ khác nhau, với các mức tăng do 3 đơn vị quyết định: doanh nghiệp, Bộ và Chính phủ. Ông chỉ rõ: “Không có một cơ chế nào trong thị trường mà mỗi khung lại do một đơn vị định giá vì rõ ràng nếu đã là sản phẩm độc quyền nhưng lại cho doanh nghiệp tự định giá thì dù với biên độ rất hẹp (kể cả dưới mức 3-5% của dự thảo) thì doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng biên độ đó để tăng giá vì lợi ích của mình”.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện sẽ giúp giá điện diễn biến linh hoạt với thị trường. Nhưng việc mở rộng thẩm quyền tăng giá điện cần được xem xét, cân nhắc và thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo có sự tham gia của các bên mua – bán điện và sự kiểm soát của Nhà nước.

Nhiều độc giả nhận xét, nếu theo dự thảo mới thì người tiêu dùng điện sẽ chịu thiệt. Vì lâu nay, điện liên tục tăng giá trong khi giá thành sản xuất điện không được công bố rộng rãi.

Sẽ có thêm Quỹ bình ổn giá điện?

Quỹ bình ổn giá điện liệu có phát huy hiệu quả? Ảnh: Tuoitre

Trong dự thảo lần này của Bộ Công Thương quy định khá cụ thể về việc lập Quỹ bình ổn giá điện. Nguồn hình thành quỹ được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá theo hướng dẫn của liên Bộ Tài Chính – Công Thương. Đây cũng là điều khiến nhiều chuyên gia phản ứng mạnh.

Chuyên gia Bùi Trinh cho biết: “Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị phản đối rồi, đừng thành lập thêm quỹ bình ổn giá điện để rồi tính vào chi phí hình thành giá buộc người dân phải đóng thêm tiền vào đó nữa”.

Có ý kiến cho rằng, xây dựng quỹ bình ổn giá được lấy từ tiền túi của người dân là đi ngược lại cơ chế thị trường và xu hướng thế giới. Trên thế giới, quỹ bình ổn giá chỉ sử dụng với một số mặt hàng và trong thời gian ngắn, rồi sau đó trả lại cho quy luật cung – cầu của thị trường.

Ông Long cũng cho biết, EVN có thể được trao quyền quyết định tăng giá điện nhưng cơ quan chức năng phải đánh giá được việc điều chỉnh như thế có hợp lý hay không, vì biên độ điều chỉnh quá rộng sẽ ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt và kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

“Chúng ta cần có cơ quan tư vấn độc lập thẩm định giá có đủ năng lực, tách bạch khỏi EVN cũng như Bộ Công Thương. Phải minh bạch để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra và tái kiểm tra khi cần. Nếu sai có thể quy trách nhiệm người đứng đầu” - ông Long nhấn mạnh.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/evn-duoc-quyen-tang-gia-dien-20nam