EuroCham: Việt Nam thiếu nhất quán trong thực thi chính sách

BizLIVE - Các doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng không có một sự nhất quán trong việc diễn giải và áp dụng luật ở các cơ quan cấp phép đầu tư tại địa phương ở Việt Nam. Một số cơ quan (nhà nước) ở Việt Nam còn cho rằng một công ty Việt Nam trở thành một công ty nước ngoài bất kể tỉ lệ sở hữu của phía nước ngoài là bao nhiêu.

EuroCham chia sẻ quan điểm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với Chính phủ

Trên đây là một số phàn nàn của doanh nghiệp thành viên EuroCham, được thể hiện trong Sách Trắng 2014 – Các vấn đề Thương mại/Đầu tư và Kiến nghị, dự kiến được EuroCham chính thức công bố vào 11/11 tới tại Hà Nội, theo thông tin từ EuroCham.

Trong thông cáo của mình, ông Chủ tịch EuroCham Preben Hjorlund được trích lời cho rằng: “Mặc dù một số ngành [ở Việt Nam] đã có khuôn khổ pháp lý đầy đủ nhưng thách thức vẫn xoay quanh việc thực hiện các qui định này [như thế nào]?”.

Vấn đề này phần lớn do sự chậm trễ ban hành các văn bản thực thi luật và việc chính quyền địa phương các cấp có cách hiểu và áp dụng các qui định của pháp luật theo các cách khác nhau, ông nói thêm.

Một ví dụ được đưa ra là theo Nghị định 102/2010/NĐ-CP qui định rõ là doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ có thể hưởng các điều kiện đầu tư như đối với các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị coi là doanh nghiệp nước ngoài bất kể tỉ lệ sở hữu của phía nước ngoài là bao nhiêu. Điều này rõ rằng đã ‘cản trở việc tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường’, thông cáo nói rõ.

Sách Trắng cũng đã ghi nhận từ phía doanh nghiệp về một số ‘thay đổi tích cực trong các lĩnh vực như ưu đãi thuế, nhân lực, và du lịch có trách nhiệm’.

Việc bãi bỏ Thông báo 197 liên quan tới các yêu cầu nhập khẩu và việc thông qua Luật Giá của Việt Nam cũng được các doanh nghiệp Châu Âu coi là ‘những bước đi đáng hoan nghênh’.

Mặc dầu vậy, Sách Trắng vẫn cho rằng còn một số quan ngại sâu sắc , đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ Việt Nam và khu vực kinh tế tư nhân.

Sách Trắng năm nay phản ánh mong muốn của EuroCham là đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu chung như thúc đẩy và tăng cường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân Việt Nam và ban hành những thay đổi tích cực về mặt xã hội và môi trường.

Sách Trắng tập hợp ý kiến của 800 doanh nghiệp thành viên EuroCham hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý tại Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu.

Sách Trắng 2014 đề cập đến các vấn đề như nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, thuế, giao nhận và vận tải như các ấn bản các năm trước.

Tuy nhiên, ấn bản năm nay có thêm chương về Phát triển bền vững, tổng hợp quan điểm của các doanh nghiệp thành viên EuroCham sau thành công của hội nghị Green-Biz tổ chức vào tháng 9 vừa qua tại Hà Nội.

Từ khóa : eurocham , sách trắng , doanh nghiệp , nước ngoài , nhất quán , bình đẳng

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/eurocham-viet-nam-thieu-nhat-quan-trong-thuc-thi-chinh-sach-7750.html