EuroCham kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tiếp tục nhấn mạnh các đề xuất về thuế, kiểm soát giá và khả năng tiếp cận thị trường trong sách trắng 2014 được công bố ngày 11/11/2013.

EuroCham tiếp tục nhấn mạnh các đề xuất về thuế, kiểm soát giá và khả năng tiếp cận thị trường trong sách trắng 2014.

Các thành viên EuroCham lưu ý đến chính sách ưu đãi thuế với nhận định là các quy định hiện hành không cho phép áp dụng chính sách ưu đãi thuế một cách thống nhất.

Trên thực tế, chính sách ưu đãi thuế đã thực sự trở thành một hệ thống phi thể thức, trong đó có việc áp dụng phần lớn tùy thuộc vào các cơ quan thuế địa phương qua các diễn giải của họ về cơ sở cấp ưu đãi.

Ví dụ danh sách các khu vực được hưởng điều kiện đầu tư thuận lợi và ưu đãi hiện nay vừa được quy định trong các văn bản pháp luật về đầu tư, vừa được quy định trong pháp luật về thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do có sự chồng chéo như vậy nên các cơ quan thuế chỉ áp dụng điều kiện thuận lợi và ưu đãi về đầu tư chiếu theo pháp luật về thuế chứ không áp dụng những quy định thuận lợi hơn theo Luật Đầu tư.

Từ nhận định trên, EuroCham kiến nghị Chính phủ soạn thảo một Nghị định hướng dẫn cụ thể việc triển khai Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm những hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế.

“Cần đảm bảo việc áp dụng ưu đãi thuế là minh bạch và nhất quán giữa các cơ quan thuế khác nhau và phản ánh đúng mục đích của khung pháp lý đó là nhằm khuyến khích đầu tư”, Sách Trắng nêu rõ.

Liên quan đến công tác kiểm soát giá, ngày 1/1/2013, Pháp lệnh Giá đã được thay thế bằng Luật Giá. EuroCham đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc loại bỏ các biện pháp bình ổn giá không thực tế hoặc mâu thuẫn với cam kết WTO của Việt Nam và nhìn chung đã đưa ra một cơ chế rõ ràng hơn cho việc can thiệp của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng bày tỏ quan ngại trong một số ngành cụ thể. Khi giá không phản ánh đúng chi phí hoạt động, chẳng hạn khi có trợ cấp của Chính phủ, các doanh nghiệp không có động lực để đạt hiệu suất trong hoạt động của mình.

Điều này thể hiện rõ qua tình hình thị trường cung cấp vật liệu xây dựng, trong đó, các doanh nghiệp nhà nước được trợ cấp đã vận hành dưới mức thu hồi chi phí, giá cả giảm do tác động từ việc trợ cấp và khiến tình trạng dư thừa nguồn cung ngày càng trầm trọng.

Các khoản trợ cấp do vậy là một chi phí bổ sung đối với Chính phủ và người nộp thuế và không có tác dụng giải quyết nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề.

Đánh giá về khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam, EuroCham đưa ra kiến nghị dựa trên Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (FTU) đang trong quá trình đàm phán và dự kiến sẽ hoàn tất và ký kết vào cuối năm 2014. Theo đó, Hiệp định này có thể mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và cơ hội đầu tư vì lợi ích của cả EU và Việt Nam.

Theo Hiệp định FTA, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng hơn 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng gần 35%.

“Tuy nhiên, những lợi ích tiềm năng từ FTA có thể bị suy giảm nếu Việt Nam không cam kết hoàn toàn và bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định thương mại quốc tế”, Sách Trắng 2014 viết.

Mặt khác, theo cam kết WTO, từ năm 2012, các nhà dầu tư nước ngoài có quyền thành lập công ty mới 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, Nghị định 58/2012/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty chứng khoán đang hoạt động hoặc thành lập một công ty môi giới mới 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam (trừ các công ty chứng khoán) vẫn còn giới hạn ở mức 49%. Do đó, EuroCham hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng hạn mức này.

Tương tự, các yêu cầu bắt buộc với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng khác nhau. Nếu hoạt động mua lại được tiến hành giữa hai đối tác trong nước, bên mua chỉ cần thực hiện một quy trình đăng ký khá đơn giản hoặc yêu cầu bên bán cập nhật tên của bên mua vào hồ sơ cổ phần của mình. Không giống như các công ty trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài khi mua lại cổ phần của các công ty trong nước thường buộc phải có hai giấy phép riêng biệt.

Vẫn có tình trạng phân biệt rõ rệt giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng cho biết rằng các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn.

Chẳng hạn, trong việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án đầu tư quy mô lớn. Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong một thị trường vốn đã phân hóa cao. Các doanh nghiệp hưởng lợi còn được phép tiếp tục hạ giá bán xuống thấp hơn chi phí sản xuất chỉ để tạo ra dòng tiền nhưng thực chất lại gây lỗ và dư thừa nguồn cung.

Do đó, EuroCham kiến nghị cần đảm bảo thực hiện các cam kết thương mại đã và sẽ ký kết trong tương lai. Xây dựng một khuôn khổ pháp lý và làm rõ các quy định hiện hành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận bình đẳng thị trường Việt Nam. Qua đó, thu hút vốn đầu tư và tạo việc làm cho lao động trong nước.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/20131111104423768p0c9920/eurocham-kien-nghi-cai-thien-moi-truong-dau-tu.htm