EU và 'bóng ma' khủng hoảng

Liên minh Châu Âu (EU) đang gặp nạn nặng nề nhất là sau khi giới lãnh đạo hướng về liên minh này ở Italia đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 4-12.

Vào tháng 3-2017, EU sẽ tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập. Với những bóng ma khủng hoảng như hiện nay, sự kiện này rõ ràng đã diễn ra trong một thời điểm không hề tốt như mong đợi. Thực tế, EU đang phải vật lộn với nhiều vết rạn nứt cũng như các cuộc khủng hoảng lan tràn – từ vấn đề người tị nạn, nợ công, cho đến lo ngại bất ổn tại Italia.

Thủ tướng Italia đã thất bại sau cuộc trưng cầu dân ý này khi cử tri “nói không” với những đề xuất sửa đổi của ông. Điều này cho thấy những cảm xúc mạnh mẽ chống EU trong cử tri Italia và có nguy cơ thúc đẩy Rome nối gót Anh, đẩy nhanh cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU. Và nếu cả Italia cũng rời EU, liên minh này ắt hẳn sẽ rơi vào thời kỳ bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế nguy hiểm hơn nữa.

Rõ ràng, đã đến lúc liên minh này cần nhắc nhở về mục đích ra đời ban đầu của nó. Bất chấp những tai ương, chẳng hạn như vấn đề người di cư và tốc độ tăng trưởng chậm, EU vẫn là thí nghiệm sống cho sự hội nhập, để các nước khác nhau có thể cùng nhau hành động trên những ý tưởng chung. Và nó vẫn là mô hình cho cách quản lý toàn cầu hóa. Đa số các công dân EU coi toàn cầu hóa là cơ hội, không phải là mối nguy hiểm.

Tại 5 trong số 6 quốc gia đông dân nhất của EU, số người chấp thuận EU đang tăng lên. Ngay cả ở Anh, quốc gia đã bỏ phiếu nhất trí thoát khỏi EU hồi tháng 6 với tỷ lệ suýt sao, đa số hiện nay sẽ bỏ phiếu để có thể ở lại. Nhiều quốc gia khác dọc biên giới Châu Âu, như Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, đang tìm cách nỗ lực để gia nhập EU. Và trong một thế đối trọng với cuộc trưng cầu dân ý ở Italia, cử tri Áo đã “nói không” với một ứng viên tổng thống có quan điểm chống EU trong cuộc bầu cử ngày 4-12 vừa qua. Tại Hy Lạp, người ta có thể phản đối các điều kiện theo quy định của EU trong việc giải cứu nền kinh tế ngập trong nợ nần này. Nhưng đa số vẫn thích ở trong khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone).

Thực tế mà nói, hệ thống chính trị siêu quốc gia của EU là chưa từng có trong lịch sử. Nhiều người so sánh EU với liên bang Mỹ. Mỹ phải mất hơn 200 năm để đi đến thành công trong việc xây dựng một nhà nước liên bang. EU mới 60 năm tuổi. Vì vậy, có lẽ không nên ngạc nhiên nếu EU vẫn gặp phải nhiều vấn đề cần giải quyết ở độ tuổi này.

Thanh Văn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/92_158813_eu-va-bo-ng-ma-khu-ng-hoa-ng.aspx