EU trông chờ gì vào hàng nông sản Việt Nam?

Cao ủy Liên minh châu Âu về Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phil Hogan viết riêng cho TBKTSG Online về những đòi hỏi của người tiêu dùng châu Âu với nông sản Việt Nam nhân chuyến làm việc (từ ngày 3 đến 7-11) cùng 42 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống châu Âu tới Hà Nội.

Ông Phil Hogan. Ảnh do Phái đoàn EC tại Hà Nội cung cấp.

Tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên được đến với đất nước Việt Nam.

Nhiệm vụ của tôi là quản lý lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm tại 28 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU). Những người nông dân và doanh nghiệp thực phẩm của chúng tôi làm ra những sản phẩm thực phẩm và đồ uống nổi tiếng nhất thế giới và chúng tôi mong muốn mang những sản phẩm này đến với các gia đình Việt Nam. Rất nhiều người Việt Nam đã biết đến pho-mai Pháp và rượu vang Ý nhưng chúng tôi sẽ còn giới thiệu với các bạn nhiều đặc sản nữa.

Lần này tôi đến đất nước tuyệt vời của các bạn cùng với một đoàn gồm 42 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống châu Âu. Chúng tôi tự tin rằng các bạn sẽ thấy ấn tượng với chất lượng và sự phong phú của các sản phẩm chúng tôi mang tới.

Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và năng động, với tiềm năng to lớn về sự phát triển không ngừng trong những năm tới. Liên minh châu Âu lấy làm tự hào khi là một phần của sự thành công này. Qua quá trình hội nhập thuận lợi của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới được đánh dấu bằng việc gia nhập và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, Liên minh châu Âu đã ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô kinh tế của Việt Nam. Do đó, chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với đất nước và con người của các bạn nhằm đạt tới sự thịnh vượng mang tính bền vững cho cả hai bên. Điều này đã lý giải cho thành quả đó là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) EU-Việt Nam đã hoàn tất quá trình đàm phán sau 3 năm.

Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam là một thành tựu đáng khích lệ. Thỏa thuận này đạt được một sự cân bằng tốt cho cả hai phía. Chúng ta có thể nhận định một cách tự tin rằng hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau. Điều này có nghĩa là khi nói về vấn đề tiếp cận thị trường thì lĩnh vực nông nghiệp của cả hai bên đều đang đứng trước những cơ hội lớn – và chúng tôi hy vọng các bạn sẽ thấy được tiềm năng này ngay từ bây giờ. FTA này cũng sẽ dẫn tới sự gia tăng làn sóng đầu tư của EU vào Việt Nam, điều được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho quá trình cải thiện năng suất và hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam.

Một tác động từ sự tăng trưởng kinh tế đó là có một bộ phận dân số có mức thu nhập khá gia tăng về số lượng. Dựa trên thu nhập của mình, một trong những lựa chọn tiêu dùng chính mà các hộ gia đình đưa ra đó là dành cho thực phẩm và đồ uống.

Những người tiêu dùng muốn biết về loại thực phẩm mà họ đang sử dụng, như nó được làm ra như thế nào; được sản xuất ở đâu; những thành phần và phương thức sản xuất ra thực phẩm đó; nó đáp ứng những tiêu chuẩn an toàn nào và có những giá trị dinh dưỡng gì...?

Các mặt hàng nông sản và thực phẩm EU đều có câu trả lời thỏa đáng và cụ thể cho tất cả những câu hỏi này. Khái niệm về chất lượng không chỉ dành cho sản phẩm thành phẩm mà nó bao hàm trong bản thân quá trình sản xuất, cũng như vấn đề phúc lợi của người nông dân và vật nuôi. Ngoài ra, điểm cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là bảo tồn đất đai và môi trường. Có thể nói, những người nông dân EU cần phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt nhất trên thế giới liên quan tới bảo vệ môi trường, phúc lợi của vật nuôi và việc sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc thú y.

Người tiêu dùng tin tưởng vào các sản phẩm của chúng tôi và đánh giá cao chất lượng của các sản phẩm này. Điều đó lý giải vì sao các sản phẩm xuất khẩu đi toàn cầu của chúng tôi luôn có sự tăng trưởng hàng năm. Các mặt hàng nông sản-thực phẩm xuất khẩu này đã đạt tới kim ngạch 129 tỉ euro trong năm 2015, giúp đưa chúng tôi trở thành nhà xuất khẩu nông sản-thực phẩm số 1 trên thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng là nhà nhập khẩu nông sản-thực phẩm lớn nhất thế giới, điều này cho thấy sự cởi mở của nền kinh tế chúng tôi. Kết quả trao đổi thương mại này tiếp tục là một câu chuyện thành công thực thụ giúp khích lệ sự phát triển của lĩnh vực nông sản-thực phẩm của EU.

Một điều rất đáng mừng đó là không chỉ người Việt Nam đang ngày một quan tâm hơn tới nông sản-thực phẩm châu Âu mà số lượng người tiêu dùng châu Âu hứng thú với những đặc sản của Việt Nam cũng đang gia tăng. Sự tăng trưởng ấn tượng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường EU trong những năm gần đây (thể hiện qua con số gần 20 tỉ euro thặng dư thương mại nghiên về phía Việt Nam trong năm 2015 mà chủ yếu là nhờ vào lĩnh vực nông sản-thực phẩm) đã biểu hiện một cách chính xác nhất tiềm năng hết sức to lớn này. Tiềm năng này sẽ được tận dụng một cách tối ưu thông qua việc thực thi FTA song phương cũng như quá trình dỡ bỏ thuế quan bắt đầu từ đầu năm 2018.

Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng FTA này sẽ là một cơ hội đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi nhận thức được những thách thức rõ ràng mà các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt trong việc tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật minh bạch và không phân biệt đối xử của EU. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã và đang rất tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với tư cách là một đối tác tin cậy. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm của mình có thể góp phần vào việc củng cố hơn nữa quan hệ đối tác tuyệt vời hiện nay giữa hai bên.

Chúng tôi cũng tin chắc rằng các bạn sẽ có ấn tượng tốt với chất lượng và sự đa dạng trong các phẩm của chúng tôi, cũng giống như tôi đã đi từ ấn tượng đến yêu thích chè xanh Tân Cương và vải thiều Thanh Hà của Việt Nam, và đây mới chỉ là hai ví dụ cụ thể. Chúng tôi luôn mong muốn được tiếp tục vun đắp cho một mối quan hệ mạnh mẽ hơn nữa giữa châu Âu và Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai bên.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153320/eu-trong-cho-gi-vao-hang-nong-san-viet-nam.html/