EU quyết mạnh tay hơn với người di cư

Một phiên bản tăng cường của lực lượng kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu chiến dịch đầu tiên của họ trong hôm 6/10, trong một động thái hiếm hoi cho thấy sự đoàn kết của khối này trong việc tìm kiếm một chiến lược chung để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

Lực lượng mới sẽ giúp EU kiểm soát hữu hiệu các đường biên giới ngoại vi. (Nguồn: AFP).

Giới chức EU đã chính thức thành lập lực lượng mới tại điểm chốt Kapitan-Andreevo thuộc khu vực biên giới Bulgaria-Thổ Nhĩ Kỳ, một tuyến đường chính mà người di cư sử dụng để tiến tới các nước thành viên của khối này nhằm tránh tuyến đường vượt biển Địa Trung Hải đầy rủi ro.

Cơ quan Canh giữ bờ biển và Biên giới châu Âu (EBCG) này sẽ có đội ngũ gồm 1.500 người đến từ 19 quốc gia thành viên EU, và có khả năng di chuyển nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp như người di cư ồ ạt tràn tới.

Brussels hy vọng rằng lực lượng được làm mới này sẽ không chỉ giúp họ tăng cường an ninh mà còn giúp hàn gắn rạn nứt to lớn giữa các nước thành viên của họ ở phía Đông và phía Tây - vốn bất đồng sâu sắc về chính sách người di cư của EU. Mục tiêu lâu dài của họ là gỡ bỏ kiểm soát biên giới trong khối và phục hồi lại Hiệp ước tự do di chuyển Schengen vốn là niềm tự hào của EU.

“Cơ quan mới giờ đã mạnh mẽ hơn và được trang bị tốt hơn nhằm kiểm soát dòng người di cư và các thách thức an ninh” - Giám đốc EBCG, ông Fabrice Leggeri, nói trong một tuyên bố-“Lực lượng này sẽ tổ chức các cuộc kiểm tra tại các đường biên giới ngoài để xác nhận các điểm yếu trước khi một cuộc khủng hoảng ập tới”.

Cao ủy về vấn đề Di cư của EU, Dimitris Avramopoulos đã hoan nghênh việc làm mới lực lượng này, nói rằng đó là “cột mốc” mới của trách nhiệm chung và sự đoàn kết của EU.

“Kể từ giờ trở đi, đường biên giới ngoài của một thành viên EU cũng là đường biên giới của tất cả các nước thành viên còn lại” - ông Avramopoulos nói.

Việc tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới của EU thực chất là sự mở rộng hoạt động của Frontex, cơ quan bảo vệ biên giới của EU được thành lập năm 2004 với mục đích phối hợp các nỗ lực chung chống buôn bán người và di cư trái phép. Tuy nhiên, hồi năm ngoái, cơ quan này đã tỏ ra hoạt động không hiệu quả khi rất lúng túng trong việc xử lý hàng trăm nghìn người di cư từ Hy Lạp theo dọc tuyến đường các nước Balkan để tràn vào khu vực Bắc Âu.

Với lực lượng và năng lực còn hạn chế Frontex lúc bấy giờ thậm chí không có khả năng để tuần tra hiệu quả các đường biên giới ngoại vi của EU, trong đó gồm các nước được coi là “tiền tuyến” trong cuộc khủng hoảng di cư như Hy Lạp và Italy-hai quốc gia có lượng người di cư đến đông nhất khối.

Việc phải tiếp nhận cùng lúc khoảng hơn 1 triệu người, rất nhiều trong số này bỏ chạy khỏi chiến sự ở Syria, đã gây nên tình trạng hỗn loạn trên khắp lục địa này, khiến các quốc gia đóng vai trò là tuyến đường di chuyển chính của người di cư phải đóng cửa biên giới, giăng hàng rào thép gai để cản trở dòng người.

Dòng người di cư cũng làm nảy sinh căng thẳng trong khối, khi các quốc gia thành viên ở phía Đông chỉ trích chính sách quá cởi mở của nước Đức đối với người di cư, điều mà họ xem là vô tình cho phép những kẻ cực đoan đột lốt người di cư tràn vào châu Âu, tấn công các mục tiêu trong khối.

Đến hồi đầu năm nay, tất cả 28 quốc gia thành viên đã nhất trí thành lập một cơ quan kiểm soát biên giới mới. Là một phần của kế hoạch này, EBCG sẽ tham gia vào quá trình trục xuất về nước những người di cư không được chính quyền chấp nhận cho tị nạn hoặc bị xem là một mối đe dọa với an ninh trong nước. Lực lượng bảo vệ bờ biển mới thuộc EBCG cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ an ninh các đường hải giới của châu Âu.

Hiện nay, do tuyến đường qua các nước Balkan đã đóng cửa, nên ngày càng có nhiều người di cư chuyển qua tuyến đường biển đầy nguy hiểm từ Bắc Phi tới Italy. Khoảng 3.500 người di cư đã chết chìm trên vùng biển Địa Trung Hải tính từ đầu năm đến nay; theo các báo cáo mới nhất.

Bulgaria cũng đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng hàng rào dây thép gai dọc đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, với dự kiến bao phủ khoảng 259 km. Ước tính có khoảng 13.000 người di cư đang bị mắc kẹt bên trong nước này.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/eu-quyet-manh-tay-hon-voi-nguoi-di-cu/126103