EU đối mặt với các thách thức âm ỉ

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bàn cách đối phó với một loạt các khủng hoảng khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào hôm nay (20-10). Ba trong những vấn đề khó khăn nhất EU hiện nay là di cư, Anh rời khỏi EU (Brexit) và việc làm.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) sẽ bàn cách đối phó với một loạt các khủng hoảng khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vào hôm nay (20-10). Ba trong những vấn đề khó khăn nhất EU hiện nay là di cư, Anh rời khỏi EU (Brexit) và việc làm.

Di cư

Trong bài phát biểu trước EU hồi tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng đây là "cuộc khủng hoảng hiện sinh" của EU. Ông cảnh báo, một Châu Âu thiếu đoàn kết là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng đồng thời cho biết, EU sẽ phát động chiến dịch kêu gọi đoàn kết vào cuối năm nay.

Minh họa rõ nét về sự thiếu đoàn kết của Châu Âu được thể hiện trong kế hoạch tái định cư khẩn cấp cho 160.000 người tị nạn hồi năm 2015. Nhóm Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia) phản đối chính sách này. Tính đến ngày 13-10, chỉ có 4.716 người tị nạn được chuyển khỏi Hy Lạp - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 66.400 người. Trong khi đó, chỉ có 1.316 người được tái định cư trong kế hoạch di dời 39.600 người khỏi Italia.

EU đã lập Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới chung Châu Âu, nhằm ngăn chặn lặp lại cuộc khủng hoảng hồi năm ngoái, khi hơn một triệu người di cư ồ ạt kéo vào EU. Ít nhất 1.500 lính biên phòng sẵn sàng được triển khai đến các điểm chịu nhiều áp lực về di cư. Các chuyên gia EU cũng đang lập các trại đăng ký và đánh giá yêu cầu tị nạn của người di cư tại các "điểm nóng" ở Hy Lạp và Italia. Tuy nhiên, các trại này đang gây nhiều tranh cãi bởi điều kiện sống tồi tàn.

EU muốn tăng tốc độ trục xuất người di cư kinh tế, đa số đến từ Châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, nhân tố thúc đẩy di cư được cho là do xung đột và vi phạm nhân quyền tràn lan ở Châu Phi và Trung Đông. EU lên kế hoạch đưa nhiều người di cư trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, song nước này hiện có đến 2,7 triệu người tị nạn Syria.

Tỷ lệ thất nghiệp tại EU rất cao. Ảnh: BBC

Tỷ lệ thất nghiệp tại EU rất cao. Ảnh: BBC

Brexit

Brexit đe dọa gây ra một lỗ hổng lớn trong ngân sách của EU. Ước tính đóng góp ròng của Anh là 9,4 tỷ EUR. Dựa trên cơ sở bình quân đầu người, Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách EU trong năm 2015.

Anh và EU cần phải đàm phán về Điều 50 Hiệp ước Lisbon song song với tiến trình xây dựng thỏa thuận về việc rút khỏi khối. Đàm phán tập trung vào các vấn đề: quyền hạn của Anh trong việc tiếp cận thị trường đơn nhất của EU, liệu Anh có thể tiếp tục có các thỏa thuận thương mại với EU hay không và liệu tự do dịch chuyển lao động giữa Anh và các nước trong khối có được công nhận hay không?….

Việc làm

Các cơn dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn tồn tại ở Châu Âu. Trong tháng này, ngành ngân hàng thông báo cắt giảm 20.000 việc làm, trong đó có 9.600 ở ngân hàng Commerzbank của Đức và 5.800 tại ngân hàng ING của Hà Lan.

EU đang dần hình thành một Liên minh Các Thị trường Vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh ngiệp mới khởi nghiệp có vốn liên doanh hoặc nguồn tài trợ.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. Trong tháng 6-2016, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Hy Lạp (23,4%) và Tây Ban Nha (19,5%). Trong tháng 8, gần 21 triệu người thất nghiệp trên toàn EU, 16,3 triệu người trong số này thuộc 19 quốc gia khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Bức tranh này còn ảm đạm hơn đối với những người trẻ dưới 25 tuổi. EU hiện có 4,2 triệu người trẻ đang thất nghiệp, 3 triệu trong số này thuộc khu vực đồng tiền chung Eurozone.

An Bình
(Theo BBC)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_156399_eu-do-i-ma-t-vo-i-ca-c-tha-ch-thu-c-am-i-.aspx